21/09/2010 | 15:01:00

Nhạc sĩ Hoàng Hà: Đi phương nào vẫn giữ nét Hà Nội

Nhạc sĩ Hoàng Hà. (Nguồn: Internet)

82 tuổi đời với 60 năm làm nghệ thuật, nhạc sỹ Hoàng Hà, nhạc sỹ người Hà Nội, đã trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp và cuộc đời nhưng mọi nếp sống với những khuôn vàng thước ngọc ông vẫn gìn giữ.

Nhạc sỹ Hoàng Hà, tên thật là Hoàng Phi Hồng, sinh năm 1929 tại vùng hoa ven Tây Hồ, Hà Nội. Hoàng Hà là nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam sau cách mạng tháng 8 với những ca khúc cách mạng nổi tiếng đã từng đạt nhiều giải thưởng lớn như "Ánh đèn trên cầu Việt Trì," "Vĩnh Phúc quê tôi," "Chào Nha Trang giải phóng," "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn," "Cùng hành quân giữa mùa xuân," "Đất nước trọn niềm vui"... sống mãi với thời gian và trong lòng người yêu nhạc.

Con người của gia đình

Kể về những dấu ấn trong cuộc đời, trong tâm trí người nhạc sĩ tài hoa người Hà Nội hiện lên bao kỷ niệm xốn xang về những người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời mình. Người mà ông nhắc nhiều nhất là mẹ và vợ mình.

Ông tâm sự, cha ông là một thầy ký nhưng mất từ khi ông lên 9 tuổi. Mẹ là một thợ may, là con gái của một người lính viễn chinh Tunisia gốc Pháp.

Bà 12 lần sinh thì chỉ nuôi được hai người con là Hoàng Hà và và em trai Hoàng Phi Hùng. Chồng mất sớm, nhưng bà quyết định ở vậy nuôi hai con khôn lớn và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Ngôi nhà bên Tây Hồ là chốn đi về của các lãnh tụ của Đảng như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Trân... trong những tháng ngày đầu hoạt động cách mạng.

Với ông, mẹ là người phụ nữ xinh đẹp, đa cảm, dịu dàng, song cũng rất vững vàng, kiên nghị trước bao sóng gió cuộc đời. Những đức tính ấy không hẹn mà gặp ở ba người phụ nữ trong gia đình ông là mẹ, vợ và cô con gái duy nhất trong năm người con - nữ thẩm phán Hoàng Yến.

Nhà nghèo, lại là một người anh cả, từ khi 13 tuổi ông đã đi làm trong một nhà máy in để giúp mẹ nuôi gia đình. Vợ ông - bà Minh Phúc cho biết, trong ngày cưới của ông bà, ông đã ôm đứa em duy nhất vào lòng và khóc vì thương em, thương mẹ khi nghĩ mình không còn có thể chăm lo cho mẹ và em được nhiều như trước đây.

Chị Hoàng Yến chia sẻ thêm, "mỗi lần bà nội tôi ốm, cha tôi luôn túc trực bên cạnh lo lắng từng miếng ăn giấc ngủ của bà. Nhất là thời gian bà bị ngã gẫy chân, cha tôi thường hay ngồi kể chuyện cho bà nghe, chỉ để mong bà cười."

"Năm 1985, cha tôi quyết định dẫn anh Hoàng Lương vào Bà Rịa-Vũng Tàu lập nghiệp với mục đích đầu tiên là đưa bà nội vào trong đó, mong khí hậu nơi đây sẽ giúp sức khỏe bà tốt hơn. Nhưng vào chưa được bao lâu thì bà nội đột ngột mất, khi ông và người con trai Hoàng Lương đang ôm cây đàn ghita “du ca” các tỉnh ở miền Nam để kiếm tiền về quê. Thế nhưng khi về tới nhà ông không còn kịp được nhìn mẹ lần cuối. Đó là điều mà ông vẫn day dứt trong lòng lâu nay, bởi vì với ông, mẹ như một vị thánh ngự trị trong lòng," chị Hoàng Yến kể lại.

Rồi ông mở tủ lấy cho tôi xem một đôi giày đã cũ kĩ sờn rách được ông gói bọc cẩn thận. Đây là món quà mà mẹ ông mua cho con trai trước khi ông vào Nam lập nghiệp. Đôi mắt buồn, ông nói: “Sinh thời cụ là người hiểu tôi nhất, mỗi tác phẩm tôi viết cụ rất thích và là người đọc đầu tiên. Điều ấy đã khuyến khích tôi rất nhiều trên con đường sáng tác âm nhạc.”

Khi nói về vợ mình, ông không ngần ngại khi nói rằng: “Hạnh phúc của tôi là cưới được vợ tôi, nếu như không có bà ấy có lẽ tôi không được như bây giờ.” Với ông, bà là người bạn tri kỷ trong sáng tác âm nhạc, chia sẻ với ông những lúc thăng trầm trong sự nghiệp và những vui buồn trong cuộc sống. Bươn chải chăm lo gia đình với năm đứa con, một mình nuôi con và làm một người con dâu hiếu thảo trong suốt thời gian dài ông bận công tác xa nhà.

Giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn cùng bà tay trong tay ngày ngày dắt nhau đi tập thể dục trên bãi biển Vũng Tàu. Tình yêu của ông bà vẫn thiết tha, dịu dàng như hương hoa huệ - bài hát mà chính tay ông viết tặng bà vào ngày cưới của mình.

Không chỉ vậy, ông còn là người cha yêu thương con hết mực. Với ông, “năm đứa con là năm niềm vui”. Mỗi đứa đều có nét đặc biệt, sở trường, sở đoản riêng. Trong nấy người con, thì chỉ có nghệ sĩ Hoàng Lương là đi theo con đường âm nhạc, đi theo nghiệp bố. Người con gái duy nhất của ông, chị Hoàng Yến, dù yêu thích văn chương nhưng cũng trở thành một thẩm phán hình sự của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong suy nghĩ của ông, Hoàng Yến là cô gái đặc biệt, có nhiều đa cảm về nghệ thuật. Khi ông vào Nam công tác, ai trong gia đình cũng được nhận thư của ông, trừ cô con gái nhỏ. Nhưng mấy tháng sau, cô nhận được gói bưu phẩm từ cha mình. Thật bất ngờ, đó là cuốn nhật kí của Hoàng Hà gửi con gái: “Con là người đa cảm, yêu văn chương nên bố tặng con cuốn nhật kí của mình. Bố muốn con đọc và để hiểu bố hơn.”

Tới tận bây giờ mỗi khi về Hà Nội, nhạc sĩ thường trở về ở cùng con gái của mình thật lâu. Với ông, Hoàng Yến là đứa con có cá tính giống mẹ và vợ. Không chỉ bản lĩnh trong cuộc sống, cô còn rất yêu thích nhạc của cha mình.

Giữ gìn nét Hà Nội

82 tuổi với 60 năm làm nghệ thuật, nhạc sỹ Hoàng Hà trải qua nhiều thăng trầm vất vả trong sự nghiệp và cuộc đời nhưng mọi nền nếp sống với những khuôn vàng thước ngọc ông vẫn gìn giữ. Những năm tháng đổi mới, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng ông vẫn mang nếp sống cũ giản dị. Và khi về già, Hoàng Hà quay về với cuộc sống yên bình hướng Phật từ cách ăn uống đến lối sống.

Bữa cơm thanh đạm, ông chỉ thích rau, đậu phụ, nước mắm và thấy ngon hơn cao lương mỹ vị. Ông thường dạy những đứa cháu của mình về giá trị cuộc sống, giá trị tinh thần và văn hóa người Hà Nội gốc mà ông luôn gìn giữ dù có long đong phương nào. Ông nói: “Dù đi xa nhưng Hà Nội luôn ở trong trái tim tôi, dù bây giờ ở trong Nam nhưng gia đình tôi vẫn giữ nếp sống người Hà Nội, từ giọng nói đến cách cư xử, đặc biệt là phong thái người Hà Nội.”

Ai gặp Hoàng Hà dù chỉ một lần đều cảm nhận được chất nghệ sĩ toát lên trên khuôn mặt và phong thái của ông. Ấn tượng nhất là đôi mắt sắng, nhấp nhánh vui vẻ và giọng nói người Hà Nội rất riêng không lẫn vào đâu đươc, dù ông vào Vũng Tàu đã 25 năm.

Hoàng Hà rất yêu động vật, tính cách ấy đã truyền cho cả gia đình ông. Khi tôi đến chơi, thấy ông đang ngồi nói chuyện với chú mèo nhỏ như nói với thành viên trong gia đình mình. Ông tâm sự, nếu không có tình yêu với trẻ nhỏ, với động vật, có lẽ sẽ không có "Con mèo ra bờ sông," "Hoa lá chào xuân," "Chú bộ đội," "Cùng múa hát mừng xuân"... mà thiếu nhi vẫn hay hát như hiện nay.

Tuy đã già nhưng trí tuệ ông còn minh mẫn, ông khá nhanh nhạy với khoa học công nghệ, thành thạo máy vi tính. Bên cạnh việc sáng tác âm nhạc, ông chú tâm nghiên cứu Kinh dịch, Phật giáo... và xem đấy là niềm đam mê mới của tuổi già.

 Nhạc sỹ Hoàng Hà:

- Họ tên khai sinh: Hoàng Phi Hồng
- Bút danh: Hoàng Hà, Cẩm La
- Quê quán: Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội

* Khen thưởng của Nhà Nước

- Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Ba, Huân chương Kháng chiến (chống Mỹ) hạng Hai, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huy chương "Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật", Huy Chương Vàng Liên hoan Ca múa Á-Phi 1970: Nhạc Múa "Nhân dân Đông dương đoàn kết chống xâm lược Mỹ.".

- Giải A Ủy ban Thiếu niên-Nhi Đồng (1967) : Bài "Con mèo ra bờ sông," Giải B Ủy ban Thiếu niên- Nhi Đồng (1982) về loạt ca khúc và nhạc dành cho lứa tuổi Thiếu Nhi, Giải đặc biệt giải thưởng hội Nghệ sỹ Việt Nam (1999): Giao hưởng hợp xướng Côn- Đảo, Giải Nhất giải thưởng Hội Nghệ sỹ Việt Nam 2002 bài
"Tiếng rừng dương."

(Chinhphu.vn/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark