10/02/2012 | 11:20:00

Gia đình văn hóa và sự nghiệp đổi mới

Lịch sử đất nước dù trải qua bao nhiêu năm chiến tranh, bao nhiêu biến thiên to lớn, gia đình vẫn là một thiết chế xã hội tồn tại bền vững. Gia đình vẫn là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội, bởi đấy là nơi tái sản xuất con người, tái sản xuất sức lao động, sản xuất ra của cải vật chất, tinh thần và là nơi bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Trong quá trình đổi mới, nước ta đã chuyển từ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, sang cơ chế thị trường với nhiều thành phần kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng sinh hoạt dân chủ nội bộ và tăng cường giao lưu về mọi mặt với quốc tế.

Những thay đổi trên tác động không nhỏ đến nếp sống, lối sống, cách làm ăn, ứng xử trong văn hóa gia đình. Sự quá độ từ truyền thống đến hiện đại của gia đình Việt Nam đang diễn ra phức tạp; vừa giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, vừa tiếp thu những giá trị văn hóa hiện đại quả không dễ dàng.

Trong gia đình nảy sinh những lúng túng, mâu thuẫn về quan hệ ứng xử giữa các thành viên về nuôi dạy con cái. Nếu như ở gia đình truyền thống đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối của con cái đối với cha mẹ, đề cao sự tôn kính tổ tiên, hiếu thảo với cha mẹ, thuỷ chung giữa vợ chồng, hướng về cội nguồn quá khứ, thì gia đình hiện đại lại có xu thế vươn tới cái mới, cái luôn thay đổi, đề cao lợi ích, hạnh phúc, nguyện vọng và tính độc lập của mỗi cá nhân, vợ chồng lấy tình yêu làm cơ sở, dân chủ bàn bạc trong mọi việc, tôn trọng ý kiến con cái.

Một số gia đình đời sống sung túc nhưng lại không hạnh phúc, chứa đầy những việc đau lòng, đồng tiền chi phối mạnh mẽ, chà đạp lên đạo lý thông thường, người già thiếu chăm sóc, trẻ em hư hỏng, vợ chồng bồ bịch, ly hôn tăng, tranh chấp nhà cửa gay gắt. Tệ nạn xã hội làm nhức nhối đời sống chung, đe dọa tất cả các gia đình, không loại trừ một ai. Một số thực trạng đáng lo ngại đang xuất hiện:

Số con ngoài giá thú ngày một tăng.

Số trẻ bị đẩy ra lề đường do gia đình tan vỡ, trẻ vô thừa nhận ngày một nhiều.

Số vụ ly hôn của vợ chồng trẻ tăng nhanh.

Tính ích kỷ và khát vọng hưởng thụ vật chất, hưởng thụ tình dục phát triển trong giới trẻ, ảnh hưởng của lối sống phương Tây buông thả; số này thường là ở các gia đình trẻ mới giàu lên bằng nhiều cách làm ăn, thu nhập không chính đáng.

Như vậy, thực tại xã hội ta đang đứng trước ba hệ văn hóa gia đình khác nhau để lựa chọn:

Hệ văn hóa gia đình bảo thủ: cố duy trì những giá trị văn hóa gia đình cổ xưa, gia trưởng, vừa mang tính uy quyền, vừa mang tính cộng đồng.

Hệ văn hóa gia đình hãnh tiến: cắt đứt với giá trị truyền thống giàu ý nghĩa tâm linh của gia đình; đề cao lối sống vị kỷ, thực dụng, cá nhân.

Hệ văn hóa gia đình kế thừa và phát triển: khôi phục, củng cố gia đình trên cơ sở truyền thống tốt đẹp; xây dựng gia đình là hạt nhân bền vững, vừa bảo đảm tính độc lập của các thành viên; vừa cố kết gia đình trên cơ sở bình đẳng. tôn trọng và sự phát triển của nhau.

Rõ ràng hệ văn hóa gia đình kế thừa là phù hợp và mở ra triển vọng thuận lợi cho việc củng cố và ổn định gia đình để phát triển xã hội.

Trong công cuộc đổi mới, gia đình đang trở về là cơ sở kinh tế. Làm giàu lên chỉ là phương tiện cho sự phát triển chứ không thể cho đồng tiền trở thành thế lực phá vỡ gia đình, suy đồi văn hóa, đạo đức, làm trụy lạc con người.

Đất nước ta mở cửa vào lúc thế giới đang có xu thế tiến tới hòa nhập các nền kinh tế và văn hóa khác nhau. Trong bối cảnh ấy, chúng ta không thể đứng cô đơn, tách biệt, mà phải tìm cách hội nhập để hòa đồng. Hòa đồng chứ không phải là hòa tan, làm mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Thế giới phương Tây đang đạt tới mức sung mãn vật chất cao nhất và cũng đang đến đỉnh cao của sự suy thoái về đạo đức, sa đọa về lối sống. Gia đình không còn ý nghĩa thiêng liêng đối với con người đang khủng hoảng trầm trọng. Vợ chồng tạm bợ, ai có tự do của riêng mình. Con cái nhờ người nuôi, khi trưởng thành hầu như cha mẹ không còn trách nhiệm nữa. Chúng cũng không chấp nhận cho cha mẹ già sống chung, đẩy người già vào thế giới cô đơn, sống nhờ trong nhà cứu trợ xã hội.

Thiếu sự cảm thông chia sẻ với nhau, khó sống chung giữa những người cùng máu mủ ruột thịt, đó chính là bi kịch gia đình phương Tây đang gánh chịu. Nhận thức rõ vấn đề ấy để mọi người hiểu rõ rằng không phải cái gì của phương Tây cũng tốt đẹp. Biết để tránh và tìm cách gìn giữ và phục hưng các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, kết hợp với việc tiếp thu các giá trị văn minh hiện đại để xây dựng các chuẩn mực mới của gia đình văn hóa.

Gia đình Việt Nam từ ngàn thuở luôn gắn liền nhà với họ. Sau mối quan hệ gia đình – gia tộc là mối quan hệ quê hương làng xã, mở rộng ra là quốc gia dân tộc. Nước lấy nhà làm cơ sở, tạo thành cấu trúc hữu cơ của xã hội. NHÀ - HỌ - LÀNG - NƯỚC.

Trải mấy ngàn năm lịch sử, cấu trúc ấy vẫn tồn tại. Trong gia đình, mọi người già trẻ đều phấn đấu vun đắp cho mái nhà chung thực sự là tổ ấm. Kính già, yêu trẻ, trên thuận, dưới hòa, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, vợ chồng thủy chung, anh em tình nghĩa, con cháu hiếu thảo, cùng chia bùi sẻ ngọt, cùng gánh vác khó khăn. Mọi việc trong nhà do cha mẹ bàn bạc quyết định, sau khi được ông bà cố vấn truyền thụ cho kinh nghiệm sống, làm việc và giao tiếp. Ý kiến con cái được tham khảo và chọn lọc để tiếp nhận. Yếu tố dân chủ, bình đẳng ngày càng được coi trọng.

Trong thời đại mới, chuẩn mực ấy cần được bổ sung những nét văn minh của xã hội đương đại: thực hiện chính sách dân số ít con; giáo dục con cái không chỉ về đạo đức, nếp sống, mà còn cả bồi bổ cho con cái các tri thức xã hội và khoa học cần thiết như bảo vệ môi sinh, bảo vệ sức khỏe sinh sản, ý thức tôn trọng pháp luật, nghĩa vụ công dân. Không chỉ vươn lên chống đói nghèo, biết làm kinh tế giỏi, mà còn phải biết giao lưu kinh tế, văn hóa, mở rộng nhìn ra bên ngoài để đủ năng lực hội nhập với toàn cầu.

Nghĩa là gia đình phải là cái nôi tái sản xuất ra những con người mới, sống có trí thức, phải là tổ ấm, trong đó mỗi thành viên đều biết kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng, nhằm làm thỏa mãn chung nhu cầu tâm lý, sinh lý, tình cảm, tinh thần và vật chất của các thành viên.

Gia đình phát triển cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phẩm chất văn hóa giao tiếp; văn hóa gia đình, văn hóa lao động, văn hóa xã hội… phải hòa chung trong một mạch trong sạch và lành mạnh.

Văn hóa gia đình không bất biến, nó mang yếu tố điều hòa, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện trên cơ sở của mỗi gia đình. Có cái chung nhất và có cái riêng “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Những điểm thống nhất là phải ổn định, bảo vệ các quan hệ nhân tính, kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống văn hóa và văn minh hiện đại, phù hợp với lối sống công nghiệp.

Văn hóa gia đình mới sẽ dần thể hiện thành gia phong mới, gia pháp - gia giáo mới, mà mục tiêu hướng tới không có gì khác là giữ gìn hạnh phúc gia đình vì một nước Việt Nam giàu mạnh, vì một xã hội văn minh, công bằng, dân chủ.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark