01/09/2010 | 16:18:00

Giải thưởng những việc làm “Vì tình yêu Hà Nội”

Bà già bán nước nuôi chim trời cho Hà Nội. (Nguồn: TT&VH)

Cùng với Giải thưởng lớn và các giải tác phẩm, ý tưởng, năm nay, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lại tiếp tục trao giải cho các hành động, việc làm “Vì tình yêu Hà Nội.”

Có thể nói đây là một giải rất đặc biệt, bởi được xét trao cho các hoạt động, việc làm hoặc những đề xuất góp phần bảo vệ, tôn vinh các giá trị của Hà Nội được dư luận hưởng ứng, hoan nghênh.

Lễ công bố và trao giải sẽ diễn ra vào hồi 15 giờ ngày 1/9 tới, tại số 79-phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Năm ngoái, hạng mục này, giải đã trao cho đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc đã chuyển khu đất bên trái Nhà hát Lớn, cạnh khách sạn năm sao Hilton Opera, thành vườn hoa 19/8.

Năm nay, không chỉ có các đề xuất bao gồm các quyết định hay việc làm của chính quyền như việc xóa rác tường Hà Nội (xóa quảng cáo rao vặt trái phép) hay “Chương trình cải tạo, làm sạch các hồ Hà Nội,” trong đó có dự án làm sạch nước hồ Gươm bằng công nghệ mới của Đức để giữ an toàn cho rùa hồ Gươm và môi trường sinh thái, mà còn có các đề cử rất đời thường như bà cụ bỏ tiền nuôi chim trời hàng chục năm, giữ cho một góc Hà Nội lúc nào cũng ríu rít tiếng chim.

Việc làm của bà cụ ở ngã tư đường phố Tô Hiến Thành-Bà Triệu gần đây thôi mà báo chí đã nêu lên, cũng làm xôn xao công chúng về một hành vi đẹp, thầm lặng và đầy bất ngờ.

Một đề cử mà chúng tôi rất tâm đắc nữa là đề cử nhóm các tác giả và chuyên gia bằng tâm huyết và trí tuệ của mình đã minh chứng được những giá trị to lớn cần được giữ gìn của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; từ đó, lập được kế hoạch bảo vệ, đồng thời xây dựng và hoàn thiện được bộ hồ sơ đề cử, để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Bảy đến tám năm trước khi Hoàng thành được phát lộ, với trình độ chuyên môn cao trong khai quật, xử lý hiện vật và công tác nghiên cứu sau khai quật; với trách nhiệm lớn trước di sản của cha ông và với sự gắn bó sâu sắc với lịch sử Thăng Long-Hà Nội, các nhà khoa học mà tiêu biểu là giáo sư Phan Huy Lê, phó giáo sư Tống Trung Tín... đã khẳng định được giá trị của khu di chỉ là thuộc trung tâm của Hoàng thành Thăng Long xưa, là di tích kéo dài 13 thế kỷ...

Chính nhờ việc sớm làm rõ những giá trị “ngoại hạng” đó, cùng với sự quan tâm sâu sát của các nhà quản lý di sản cũng như của các cơ quan hữu quan mà di chỉ đã được khai quật, gìn giữ trong điều kiện tốt nhất, sau đó được sớm công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và được xây dựng hồ sơ đề cử danh hiệu di sản thế giới.

Việc lập hồ sơ, đề cử Di sản thế giới của Hoàng thành Thăng Long cũng là một thắng lợi rất lớn của các nhà khoa học, quản lý và ngoại giao. Di sản Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận vì đã đáp ứng được tới ba trong sáu tiêu chí khác nhau mà UNESCO đưa ra.

Trước hết là tính lịch sử kéo dài trong suốt 13 thế kỷ của di sản. Là di sản thể hiện được sự tiếp nối giữa các nền văn hóa khác nhau và các nền văn hóa đó thể hiện sự giao thoa giữa các văn hóa tiêu biểu trong tiểu khu vực và khu vực; các tầng văn hóa, các chứng tích cho thấy sự phát triển liên tục của văn minh châu Á, của người Việt ở lưu vực sông Hồng từ thế kỷ thứ bảy đến ngày nay, thể hiện sự tồn tại liên tục một trung tâm quyền lực của nhiều triều đại; và các di vật tìm thấy ở di chỉ khảo cổ, các công trình kiến trúc còn lại là các tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao, thể hiện sự sáng tạo của con người.

Việc bảo vệ hồ sơ đề cử Hoàng thành Thăng Long cũng diễn ra với nhiều kịch tính và qua đó đã thể hiện được sự vào cuộc hết sức nhanh chóng, quyết liệt của các nhà khoa học cũng như các cơ quan hữu quan, để bộ hồ sơ nhanh chóng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO.

Trước kiến nghị của ICOMOS - cơ quan tư vấn về di sản cho Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO - là hồ sơ Hoàng thành Thăng Long cần được nghiên cứu tiếp và cần làm rõ thêm một số vấn đề nữa về biện pháp bảo vệ. Với lý do như thế, họ kiến nghị rằng, trong kỳ họp lần này, họ xếp hồ sơ của chúng ở hạng D (hoãn lại ), có nghĩa là phải làm lại hồ sơ để xem xét.

Việc Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản thế giới có sự đóng góp của nhóm các chuyên gia nghiên cứu, lập và hoàn thiện hồ sơ đề cử. Sau đó, các nhà khoa học của Việt Nam nghiên cứu lại và thấy rằng giữa thẩm định của chuyên gia UNESCO với lại hồ sơ của chúng ta có những điểm mà họ chưa rõ về di sản của Việt Nam đề cử.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc thể hiện quyết tâm bảo vệ di sản Hoàng thành và Việt Nam đã làm được điều đó. Các nhà khoa học đã tập hợp lại và chứng minh những điểm mà ICOMOS nêu ra bằng một hồ sơ giải trình hết sức dầy dặn và chi tiết.

Và đấy là tài liệu mang tính công cụ để đoàn Việt Nam tại phiên họp của UNESCO báo cáo, giải thích, giải trình để họ hiểu rõ hơn. Cuối cùng, hội đồng đã đồng thuận và thông qua quyết định công nhận di sản với một tỉ lệ đồng thuận cao...

Từ sự phân tích trên cho thấy các đề cử nêu trên đều đã đáp ứng tiêu chí (3) của Quy chế giải thưởng. Tuy nhiên, đề cử nào được chọn vào giải việc làm "Vì tình yêu Hà Nội" còn phải chờ vào quyết định cuối cùng của Hội đồng giám khảo gồm các tên tuổi như nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng; nhà báo Ngô Hà Thái, Phó Tổng giám đốc TTXVN; nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc; họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; kiến trúc sư Đoàn Đức Thành và nhạc sĩ Phú Quang./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark