15/10/2012 | 22:31:00

Hà Nội: Đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

Ngày 15/10, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ” thành phố Hà Nội đã sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động.

Qua 3 năm thực hiện, Ban chỉ đạo cuộc vận động của thành phố đã tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại các huyện ngoại thành, đưa hàng về nông thôn, các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại đã khảo sát địa điểm, tìm hiểu thị trường nhu cầu người dân, người lao động từng khu vực, để chuẩn bị hàng hóa cung ứng phù hợp. Ngoài việc bán hàng đơn thuần, các doanh nghiệp còn có hình thức dùng thử, khuyến mãi để người tiêu dùng khu vực nông thôn tiếp cận hàng hóa Việt Nam với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhân dân.

Với sự phối hợp của Tổng công ty thương mại Hà Nội, Công ty Siêu thị Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên thực phẩm Hà Nội, Công ty CP đầu tư và thương mại Long Biên, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn CO.OP... thành phố đã tổ chức được 77 chuyến bán hàng phiên chợ Việt, 358 chuyến bán hàng lưu động, 9 trung tâm bán hàng lưu động, 36 phiên chợ Tết. Qua đó người tiêu dùng được tiếp cận với hàng hóa Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

Thành phố cũng đã triển khai các phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn để kích thích tiêu thụ hàng hóa trong nước. Trong năm 2011 và 2012, thành phố đã tạm ứng 851 tỷ đồng cho 30 lượt doanh nghiệp (không tính lãi suất) phục vụ bình ổn giá để dự trữ 10 nhóm mặt hàng thiết yếu. Biện pháp dự trữ hàng hóa bình ổn giá đã cân đối cung, cầu, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Các doanh nghiệp đã đầu tư phát triển trên 60 siêu thị, trung tâm thương mại (trong đó có 52 siêu thị) chủ yếu tại các địa bàn ngoại thành là các vhuyện Chương Mỹ, Đan Phượng, Ba Vì, Thường Tín và thị xã Sơn Tây để phát triển nguồn cung sản phẩm trong nước đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh vận động người tiêu dùng dùng hàng Việt Nam, giai đoạn 2010-2012, các sở ngành chức năng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí trên 668 tỷ đồng để mua sắm tài sản, vật tư, trang thiết bị, dịch vụ phục vụ hoạt động thường xuyên, sửa chữa, duy tu, nâng cấp tài sản, trụ sở, đầu tư xây dựng ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam bằng uy tín và chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển từ cạnh tranh chủ yếu bằng giá rẻ sang cạnh tranh bằng chất lượng chuyển tư duy từ sản xuất theo năng lực sang sản xuất theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường, tập trung phát triển thị trường nội địa, các kênh phân phối hàng hóa, đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phối hợp chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu, bảo vệ thị trường, coi việc bảo vệ người tiêu dùng là giải pháp khuyến khích tiêu dùng và phát triển thị trường.

Qua cuộc bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” với sự tham gia của 97 doanh nghiệp, hai năm qua thành phố đã lựa chọn được 110 sản phẩm của 97 doanh nghiệp được trao chứng nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”./.

Tuyết Mai (TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark