01/11/2012 | 09:11:00

Hà Nội: Liên Hà khai thác thế mạnh làng nghề

Nhận thức được việc xây dựng nông thôn mới (XDNTM) không phải là trách nhiệm, nghĩa vụ và công việc của riêng ai, ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội, chính quyền và người dân đã có sự chủ động, sáng tạo, biến cái đặc thù, sẵn có thành thế mạnh địa phương. Điển hình trong câu chuyện này là công tác XDNTM của xã Liên Hà, huyện Đan Phượng.
 
 Đề án XDNTM của xã Liên Hà ngày 13/8 vừa qua mới chính thức được huyện Đan Phượng phê duyệt. Đây là một trong những xã XDNTM giai đoạn 2 của huyện, điều đó có nghĩa là công tác XDNTM ở xã Liên Hà mới được phê duyệt trên đề án. Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thạc Hùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện đã rất tự hào khoe: “Anh muốn em về thăm cụm công nghiệp làng nghề và tìm hiểu công tác XDNTM của xã Liên Hà. Tuy mới chỉ phê duyệt trên đề án nhưng theo đánh giá sơ bộ của Phòng Kinh tế huyện, xã Liên Hà đã đạt và cơ bản đạt trên 10 tiêu chí XDNTM. Khu quy hoạch làng nghề của xã Liên Hà rất quy mô và có thể nói là hiệu quả nhất trong toàn huyện”. Anh Hùng cho biết thêm, huyện Đan Phượng có chủ trương không thuê thiết kế đề án quy hoạch NTM mà tất cả những đề án đó các xã đều trực tiếp làm, có sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và tổ công tác trên huyện. Lời giới thiệu đó của anh Hùng đã thôi thúc chúng tôi về xã mà theo như lời nói vui của anh là XDNTM “trước đề án”.
 
 Chạy dọc tuyến đê Yên Phụ khoảng hơn 10km, chúng tôi có mặt ở bờ đê Hữu Hồng (đê Đại Hà), bờ đê bao quanh, ôm gọn trong lòng là dân cư 3 xã: Liên Trung, Liên Hà, Liên Hồng thuộc huyện Đan Phượng. Đây là những xã chuyên sản xuất đồ gỗ quy mô lớn của huyện. Đứng trên bờ đê Hữu Hồng, chúng tôi thấy những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, xen kẽ với nó là các cụm điểm trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS…với màu sơn vẫn còn mới toanh, vừa được hoàn thiện trong năm nay. Được biết, các điểm trường này đều đã đạt chuẩn quốc gia. Anh Nguyễn Hồng Kiên, Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết: “So với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, hiện nay Liên Hà đã đạt 8 tiêu chí, 3 tiêu chí cơ bản đạt là thủy lợi, điện và cơ sở vật chất văn hóa. Liên Hà thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; phát huy tiềm năng, lợi thế làng nghề”.
 
 Tới thăm cụm công nghiệp làng nghề xã Liên Hà, chứng kiến cảnh nhộn nhịp sản xuất, những chuyến ôtô chở hàng nối đua nhau vào ra…chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về quy mô của một cụm công nghiệp làng nghề. Đúng theo tiêu chí XDNTM, làng nghề giờ đã được tách ra khỏi khu dân cư nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Anh Nguyễn Tuấn Ngọc, cán bộ Ban quản lý cụm công nghiệp làng nghề xã Liên Hà cho chúng tôi biết: “Cụm công nghiệp làng nghề xã rộng gần 10ha, có 226 hộ sản xuất kinh doanh, thu hút khoảng 3000 - 4000 lao động địa phương và các tỉnh, thành lân cận. Trung bình một hộ sử dụng trên chục lao động, thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng”. Đi trong những dãy nhà của cụm công nghiệp làng nghề, tận mắt thấy hàng chục cơ sở, xưởng máy hiện đại, được điều khiển trên máy vi tính, các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm khang trang không kém gì các cửa hàng nội thất ngoài phố… chúng tôi càng bất ngờ hơn.
 
 Liên Hà theo kế hoạch năm 2020 hoàn thành XDNTM nhưng huyện Đan Phượng đánh giá xã sẽ hoàn thành chương trình trước năm 2015, tức là sớm hơn so với kế hoạch 5 năm. Sau một ngày làm việc và đi thăm các cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề, được chứng kiến cảnh hăng say lao động sản xuất, chúng tôi hiểu được điều gì đã khiến huyện đặt niềm tin vào Liên Hà. Tất cả là nhờ tính chủ động, sáng tạo của chính quyền và người dân nơi đây trong công tác XDNTM./.

(Báo Ảnh/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark