02/11/2012 | 09:36:00

Hà Nội: Ngày hội của nhà nông

Vụ mùa hè thu năm nay trên cánh đồng xã Hồng Phong (Chương Mỹ - Hà Nội) với người nông dân vui như có hội. Đó chính là Hội thi Máy gặt đập liên hợp miền Bắc 2012 do Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức.
 
 Chúng tôi theo chân lão nông Nguyễn Văn Mạnh đi trên con đường bê tông nội đồng đã kiên cố hóa để xem “lưỡi liềm thần kỳ” như cách nói của cụ về những chiếc máy gặt đập liên hợp đang trình diễn trên cánh đồng Hồng Phong. Cũng như bao người nông dân ở Hồng Phong, lão nông Mạnh từ trước đến nay gặt lúa đều sử dụng các nông cụ cổ truyền như liềm gặt, đập lúa bằng tay... Phương pháp này mất rất nhiều thời gian và sức lao động. Chẳng đâu xa, ngay như vụ hè thu năm ngoái, gia đình ông Mạnh phải mất gần nửa tháng mới gặt hái xong trên thửa ruộng gần 1 ha của gia đình với 5 nhân lực lao động ngày đêm.
 
 Lão nông Mạnh cho biết: “Cứ mỗi lần vào mùa vụ, hầu hết các nhà đều phải thuê nhân công gặt với giá rất cao từ 150-250 nghìn đồng/ngày. Hy vọng trong thời gian sắp tới, lãnh đạo cấp trên sẽ tạo điều kiện hỗ trợ người dân đầu tư máy gặt đập liên hợp, tiến hành cơ giới hóa nông nghiệp toàn xã Hồng Phong, để tăng thêm thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống”.
 
 Ban tổ chức Hội thi chọn cánh đồng xã Hồng Phong làm địa điểm đăng cai cuộc thi máy gặt đập liên hợp vì đây là cánh đồng lớn, đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa và giao thông nội đồng. Mặt khác, công cuộc cơ giới hóa trong nông nghiệp đang là mục tiêu hướng tới trong đề án xây dựng nông thôn mới mà xã đã đề ra. Hồng Phong là xã thuần nông, điểm mạnh trong kinh tế của xã là sản xuất lúa hàng hóa. Chính vì thế, Hội thi thu hút hàng nghìn hộ dân trong xã và các địa phương lân cận đến chứng kiến, học hỏi và ứng dụng.
 
 Sau khi hồ hởi vỗ tay động viên các chủ máy dự thi “trổ tài”, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hồng Phong kể rằng: “ Bà con xã viên ở Hồng Phong mỗi mùa gặt rất nặng nhọc và mất thời gian, tỷ lệ tổn thất trong và sau thu hoạch từ 6-8%, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao. Tôi nghĩ khi xem Hội thi máy gặt đập liên hợp miền Bắc 2012 này, bà con sẽ thay đổi nhận thức trong việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất lúa, để có thể nâng cao hiệu quả và giảm thiểu chi phí lao động trong thời gian sắp tới”.
 
 Trên diện tích 15ha cánh đồng lúa chín mà người dân Hồng Phong tự nguyện nhường lại cho Hội thi, hầu hết các máy gặt đập liên hợp tham gia đều có kết cấu hợp lí, nhỏ gọn, đã trình diễn, thi tài, thể hiện các tính năng, hiệu quả hoạt động thực tế. Đặc biệt, các mẫu máy được sản xuất tại Việt Nam cũng đã có nhiều cải tiến về chất lượng, hoạt động tốt trên các loại nền ruộng với nhiều trạng thái lúa…
 
 Chứng kiến cuộc so tài, sự tò mò về tính năng ưu việt của từng chiếc máy được thể hiện rõ trên từng khuôn mặt của người nông dân. Những lời bình luận rôm rả, không khí háo hức được xem như ngày hội của nhà nông đi từ bờ ruộng này đến bờ ruộng kia. Như cộng hưởng từ không khí đồng ruộng, các chủ máy gặt của các đội sau khi hoàn tất diện tích đã đảm nhận để tham dự Hội thi thì còn giúp bà con gặt cả những diện tích nằm ngoài quy hoạch 15ha. Những “chiếc liềm thần kỳ” làm việc hăng say đến nỗi khi Ban tổ chức Hội thi có kết quả thì các đội vẫn chưa đến nhận giải vì còn phải “ tiện thể gặt giúp” cho bà con đỡ vất vả./.

(Báo Ảnh/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark