29/11/2012 | 10:10:00

Hà Nội: Nghề tăm tre hương ở Hồng Dương

Là xã nằm trong tốp trung bình về tiến độ xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nhưng Hồng Dương có một niềm tự hào mà không phải vùng quê nào cũng đạt được, đó là việc quy hoạch, giữ gìn và phát triển có hiệu quả làng nghề, trong đó có nghề tăm tre hương.
 
 Xã Hồng Dương (Thanh Oai, Hà Nội) có 7/7 thôn được công nhận là làng nghề, hơn 90% số hộ trong xã làm nghề với trên 2.500 hộ. Tốc độ phát triển kinh tế của xã Hồng Dương trong những năm qua tăng trưởng bình quân 14%/năm và được đánh giá là một xã kinh tế phát triển khá toàn diện. Những kết quả mà xã Hồng Dương đạt được như hôm nay phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của nghề tăm tre hương truyền thống.
 
 Chạy xe dọc theo những tuyến đường bê tông chính trong xã, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi xe ôtô nào cũng đều có thể đậu tận xưởng sản xuất tăm tre hương để thu mua. Khi đến Hồng Dương, cái không khí lao động khẩn trương, hăng say của mọi tầng lớp người dân trong xã, từ người già đến thanh niên, trẻ nhỏ… khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các làng nghề đều đang rơi vào tình trạng khó khăn, bế tắc về đầu ra thì những chuyến xe xuất, nhập tăm tre hương tại đây vẫn cứ vào ra tấp nập hàng ngày thực sự là một điểm sáng. Hiện là mùa chính của nghề tăm tre hương bởi các cơ sở sản xuất hương đang chuẩn bị hàng bán vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều xưởng tăm tre hương phải tăng ca sản xuất để hoàn thành đúng tiến độ giao hàng.
 
 Phần lớn các hộ gia đình dùng máy móc sản xuất tăm tre hương. Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Tần có xưởng sản xuất quy mô thuộc vào loại lớn nhất trong làng. Anh Tần cho biết: "Mỗi ngày, xưởng tăm tre hương của gia đình tôi sản xuất được khoảng 20 tấn tăm tre hương, đem lại công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động, thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/tháng". Với mức thu nhập ở nông thôn như hiện nay, đó là số tiền không hề thấp với người dân. Có thể nói, đây chính là nội lực “sẵn có” của xã Hồng Dương trên con đường XDNTM bởi khi người dân trong xã có thu nhập ổn định, đảm bảo được cuộc sống gia đình thì việc họ chung tay, góp sức làm thay đổi bộ mặt quê hương mình chỉ là chuyện của một sớm một chiều.
 
 Ở xã Hồng Dương hôm nay, vào những lúc rảnh rỗi, trẻ em lớp 3, lớp 4 cũng đã có thể giúp ông bà, cha mẹ làm những công đoạn đơn giản như chuyển tre, chẻ tăm..., vừa giúp đỡ gia đình vừa có thêm chút kinh phí để mua sắm đồ dùng học tập. Rời Hồng Dương sau khi đi thăm xưởng sản xuất của gia đình anh Tần, chúng tôi cảm nhận được một NTM đang vận động từng ngày, trong từng nếp nghĩ, cách làm của người dân và chính quyền nơi đây./.

(Báo Ảnh/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark