08/11/2012 | 14:24:00

Hà Nội: Quan trọng nhất là xây dựng con người văn hóa

Thanh lịch, văn minh là giá trị văn hóa của người Hà Nội. Tuy nhiên, các nét đẹp của “người kinh kỳ” đang bị mai một, thậm chí bị xâm hại. Vì vậy, trong xây dựng văn hóa Hà Nội, quan trọng hơn cả là xây dựng con người văn hóa.

Hà Nội đang triển khai một chương trình lớn, Chương trình 04: “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Phóng viên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi, đồng thời là Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04 về các giá trị cốt lõi, tinh hoa của văn hóa Hà Nội mà chúng ta phải giữ gìn, phát triển

-Thưa ông, giá trị cốt lõi, tinh hoa của văn hóa Hà Nội hiện nay mà chúng ta phải giữ gìn, phát triển là gì?

Ông Hồ Quang Lợi: Nếu nói về Thăng Long – Hà Nội thì các giá trị: Văn hiến – Anh hùng – Hòa Bình – Hữu nghị là 4 giá trị lớn, cốt lõi. Trong đó, văn hiến là giá trị nổi trội, tinh hoa nhất. Những nét đẹp của văn hiến Hà Nội còn được gìn giữ, lưu truyền và lan tỏa là trong ứng xử, hành vi, phong cách sống của mỗi người trong cuộc sống đời thường. Hay những giá trị văn học, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật được chưng cất qua thiên niên kỷ là văn hóa Thăng Long - Hà Nội, lõi vàng của văn hiến Việt Nam. Những giao thoa, tiếp biến không theo lộ trình nhân văn sẽ gây ra xung đột, hủy hoại văn hóa.

Văn hóa Thăng Long – Hà Nội vẫn sinh tụ, tiếp biến, chưng cất mỗi ngày. Ngày hôm nay, chúng ta xây dựng Hà Nội đẹp, văn minh nhưng phải hiện đại.

-Trong việc xây dựng văn hóa Hà Nội, theo ông, quan trọng nhất là điều gì?

Ông Hồ Quang Lợi: Quan trọng hơn cả là xây dựng con người. Thế hệ người Hà Nội tương lai phải là thế hệ của những công dân văn minh, biết sống thực tế và lãng mạn. Hạ tầng tốt tính tiện ích cao mà con người không tốt, tâm hồn khô cằn, tàn bạo thì sự đủ đầy vật chất cũng vô nghĩa.

Xây dựng văn hóa Hà Nội là chúng ta phải chăm lo đời sống tinh thần của người dân, của những công dân biết sống đẹp, không vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, nhẫn tâm với loài vật, cây cối, thiên nhiên.

Biểu tượng của Hà Nội là Khuê Văn Các. Sao Khuê là sao văn chương. Địa linh nhân kiệt, hàm nghĩa rộng coi “dân tứ chiếng” về đây cũng là hội tụ nhân tài. Đã về đây, ánh sáng kinh thành nâng người ta lên, cũng bắt người ta phải tự bọc “lớp men” đạt chuẩn sĩ phu Bắc Hà, xứng là công dân đang sống đất Thủ đô.

Chân dung người Thủ đô hiện nay sẽ phải như thế nào, thưa ông?

Ông Hồ Quang Lợi: Thanh lịch, văn minh là nét đặc trưng trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Muốn trở thành người Hà Nội một cách đích thực, không phải cứ có hộ khẩu là xong, mà cùng với đó là quá trình học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện, nâng mình lên, để làm sao trong văn hóa ứng xử có cái cốt cách, thanh lịch của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Thanh lịch, văn minh là giá trị văn hóa của người Hà Nội. Tuy nhiên, các nét đẹp của “người kinh kỳ” đang bị mai một, thậm chí bị xâm hại. Các giá trị đang bị xô đẩy, bị méo mó đi do sự pha tạp về thành phần dân cư, du nhập của nhiều luồng văn hóa ngoại lai mà chúng ta chưa có được cơ chế để kiểm soát, để thanh lọc, đặc biệt là giới trẻ.

-Lãnh đạo Hà Nội sẽ làm gì để giữ gìn, tiếp tục bồi tụ nên giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội?

Ông Hồ Quang Lợi: Đã có nhiều hội thảo, tọa đàm để xác định tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh thể hiện ở những điều gì, nhưng xem ra vẫn chưa thỏa đáng, nên nhiều nơi còn lúng túng trong cách làm.

Thành phố cũng đang chỉ đạo cho toàn bộ hệ thống báo chí truyền thông của Hà Nội mở một đợt tuyên truyền sâu rộng, không có điểm dừng về văn hóa ứng xử. Khơi gợi nét đẹp ứng xử của cha ông: phê bình, nhắc nhở những thói hư, tật xấu, những biểu hiện không văn hóa, không văn minh của một bộ phận những người sống ở Hà Nội hiện nay.

Lãnh đạo thành phố nhắc nhở các đơn vị tuyên truyền về một đối tượng tuyên truyền đặc biệt quan trọng là thanh thiếu niên. Bởi đây là đối tượng rất dễ tiếp nhận cái mới, cả ở mặt tích cực và không tích cực. Tại các trường học của Hà Nội, từ bậc tiểu học đã bắt đầu chương trình dạy nếp sống văn minh, thanh lịch từ tháng 10/2012.

-Thưa ông, chân dung Thăng Long – Hà Nội sau mốc thiên niên kỷ 1.000 năm đã có những chiều hướng tích cực thế nào?

Ông Hồ Quang Lợi: Sự vận động của một thực thể đô thị giàu sinh khí là dòng chảy tiếp nối, như chắt lọc phù sa. Không thể chỉ giữ nguyên, một xã hội hiện đại đòi hỏi phải có các công trình mới, tạo giá trị mới. Các công viên cũ sẽ được phát huy hết công năng, không “hiu quạnh”, là hiện diện văn hóa và sức sống. Khu đô thị mới phải xây đầy đủ công viên, sân chơi cho trẻ em.

Bộ mặt kiến trúc của Hà Nội đổi mới không chỉ là một thành phố cổ xưa, mà là thành phố cổ háo hức hướng tới tương lai. Thăng Long - rồng bay, đó là thế chuyển động, cất cánh, đâu phải thế tĩnh “rồng cuộn hổ ngồi”. Lý Công Uẩn đã có tầm nhìn lịch sử vĩ đại: dời đô, đặt tên kinh đô Đại Việt. Đội ngũ lãnh đạo Thủ đô đương nhiệm hiểu rằng, trân quý lịch sử, là làm giàu thêm, phong phú nó.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Chinhphu.vn)

Bản để in Lưu vào bookmark