25/10/2010 | 14:52:00

Hà Nội: Văn hóa đổi thay, dung nhan cũng khác

Phố Tràng Tiền năm 2010. (Nguồn: TT&VH)

Nói đến bản sắc văn hóa Hà Nội không thể không nói đến cách ăn ở của người thủ đô. Cách ăn ở đó thừa kế từ truyền thống lâu dài, nhưng ở mỗi giai đoạn lịch sử, con người lại tạo nên những nét mới, phù hợp với phong cách sống của thời đại.

Hà Nội bắt đầu có những đổi thay căn bản từ đầu thời thuộc địa: đó là sự cải tạo những phố phường cũ và xây dựng những đường phố mới. Từ đó hình thành diện mạo mới của thành phố, mà ảnh hưởng của nó vẫn còn cho đến hôm nay.

Những đổi mới trên các phố phường xưa

Hình ảnh của Hà Nội đầu thời thuộc địa có thể dựa trên những đoạn văn mô tả của người nước ngoài khi mới đặt chân đến đây. Ở đây không nói đến khu vực dinh thự của quan nha trong thành, mà chỉ nói đến khu vực dân cư, tức là khu vực sinh hoạt chính của người dân thành phố.

Một nhà báo Pháp nhận xét rằng: “Không những người ta làm mặt tiền kín mít mà còn che đậy nó bằng một chái, chìa cái mái tranh ra đường; thành thử phố xá chỉ còn như những con đường hào chật chội chen chúc những người và đôi khi khó có thể cưỡi ngựa đi qua. Người Pháp đã cho dỡ bỏ những chái chìa ra khó coi ấy, tức là giải tỏa những công trình phụ mà không đụng gì đến nhà cửa, và mới chỉ thế thôi phố xá đã khang trang đẹp mắt mà bản thân người dân Bắc Kỳ cũng chẳng hề ngờ." (Paul Bourde, De Paris au Tonkin, 1884).

Cho nên việc đầu tiên người Pháp làm khi quản lý thành phố là cấm dựng nhà tranh vách đất ở một số đường phố chính để phòng hỏa hoạn, là tai nạn thường xảy ra ở Hà Nội trong nhiều năm, rồi từ năm 1886 thì cho dỡ bỏ tất cả cổng ngăn cách các phường cùng nhiều cửa ô. Diện mạo phố phường Hà Nội từ đây bắt đầu đổi mới để tạo nên một nét đặc trưng của “khu phố cổ."

Cần nói thêm rằng đường phố hồi đó chưa có vỉa hè, không có rãnh thoát nước, nên khi mưa xuống thì lầy lội ngập nước. Theo các nhân chứng thời đó thì chỉ có những phố của người Hoa như phố Mã Mây (mà Pháp gọi là phố Cờ Đen), Hàng Ngang (rue Cantonnais) thì đường đắp cong mu rùa và có lát gạch, còn có rãnh thoát nước chạy dọc theo đường, những phố khác chỉ là những con đường đất chật hẹp.

Với cung cách ăn ở như vậy, thì chưa thể nói có được một nếp sống của người thị thành. Thực ra, sống ở Hà Nội hay ở nông thôn thì cũng như nhau, không có sự phân biệt gì cả, thậm chí vấn đề an ninh ở thành phố còn mong manh hơn ở nhà quê. Vậy cũng không thể nói là đã có một nếp sống gọi là riêng biệt của người Hà Nội xưa.

Sự phân biệt giữa nhà lá với nhà gạch trở thành sự đối lập giữa người giàu với người nghèo, mà phần lớn nhà lá chỉ còn tồn tại trong những phố cũ của người Việt. Năm 1889, những ngôi nhà gọi là “tạm bợ” chiếm 79% số nhà của Hà Nội, nhưng đến năm 1902 chỉ còn 1/3. Riêng ở phố Thợ Nhuộm, đến năm 1902 vẫn chưa có một ngôi nhà gạch nào mà chỉ toàn nhà tranh vách đất. Vì vậy, tòa thị chính đã ra nhiều nghị định loại bỏ nhà tranh ra khỏi những khu phố đẹp, và càng ngày càng đẩy ra xa trung tâm thành phố.

Sự thật thì từ năm 1898 đã có nghị định cấm làm nhà tranh vách đất, nhưng vấp phải phản ứng của cơ quan tư pháp khi nhắc nhở rằng: thành phố có quyền cấm xây dựng những nhà mà họ cho là không an toàn và có thể ra lệnh dỡ bỏ những ngôi nhà có thể gây nguy hiểm, nhưng ra lệnh chung dỡ bỏ những ngôi nhà tranh là việc làm bất hợp pháp, chỉ có thể thực hiện bằng cách trưng mua, nghĩa là có bồi thường thỏa đáng.

Vì vậy phải đến năm 1906 chính quyền thành phố mới ra được quyết định từ nay, trong toàn thành phố, nếu người nào không thể xây được nhà gạch thì phải ký “hợp đồng từ bỏ đất đai để bị trục xuất và dỡ bỏ nhà tranh” để thành phố thu hồi đất đó bằng giá bồi thường rẻ mạt.

Tuy nhiên, người ta vẫn để nguyên trạng những nhà nằm phía nam trục đường chạy từ nhà thương Đồn Thủy đến ga Hà Nội (dọc theo đường Trần Hưng Đạo ngày nay) và lên đến vườn Bách Thảo, cùng với vùng ngoại ô thành phố. Đấy là khu vực của phần lớn dân nghèo.

Mở mang những đường phố mới

Khi người Pháp đặt chân đến Hà Nội năm 1883, ngoài khu Nhượng địa phía bờ sông, họ còn đến ở xen vào khu dân cư của người Việt, tức khu vực 36 phố phường. Nơi người Pháp tụ tập đông nhất là phố Hàng Chiếu, đi qua cửa ô Quan Chưởng, mà Pháp gọi là Cổng Jean Dupuis, vì tiện đường từ bờ sông lên. Dần dần họ ở lan sang phố Hàng Gà, thậm chí còn đặt lỵ sở của công sứ Pháp ở phố Hàng Gai (nay là ngôi nhà số 80, trước đây từng là nhà in Lê Văn Phúc, nay là Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ).

Nhưng rồi người Pháp phải nghĩ đến việc xây dựng những đường phố mới để mở rộng thành phố. Khu vực đầu tiên được quy hoạch là những làng mạc nhiều ao hồ phía nam trục đường chính, nằm bên ngoài khu phố cổ của người Việt, tiếp giáp với khu Nhượng địa.

Từ năm 1888, khu vực này được san lấp để mở những con đường lớn chạy thành ô bàn cờ theo đúng quy hoạch của thành phố phương Tây. Đó là các đại lộ chạy song song mang tên Pháp như Rollandes (Hai Bà Trưng), Carreau (Lý Thường Kiệt), Gambetta (Trần Hưng Đạo), giao thẳng góc với các đường Đồng Khánh (Hàng Bài), Gia Long (Bà Triệu, trước gọi là phố Hàng Giò) và Jauréguiberry (Quang Trung). Dọc các đại lộ này được trồng cây lấy bóng mát, có vỉa hè rộng rãi, khác hẳn những đường phố chật hẹp của khu phố cổ. Đó là khu vực mà người Việt gọi là phố Tây, đối lập với khu buôn bán cũ gọi là phố ta.

Sự ra đời của các khu phố Tây đã tạo nên một nét sinh hoạt mới của Hà Nội, mà chủ yếu là của người Pháp và tầng lớp thượng lưu người Việt. Nhà văn Tô Hoài đã viết: “Phố Tây vắng, loáng thoáng người qua lại, phần nhiều chỉ những người đi làm bồi bếp, tài xế, các cô khâu đầm, chị hai giữ trẻ nhà Tây. Người như tôi lúc ấy, những thanh niên chân xỏ đôi guốc mộc, áo dài thâm, bước thất thểu, qua cửa nhà sang trọng hay nhớn nhác nhòm ngó. Thế nào cũng có đội xếp dõi mắt xem có phải kẻ gian “chú chích” không. Chẳng ai vạ gì mà lai vãng các phố Tây!” (Chuyện cũ Hà Nội)).

Đấy là khu phố của những biệt thự, không có cửa hàng buôn bán, người không có việc thì không mấy khi đi vào đấy. Hình ảnh đó ngày nay chỉ còn thấy ở các phố khu ngoại giao đoàn gần Ba Đình.

Sự hình thành một lối sống mới

Những đổi thay về cấu trúc của thành phố thời thuộc địa góp phần kéo theo sự thay đổi của lối sống thị dân.

Trước hết là rời bỏ sinh hoạt chu kỳ theo tâm thức của người dân làng xã. Hà Nội đã trở nên một thành phố theo đúng nghĩa của nó, thời gian chu kỳ của sinh hoạt làng quê không còn nữa, mà chuyển thành sinh hoạt tuyến tính thời hiện đại. Chợ không còn họp theo phiên, mà diễn ra trong mọi ngày trong tuần, có khác chăng là ngày chủ nhật có đông hơn đôi chút. Tuy nhiên, các hội đình, hội làng của Hà Nội xưa mặc dầu bắt đầu phai nhạt, nhưng vẫn tồn tại dai dẳng bên cạnh các ngày hội mới như ngày “Hội Cát tó” (quốc khánh Pháp 14/7), hội chợ (foire), chợ phiên (kermesse)…

Chỉ với một bộ máy đơn giản, chỉ trong thời gian không dài lắm, hơn 50 năm, thành phố Hà Nội đã chuyển được từ một đô thị phương Đông, lộn xộn, thiếu quy củ, để trở thành một đô thị theo chuẩn mực của phương Tây. Vậy động lực nào đã làm nên cái đó. Tôi không dám đi sâu vào phân tích mọi khía cạnh xã hội, mà chỉ muốn nhấn mạnh đến mặt văn hóa, đó là sự thích nghi nhanh chóng của người Hà Nội với lối sống mới, tạo cho mình một phong cách sống phù hợp với hoàn cảnh mới. Đó là cái làm nên văn hóa ứng xử của người Hà Nội xưa.

Điểm lại một số nét trong những thay đổi về lối sống của người Hà Nội dưới thời thuộc địa, chúng ta hãy xem cái gì là khả thủ, cái gì là lỗi thời, để từ đó mà tìm ra một lối đi cho văn hóa đô thị hiện nay, điều mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa vẫn đang băn khoăn./.

Bài 1: Hà Nội quyến rũ lòng người vì Hà Nội có linh hồn

Đào Hùng (TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark