01/03/2010 | 15:56:00

Huyện Thạch Thất

Chùa Tây Phương - điểm tham quan du lịch hấp dẫn nhất của huyện Thạch Thất. (Ảnh: Internet)

Huyện Thạch Thất thuộc vùng bán sơn địa nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, có diện tích 202km2, với dân số khoảng 174.800 người vào năm 2009.

Vị trí địa lý

Huyện Thạch Thất, phía Bắc và Đông Bắc giáp huyện Phúc Thọ; Phía Đông Nam và Nam giáp huyện Quốc Oai; Phía Tây Nam và Nam giáp tỉnh Hòa Bình; Phía Tây giáp thị xã Sơn Tây.

Lịch sử hình thành

Tỉnh Sơn Tây được thành lập năm Minh Mạng thứ 12 (năm 1831). Khi đó, huyện Thạch Thất thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

Ngày 21/4/1965, tỉnh Hà Tây được thành lập theo Nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông. Theo đó, huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Tây.

Ngày 27/12/1975, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V thông qua Nghị quyết hợp nhất 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Theo đó, huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.

Ngày 29/12/1978, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc sáp nhập một số huyện, thị xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình vào thành phố Hà Nội. Theo đó, huyện Thạch Thất được sáp nhập vào thành phố Hà Nội.

Huyện Thạch Thất khi đó có 19 đơn vị hành chính trực thuộc gồm Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Cẩm Yên, Lại Thượng, Đại Đồng, Phú Kim, Đồng Trúc, Kim Quan, Cần Kiệm, Hương Ngải, Thạch Xá, Bình Phú, Canh Nậu, Hữu Bằng, Phùng Xá, Dị Nậu, Chàng Sơn, Liên Quan.

Ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, chuyển huyện Thạch Thất của Hà Nội về tỉnh Hà Tây.

Ngày 23/6/1994, Chính phủ ra Nghị định số 52-CP về việc điều chỉnh địa giới huyện và thành lập thị trấn, phường thuộc các huyện tỉnh Hà Tây. Theo đó, thành lập thị trấn Liên Quan thuộc huyện Thạch Thất trên cơ sở diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Liên Quan.

Sau khi điều chỉnh địa giới, huyện Thạch Thất có 19 đơn vị hành chính gồm thị trấn Liên Quan và 18 xã Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Cẩm Yên, Lại Thượng, Đại Đồng, Phú Kim, Đồng Trúc, Kim Quan, Cần Kiệm, Hương Ngải, Thạch Xá, Bình Phú, Canh Nậu, Hữu Bằng, Phùng Xá, Dị Nậu, Chàng Sơn.

Ngày 28/8/1994, Chính phủ ra Nghị định số 107-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập xã Thạch Hòa trên cơ sở một phần diện tích và nhân khẩu của các xã Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng và Đồng Trúc.

Sau khi điều chỉnh, huyện Thạch Thất có 20 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Liên Quan và 19 xã gồm Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Cẩm Yên, Lại Thượng, Đại Đồng, Phú Kim, Đồng Trúc, Kim Quan, Cần Kiệm, Hương Ngải, Thạch Xá, Bình Phú, Canh Nậu, Hữu Bằng, Phùng Xá, Dị Nậu, Chàng Sơn, Thạch Hoà.

Từ ngày 1/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII ngày 29/5/2008. Theo đó, Thạch Thất là một huyện thuộc thành phố Hà Nội.

Ngày 1/8/2008, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ký quyết định số 19/QĐ-UBND về việc tạm giao toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số ba xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (trước đây thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) về huyện Thạch Thất quản lý.

Ngày 8/5/2009, Chính phủ ra Nghị quyết số 19/NQ-CP về việc xác lập địa giới hành chính các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Thạch Thất.

Sau khi xác lập địa giới hành chính huyện Thạch Thất có 23 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Liên Quan và 22 xã là Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Cẩm Yên, Lại Thượng, Đại Đồng, Phú Kim, Đồng Trúc, Kim Quan, Cần Kiệm, Hương Ngải, Thạch Xá, Bình Phú, Canh Nậu, Hữu Bằng, Phùng Xá, Dị Nậu, Chàng Sơn, Thạch Hòa, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung.

Đơn vị hành chính

Huyện Thạch Thất hiện có 23 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Liên Quan và 22 xã là Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Cẩm Yên, Lại Thượng, Đại Đồng, Phú Kim, Đồng Trúc, Kim Quan, Cần Kiệm, Hương Ngải, Thạch Xá, Bình Phú, Canh Nậu, Hữu Bằng, Phùng Xá, Dị Nậu, Chàng Sơn, Thạch Hòa, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung.

Tình hình kinh tế-xã hội

Với việc hình thành các khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu công nghiệp Bắc Phú Cát, khu Đại học quốc gia Hà Nội, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cùng các cụm điểm công nghiệp Bình Phú, Phùng Xá… nằm trên địa bàn, huyện Thạch Thất là một trong những khu vực phát triển kinh tế mạnh của thành phố Hà Nội.

Tổng giá trị sản xuất năm 2009 của huyện ước đạt 2.057 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch, tăng 10,8% so với năm 2008. Tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản chiếm 65,7%; ngành thương mại, du lịch và dịch vụ chiếm 17,5%; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16,8%.

- Về làng nghề: với hệ thống làng nghề phong phú, đa dạng (35/54 làng nghề), trong đó có 8 làng được công nhận là làng nghề có bề dày truyền thống hàng trăm năm và nổi tiếng cả nước, Thạch Thất được đánh giá là huyện rất có tiềm năng để phát triển các ngành nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp.

- Về nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành chăn nuôi đang dần chiếm ưu thế với 53%, trồng trọt chiếm 47%. Tổng diện tích nuôi trồng thủy hải sản đạt 600ha, với tổng sản lượng cá khoảng 1.260 tấn.

Huyện Thạch Thất có rất nhiều trục đường giao thông quan trọng chạy qua như quốc lộ 32, đường cao tốc Láng-Hòa Lạc; quốc lộ 21A - điểm khởi đầu tuyến đường Hồ Chí Minh nối Thạch Thất với các tỉnh phía Tây Bắc; tỉnh lộ 80, 84 nối trung tâm huyện với các huyện lân cận… tạo cho Thạch Thất có vị thế hết sức thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế, thương mại.

- Về giáo dục: huyện giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập tiểu học và phổ cập trung học cơ sở ở 23/23 xã, thị trấn.

- Về y tế: huyện có 23 trạm y tế với tổng số biên chế là 154 y, bác sỹ; trong đó đã có 23 bác sỹ công tác tại các trạm y tế xã, thị trấn đạt 100%. Thạch Thất đã có 16 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Các di tích và danh lam thắng cảnh

Trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử như đình Trúc Động ở xã Đồng Trúc, chùa Tây Phương ở xã Thạch Xá./.

Mỹ Hạnh (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark