03/12/2012 | 09:50:00

Lệ làng Tương Mai ở quận Hoàng Mai

Trí sự Lê Liên, Giam sinh Nguyễn Công Khuê, Sinh đồ Lê Tích, Hương lão từ Nguyễn Đình Trí đến Lê Hưng Cảnh, Trưởng thôn từ Nguyễn Đình Xuân đến Hoàng Kim, trung nam từ Nguyễn Đắc Thanh cùng đồng thôn trên dưới lớn bé của xã Tương Mai huyện Thanh Trì phủ Thường Tín cùng nhau lập khoán ước.
 
 Thường nghe: Hương đảng là người trong làng quần cư sinh tụ thành bè đảng với nhau. Nên người cùng làng nếu như bè cánh riêng tư, ngược đãi, tàn hại lẫn nhau ngày một thậm tệ, thì rơi vào cảnh bạc ác bất nhân. Từ khi làng Tương Mai lập đất thì phong tục trở nên thuần nhất, trên hòa dưới mục, tương thân tương ái, học theo lễ nghi, để trở thành làng có phong tục thuần hậu. Vì sao vậy? Nước Lỗ có nhiều chân nho, đâu phải sinh ra đã là Nho, nướ Tề nhiều kẻ trí trá, đâu phải sinh ra đều là trí trá? Là do tập tục khiến thành như thế! Vậy thì người muốn làm cho tập tục đó trở nên lương thiện thuần hậu không thể không suy nghĩ để làm biến cái giả thành chân, biến tục lệ ma quỷ thành phong tục của lễ nghĩa, để đem sự thuần hậu trở về!
 
 Nay làng Tương Mai tuy bé nhỏ chật hẹp nhưng 1 ấp có 10 nhà trong đó ắt phải có người có lòng trung tín, há nào chẳng tìm thấy người hiền? Xét từ cổ xưa tới nay, xã ta văn thì có người đỗ đại khoa, võ thì có người cầm quân đánh giặc, chẳng phải là khong có người hiền tài, còn thay đổi phong tục thì lúc nào cũng có người lo lắng. Nhưng do thời gian đã quá lâu rồi không thể không có những tục lệ hủ bại. Chỉ mong sửa tệ, phù suy, châm chước lợi hại, những gì cần giữ thì phải giữ lấy mà những gì phải thay đổi thì nên thay đổi, làm sao không mất lễ chân chính mà thôi. Nay đem những điều suy luận đó hỏi người trong thôn thì từ các cụ già đến các em nhỏ, từ trên xuống dưới, đều một lòng nhất trí như nói ra từ miệng một người. Thế thì, là bậc đại thụ của làng, không nêu rõ tiêu chuẩn, để mọi người căn cứ mà theo, thì có được không? Nếu chỉ biên chép những lời suông chẳng bằng trông thấy ở việc làm. Vậy kê ra như sau:
 
 1. Lệ: Trong làng người làm cha phải hiền từ, làm con phải hiếu thảo, làm anh phải độ lượng, làm em phải lễ phép, làm chồng phải có nghĩa, làm vợ phải tin tưởng chồng; những điều đó đã trở thành phép nước. Nếu ai làm trái sẽ bị trừng phạt đích đáng.
 
 Tứ dân (sĩ, nông, công, thương) ai nấy cần cù gây dựng cơ nghiệp không được ăn chơi xa đọa.
 
 Trẻ con theo đuổi nghiệp học hành, ngày tháng chuyên cần đèn sách nên được miễn trừ lực dịch để dấy lên không khí học hành. Nếu có ai đó không chuyên vào việc học nhưng vẫn ra ứng thí, ngày có sắc chỉ đến làng cũng trừ cho việc lực dịch để rộng đường cho kẻ sĩ, ứng thí ở trường thi nào cũng được.
 
 2. Lấy lòng tôn kính để thờ thần, tế chủ từ nay về sau biện cỗ chay phải luân phiên nhau trông nom, từ trưởng thôn những người tuổi Ất Sửu, mỗi người 1 lần cho đến hết, đều thuận tình theo số tuổi, tính xuống đến 18 tuổi, rồi quay lại từ trưởng thôn, cứ thuận theo như vậy mà làm. Nếu đến lượt mình thì đám trung nam sẽ được miễn lao dịch 1 tháng, lễ dâng tùy theo hoàn cảnh gia đình giàu hay nghèo, giàu không quá 10 quan tiền cổ, người nghèo không dưới 3 quan tiền cổ, phải tinh khiết, không nhất thiết phải tìm mua những lễ vật xa xỉ tốn kém, lại biện 1 nồi cơm, 1 vò rượu, 2 phong trầu cau, không được yêu sách sinh sự. Đến ngày đó, các vị quan viên sắc mục, Xã trưởng, Thôn trưởng tế chỉnh áo mũ kính tế theo như nghi thức, quan chủ tế hôm đó phải cho phép những người phụng sự nhập tế, tế xong chiều theo thứ tự từ trên xuống dưới mà chia đều lộc thánh. Bốn giáp mỗi giáp biện 1 mâm cỗ, cho những người ứng tế 2 cỗ, còn 2 cỗ biếu 4 thôn cùng Giáp trưởng, 4 con lợn của 4 giáp kính biếu quan viên 1 thủ, sắc mục 1 thủ, hậu tuần 1 thủ, đương dịch, Xã trưởng 1 thủ, hậu phật 1 con lợn, Thủ từ 1 miếng thịt, nếu không có Xã trưởng thì cho 4 thôn 1 thủ.
 
 Các tiết trong cả năm: như ngày mông 7 tháng Giêng, mông 2 tháng 7, mồng 2 tháng 12, 20 tháng 5, 20 tháng 7…bản giáp chiếu thu mỗi giáp 3 quan viên, mỗi người 36 văn, mọi người thay phiên nhau mu gạo thổi xôi, không được làm cơm như trước nữa, chỉ cho phép dùng cơm trong ngày, không được để thừa lại. Các vị trưởng thôn thay phiên nhau vào từng nhà, nhà ấy chỉ có củi khô, muối, trầu cau, nước trà, rau cỏ mà thôi, còn như các loại cá, thịt ngon không được giở ra, cho đến các tiểu tiết đều theo lệ của thôn đã định.
 
 Hàng năm lệ lấy ngày mồng 10 tháng 2 làm ngày Xuân tế, lấy ngày 14 tháng 8 làm ngày Thu tế.
 
 Xuân Thu nhị kỳ, hoặc cầu phúc hoặc xướng ca, thì thứ vị cũng phải lấy lễ làm đầu. Chính giữa là quan viên, sắc mục, xã Thôn trưởng cùng ngồi tế, tiếp đến là người bản giáp tùy theo tuổi tác, không được làm ồn ào huyên náo thất lễ. Đến việc lo mâm xôi phụng sự mỗi ngày cũng do các vị quan viên sắc mục, Thôn trưởng luân phiên chỉnh biện; Thông trưởng lại được nhận 1 miếng thủ lợn, 1 vò rượu, 1 mâm xôi, tiền bổng thì các vị quan viên sắc mục, xã Thôn trưởng đảm nhiệm; đến như các trò vui cũng do các vị quan sắc mục, xã Thôn trưởng cùng đảm nhiệm.
 
 Hàng năm đến ngày lễ cầu an, Giáp trưởng của mỗi giáp thu của mỗi người 34 văn cổ tiền, 1 bát gạo, đem ra đinh, mỗi giáp cắt cử 1 mâm bát đĩa do Xã trưởng lo liệu. Nếu không có Xã trưởng thì Thủ từ có thể làm thay, công việc hoàn tất thì chiếu tên chia đều trong đình.
 
 Hàng năm có lệ làm [Xôi ván], Giáp trưởng của mỗi giáp nhận của mỗi người 1 bát gạo, 10 văn tiền, mỗi thôn giao cho 8 nhà lo việc kính tế, tế xong đem về các nhà ở 4 thôn và chia đều.
 
 Lễ Xử thử (vào ngày 23 tháng 8), Giáp trưởng mỗi giáp nhạn của mỗi người 15 văn cổ tiền, lợn, gạo, rượu, muối, lê xong chia đều ở đình, nếu số tiền bị thiếu thì Xã trưởng, Thôn trưởng phải đứng ra lo liệu.
 
 Lễ đuổi châu chấu: Giáp trưởng mỗi giáp nhận của mỗi người 10 văn cổ tiền rồi giao cho Xã trưởng, Thôn trưởng chi dùng.
 
 Đương dịch, Xã trưởng chiếu theo thứ tự thu các loại tiền tô, tiền trai, nếu như không có Xã trưởng thì 4 thôn làm thay, số tiền tô trai đó hạn cho vòng 1 tháng phải nộp hết, số tiền còn lại hạn trong vòng 3 tháng phải nộp hết, đến hết hạn nộp trong vòng 5 ngày nếu người nào nộp chậm, nộp muộn, không nộp thì bị xã thôn, trưởng thôn tróc nã. Đến việc chiếu bổ tiền dung mà không biện tiền lợn, rượu thì sẽ tính gộp vào tiền tang; còn như số tiền thu của người ngoài thì xã, thôn cũng nhận lấy để làm lệ hành lý, lại cho hạng trung nam 5 mạch tiền cổ, còn những người già cả thì cho mỗi xã 1 suất, hễ là tiền ứng dịch thì cho Giáp trưởng thu nhận. Hàng tháng: hạng lão 3 văn cổ tiền, chính đinh 6 văn cổ tiền sau đó giao cho xã để chi dùng. Người nào đi xa đã đầy tháng thì cho phép được phạn giới (trông nom việc nấu cơm) mỗi tháng 2 giờ, mỗi giờ 2 người với số tiền là 24 văn tiền cổ, không được vượt quá. Nếu gặp việc đặc biệt thì số tiền hàng tháng không giao cho các vị quan viên, sắc mục, số tiền còn lại chiếu theo xuất mà bổ đầu, không được bổ tiền riêng lẻ bừa bãi.
 
 Để lo liệu công việc, Xã trưởng phải theo lệ làm cỗ chay, như vậy bốn mùa trong cả năm không phải biện các lễ vật khác, tháng Tư đốt tiền vàng, tháng Chạp đốt tiền vàng, ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 Giêng, ngày mồng 5 tháng 5…cũng nên tùy theo số người và số lễ tiết mà chiếu theo suất để bổ tiền, số tiền thu được sẽ để chi dùng, không được cứ vin theo lệ cũ mà tiêu lạm vào.
 
 4. Trong làng nếu có người nào được vinh thân như mới được bầu chức Xã trưởng, mới trúng khao trưởng hay các chức tạp lưu khác mà thành đạt thì phải làm lễ khao vọng gồm: 1 mâm xôi, 1 vò rượu, 100 khẩu trầu, 5 quan tiền cổ, không được yêu sách, các bậc quan viên như Giáp trưởng, Thôn trưởng được miễn, Xã trưởng nào đã hết nhiệm kỳ trở lên cũng được trừ miễn. Những người ngồi theo thứ vị ở trong đình không được chiếm chỗ của bốn giáp, nếu vắng mặt cũng được chia phần.
 
 5. Mỗi người ở trong làng ai đến 50 tuổ và 65 tuổi, được lên bàn trên thi hàng năm vào đúng ngày mồng 8 tháng Giêng phải nộp lễ gồm: 1 mâm xôi, 1 vò rượu, 100 miếng trầu cau, 1 thủ lợn. Trong số những người ngồi ăn uống tại đình nếu có thế lực thì được mời riêng vào ngày khác chứ không được đòi hỏi yêu sách.
 
 6. Trong làng định lệ lấy ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm là ngày có thanh niên được nhập và hàng hương ẩm, trung nam lên Thôn trưởng, Thôn trưởng được lên lão hạng và lão hạng lên lão nhiêu. Cũng lấy lệ vào tháng ấy luân phiên chức Giáp trưởng của từng giáp. Đến ngày mồng 2 tháng 7 lại thay đổi luân phiên giữa số người của bàn nhị và bàn tam mỗi người 1 lần. Nếu người nào đó giữ chức chưa đủ 3 tháng mà bỗng thay đổi thì cho phép bàn nhị luân phiên nhau thay thế chứ không được thay đổi lung tung.
 
 7. Trong làng nếu như có người nào đã nhập vào hàng hương ẩm mà lại xin ra rồi lại xin vào thì tuy đã dâng cỗ chay thì lúc xin vào cũng phải làm như vậy sau mới đến lượt người khác. Về chỗ ngồi thì chỉ được ngồi sau những người cùng tuổi, ngày ra phải nộp 3 mạch cổ tiền, ngày vào phải nộp 6 mạch cổ tiền cho các vị sắc mục, quan viên, Xã trưởng. Thôn trưởng của giáp ấy đồng ý mới được.
 
 8. Lễ Lan Giai: Nhà nào có việc biện lễ gồm: 6 mạch cổ tiền, 1 mâm xôi, 1 vò rượu, 100 miếng trầu cau, 1 thủ lợn đến xin với các vị quan viên, sắc mục, Xã Thôn trưởng, Hương lão ở trong đình. Ngoài lễ Lan giai còn phải chuẩn bị thêm 1 mâm xôi, 1 vò rượu, trầu cau mỗi người 10 miếng, 1 chân giò lợn, 6 mạch cổ tiền nộp cho thôn, không được yêu sách (Lan giai ở bên ngoài cũng như vậy).
 
 9. Trong thôn nhàn ào có tiệc rượu ăn uống thì phải kính biểu các vị sắc mục ở đình, cho phép được đếm số người để chia, người nào vắng vì công việc cũng được chia phần, còn số người ở mỗi mâm thì trên 5 dưới 4, hoặc trên 6 dưới 5, không được theo nếp cũ, thứ tự chỗ ngồi ở bàn giao cũng y như vậy.
 
 10. Lệ làng hễ có người được hưởng bổng lộc ở bên ngoài thì các vị sắc mục, Xã trưởng, Hương lão cùng 4 thôn cũng được thụ hưởng.
 
 11. Trong làng có kẻ mưu mẹo, ngông cuồng ăn trộm tài sản của người khác hoặc gian dâm loạn luân, bất hiếu bất mục, lấy vợ lấy chồng không theo pháp luật v.v…thì các vị quan viên, sắc mục, Xã Thôn trưởng cùng họp để phạt thịt rượu, bắt nộp phạt 5 quan cổ tiền, bắt ngồi phạt tại đình, không theo lệ cũ, nếu trả về 4 giáp cũng vẫn phải chịu tội.
 
 12. Các lệ hậu Thần, hậu Phật: từ nay về sau không được tự tiện sử dngj mà phải giao cho 4 giáp thay nhau canh tác để lo việc tế tự.
 
 13. Nhà có tang nếu tỏ lòng thương xót thì nên làm đơn giản, trước ngày đưa tang, tang chủ chỉ cần biện 1 mâm xôi 1 vò rượu, 1 chiếc thủ lợn, 50 miếng trầu cau nộp cho bản giáp. Đến ngày đưa ma, từ 36 người trở lên phải nộp 3 quan sử tiền, 24 người trở lên phải nộp 22 quan sử tiền, 12 người trở xuống thì bản giáp thương lượng không phải nộp tiền. Người mất cũng chia theo tuổi tác, thứ tự sang hèn trên dưới, người có chồng phải theo choongfn ếu đáng vái thì phải vái, nếu không phải vái thì không vái, không có lệ nạp tiền xôi, giữa đường đưa đám đứng lại tế thì bản giáp lấy 1 mâm xôi, nếu có lễ rước vong thì phải nộp cho bản giáp 1 quan tiền sử. Nếu có Hội Tư văn tham gia trợ tế thì cũng theo ý như lệ cũ mà thôi. Còn về cỗ bàn của mỗi đám thì tùy theo gia canh giàu nghèo, có thể nộp thay bằng bò, xôi, rượu cũng được. Nếu có nhà nào gia cảnh túng bấn quá thì tự lo liệu việc đưa ma, không nhờ tới bản giáp trợ giúp thì phải nộp cho bản giáp 1 quan tiền sử, 1 bình rượu mà thôi. Đến ngày giỗ đầu của người chết thì các vị sắc mục ở đình không được sinh sự yêu sách.
 
 Những điều vừa nêu ở trên là để mọi người cùng thực hiện theo. Nước có pháp luật, nhà có kỷ cương, những việc phức tạp phiền hà thì nên làm cho giản dị. Chẳng qua chỉ chép lại sự thấm nhuần sùng thượng lễ nghĩa mà thôi. Còn lại những lễ tiết nhỏ thì hãy theo lệ cũ. Bổn giáp trong xã đều theo thế mà làm. Nếu có giáp nào không tuân theo lệ đó thì 3 giáp còn lại sẽ tróc nã người nào của một giáp ấy mà không tuân theo thì mọi người sẽ phạt người đó rượu, lợn, 5 quan cổ tiền, quyết không tha. Nay lập khoản ước.
 
 Ngày 13 tháng 3 năm Vĩnh Khánh thứ 4 (1732)
 
 Lập khoản ước.
 
 - Điều lệ xã Đông Ngạc, Từ Liêm
 
 Các vị quan viên Hương lão, Xã trưởng, Thon trưởng cùng toàn dân trên dưới xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai [Lập hương ước].
 
 Bởi lẽ bản xã trước đây có vị quan được tặng Công bộ Thượng thư, tước Lộc Quận công là Phạm tướng công và bà vợ cả là Lệnh nhân Phạm Thị cúng cho xã 9 mẫu ruộng và 240 quan tiền cổ để biện lễ thờ cúng. Nay mọi người trong bản xã nộp bản, truy nhớ công ơn của Tướng công vì trước đây khi sinh thời ông đã trùng tu miếu mạo, dâng áo chầu. Tướng công có công đức như thế với dân và được hưởng thờ tự theo lễ nghi cúng tế. Vì thế nghi phối hưởng làm hậu Thần; vĩnh viễn không thay đổi./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark