02/11/2012 | 10:22:00

Một thời Ga Hàng Cỏ

Mặc dù đã được đổi tên từ năm 1976 là Ga Hà Nội nhưng trong tâm khảm nhiều người dân Thủ đô vẫn còn đó cái tên Ga Hàng Cỏ một thời khó phai.

Từ khi ga được khánh thành tháng 4/1902 đến năm 1976, nghĩa là tới 74 năm, nhiều người dân Hà Nội đã quen với tên gọi Ga Hàng Cỏ. Bởi thế mà tuy được đổi tên từ năm 1976 thành Ga Hà Nội, nhưng trong tâm khảm của người Hà Nội vẫn còn đó cái tên Ga Hàng Cỏ một thời khó quên.

Có thể nói vào những năm đầu thế kỷ 19, ga Hàng Cỏ là một trong những công trình được xếp vào loại kỳ quan thế kỷ, bởi chẳng mấy ai tưởng tượng nổi ở trên cái chợ cỏ bồng bềnh bông lau trắng, thuộc thôn Tiên Mỹ, huyện Thọ Xương ngày xưa ấy lại mọc lên một “lâu đài” nguy nga đến thế.

Ấy thế rồi những tiếng còi tầu đầu tiên vang lên làm rạo rực lòng người bởi, từ đây là những chuyến đi xa; từ đây tiếng còi tàu làm đau đáu những con mắt đợi chờ; cũng từ đây là những nỗi niềm mong nhớ, hẹn hò và chia ly. Ga là thế, xen kẽ niềm vui và nước mắt. Cả một thời gian dài ga Hàng Cỏ là chứng nhân cho nhứng ngày tháng buồn đau của dân tộc, qua những chuyến tàu chở xác người chết đói, và những cảnh đàn áp người dân của hai đế quốc Pháp và Nhật, kéo dài hơn nửa thế kỷ. Chỉ đến khi Cách mạng tháng Tám bừng lên, ga Hàng Cỏ mới rùng mình chuyển động, với khí thế hừng hực tuôn trào, trong công cuộc đánh Pháp đuổi Nhật của đồng bào ta. Mọi người không thể quên những đoàn tàu ngày dêm chở hàng ngàn chiến sĩ “Nam tiến”, tại ga Hàng Cỏ vào thời gian cuối năm 45 và đầu năm 46, để chi viện cho miền Nam đánh đuổi thực dân Pháp. Nam tiến là hình ảnh rạo rực trên sân ga, thể hiện khí thế mạnh mẽ của một dân tộc anh hùng. Những cuộc chia ly trên sân ga giờ đây không còn những nỗi buồn thương mà là những lời hò hẹn ngày về trong chiến thắng. Từ ngày ấy ga Hàng Cỏ đã thuộc về cách mạng, thuộc về người dân Hà Nội ngàn năm. Và cũng bắt đầu từ đây, nhà ga trở thành chứng nhân cho những trang lịch sử hào hùng của quân và dân thủ đô.

Bắt đầu là từ đêm 19/12/1946, theo lời kêu gọi kháng chiến của Bác Hồ, đến 15/1/1947 là 25 ngày đêm quân và dân ta dũng cảm chiến đấu tiêu diệt thực dân pháp và giành giật từng mét đất trong nhà ga Hàng Cỏ. Sau một thời gian làm chủ nhà ga, thu nhiều súng đạn của địch rồi mới bí mật rút lui an toàn. Nhưng bộ đội và tự vệ ta vẫn bám sát tình hình địch và vận động công nhân không đi làm và tìm cách đánh phá không cho giặc vận hành nhà ga hoạt động trở lại...Rồi từ đó, sân ga là nỗi niềm mong mỏi ngày trở về, trong chín năm quân và dân ta trường kỳ kháng chiến. Bao lời hẹn ước cho một ngày giải phóng và đất nước thật sự độc lập và tự do. Những con tàu lại hú còi lên đường trong chờ đợi. Nỗi lòng người lái tàu vẫn đau đáu chờ tin ngày chiến thằng trở về từ mặt trận Điện Biên Phủ... Và cái ngày ấy đã đến. Đoàn quân chiến thắng đã trở về. Những tên lính Pháp cuối cùng ở ngà ga tháo chạy. Sáng 9/10/1954, lãnh đạo hỏa xa của ta tiếp quản ga Hàng Cỏ, chuẩn bị chuyến tàu đầu tiên có cắm cờ đỏ sao vàng và treo biểu ngữ chạy xuống ga Văn Điển đón bộ đội, cán bộ, nhân dân vào nội thành. Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng và ngay buổi chiều, tàu của ta đã chạy sang Gia Lâm, sau 2 giờ quân đội Pháp rút lui về nước qua cầu Long Biên.

Ga Hàng Cỏ bắt đầu những trang sử mới trong thời kỳ dựng xây đất nước và thủ đô. Hàng vạn người con của Hà Nội đã lên đường xây đựng đất nước và nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc, bởi kẻ thù vẫn còn xâm lược miền Nam. Ga Hàng Cỏ là nơi xuất phát cho hàng trăm chuyến tàu đưa những người con của thủ đô lên đường. Nơi đây, những bài ca yêu nước đã vang lên. Tiếng còi tàu của mùa xuân đất nước đã rung lên với bao cảm xúc yêu thương của tình yêu đôi lứa; tình cảm quyến luyến lúc đi xa; cùng những giọt nước mắt hẹn ngày trở về. Ga là nơi phát lên những tín hiệu hy vọng về những sự đổi mới và lớn mạnh...

Nhưng rồi 18 năm sau, ga Hàng Cỏ lại đứng trước một thử thách bom đạn của giặc Mỹ xâm lược, điên cuồng đánh phá miền Bắc. Chúng hòng chặn các chuyến tàu chi viện cho chiến trường miền Nam. Những trái bom rơi xuống nhưng không hề làm quân và dân thủ đô nao núng. Đảng bộ ga và cán bộ CNV chấp nhận mọi hy sinh gian khổ tiếp sức cho cuộc chiến đấu chống Mỹ, giữ vững huyết mạch giao thông, chi viện cho quân và dân ta ở miền Nam, ngày càng đánh to thắng lớn. Ngay kể cả khi máy bay giặc Mỹ ném bom trúng ga Hàng Cỏ, ngày 21/12/1972, các chuyến tàu vẫn lên đường dưới đạn bom khốc liệt, với tình thần thép “Qua sông không cầu, chạy tàu không ga”.

Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân thủ đô, giặc Mỹ thua tan tác, chiến trường miền Nam ngày càng thắng lợi giòn giã. Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước. Ga Hàng Cỏ cũng được xây sửa lại. Tòa nhà chính được xây lại mới và hoàn chỉnh năm 1976. Từ đó, ga Hàng Cỏ được đổi tên ga Hà Nội. Và niềm vui to lớn đến mọi người, khi chuyến tàu đầu tiên thông tuyến xe lửa thống nhất, giữa hai miền Bắc-Nam, vào ngày 4/12/1976, sau 30 năm gián đoạn.

Ga Hà Nội giờ đây đã được số hóa việc bán vé với hàng loạt máy vi tính do các nhân viên phục vụ. Nghĩa là ga Hà Nội khác xưa nhiều lắm. Nhưng từng bậc thềm ở đây vẫn như ám làn khói của đạn bom trong ký ức của một thời sinh tử. Và trong tương lai không xa sẽ có một con đường tầu ngầm, đi từ ga Hà Nội tới Nhổn, đem tới nhiều đổi thay kinh tế xã hội cho Thủ đô.

Hình ảnh ga Hà Nội ngày một lung linh hơn. Hiện đại hơn và càng ngày càng quốc tế hóa trong thời buổi hội nhập. Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui, chạy dọc thế kỷ 21 đầy mơ ước trong tương lai. Những con tàu ghi dấu từ ga Hàng cỏ trăm năm thương nhớ, chẳng thể nào phai mờ./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark