21/05/2010 | 15:12:00

Nghệ nhân Mai Hạnh - “Nữ hoàng” hoa lụa Hà thành

Nghệ nhân Mai Hạnh và mẹ - cố nghệ nhân Đoàn Thị Thái. (Ảnh: TT&VH)

Người phụ nữ ấy năm nay 60 tuổi, có giọng cười giòn tan của một tâm hồn trẻ.

Bàn tay bà đẹp và từ bàn tay ấy, hồn cốt của biết bao loài hoa được gìn giữ và phát triển như một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.

Bà là Mai Hạnh - nữ hoàng hoa lụa Hà Thành.

Bén duyên hoa từ một vết thương

Sinh ra trong một gia đình gốc gác mấy đời ở đất Hà Thành, cô con gái út xinh đẹp của nghệ nhân Đoàn Thị Thái là người duy nhất trong số chín anh em nối nghiệp mẹ làm hoa lụa.

Cô gái ấy giờ cũng đã lên bà, được phong tặng nghệ nhân như mẹ cô thủa trước, tiếp tục đưa những sắc hoa, hình lá từ thiên nhiên trở thành bất tử.

Hàng ngày, “nữ hoàng” vẫn chăm chút cho cửa hàng hoa số 5 Chả Cá và say mê sáng tạo. Thế nhưng ít ai biết rằng, bà bén duyên với nghề hoa từ một vết thương.

Năm 13 tuổi, Mai Hạnh được mẹ dạy cắt những cánh hoa đầu tiên, khi ấy bà cũng chỉ học để phụ giúp mẹ làm hàng hoa cho khách chứ chưa hề ý thức sẽ nối nghề.

Đến khoảng năm 1965, bà theo mẹ đi sơ tán ở Hưng Yên. Trong một trận máy bay Mỹ bắn phá, bà bị thương nặng ở chân.

Năm đó, đang học lớp 8, gia đình không cho bà học lên nữa mà ở nhà nghỉ một năm. Chính một năm nghỉ học này đã giúp bà tìm thấy niềm đam mê trong những bông hoa lụa.

Bà tâm sự: “Nếu không bị thương, có lẽ tôi đã học lên cao và làm một nghề khác chứ không làm hoa lụa như mẹ tôi. Trong suốt một năm nghỉ học, tôi đã theo mẹ đến những lớp gia chánh mà mẹ tôi dạy ở vùng sơ tán. Mẹ dạy hoa thì tôi học hoa, mẹ dạy nấu ăn tôi học nấu ăn".

Bà nói: "Tôi thích nhất là làm hoa. Hễ đi trên đường hoặc đi đâu đó gặp những bông hoa đẹp, hoa lạ tôi đều hái về bắt chước mẹ làm. Dần dà, tôi thấy yêu, thấy say, không dứt ra được nữa. Hoa lụa gắn với tôi như là duyên phận vậy.”

Bà Hạnh còn kể thêm, sau này, khi đi học một lớp về hội họa, thầy giáo có nói với bà rằng: “Mẹ con làm nghề hoa là rất quý. Học hội họa để thành một người biết vẽ thì không khó nhưng thành nghệ nhân thì không phải dễ. Nên con cứ nên vừa học hội họa, vừa làm hoa.”

Nghe thầy, cuối cùng Mai Hạnh đã thành công. Năm 1985 bà được phong tặng nghệ nhân khi chưa đầy 35 tuổi. Thành công ấy là sự cộng gộp của một gốc gác gia truyền, đam mê, sáng tạo và nỗ lực không ngừng.

Mỗi bông hoa, một số phận

Bây giờ nhờ công nghệ hiện đại, người ta có thể sản xuất ra hàng loạt những bông hoa giống hệt nhau đến từng chi tiết nhỏ. Nhưng, hoa lụa Mai Hạnh khi đưa ra thị trường vẫn giữ được uy tín và tình yêu đối với những người thích, yêu và chơi hoa lụa.

Với Mai Hạnh, hoa lụa làm bằng tay bao giờ cũng mềm mại hơn. Người ta cứ nghĩ, hoa lụa là hoa giả, mà giả thì chỉ cần làm cho giống với hoa thật là đẹp.

Thực ra, ở đây không phải là làm cho giống mà là làm sao để thổi được hồn vào mỗi bông hoa để trong cái thật có cái giả, trong cái giả lại là cái thật đến mê hồn, quyến rũ và đầy tinh tế.

Gần 50 năm trong nghề, dường như chưa bao giờ Mai Hạnh làm hoa theo cách của một người thợ quen tay, lành nghề. Bao giờ cũng thế, mỗi bông hoa qua sáng tạo của bà đều mang một vẻ riêng, một câu chuyện riêng, thậm chí là một số phận riêng đầy màu sắc.

Không chỉ nỗ lực tìm tòi, phát triển nghề hoa lụa, Mai Hạnh còn góp một phần không nhỏ vào việc quảng bá nghề hoa truyền thống của dân tộc đến rất nhiều nước khác nhau.

Mỗi chuyến đi, bằng “đôi tay lụa” của mình, Mai Hạnh đã khiến bạn bè thế giới phải ngỡ ngàng, nể phục.

Trong một lần bà trình diễn tại Nhật Bản, bên cạnh 12 nghệ nhân các nước châu Á khác, họ có máy dập, một lần làm ra tới 20 cánh hoa, trong khi Mai Hạnh chỉ có một cây kéo trong tay (nghĩa là làm thủ công). Chính điều đó lại gây kinh ngạc với người xem.

Đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn đầy biến hóa ấy đã tạo nên nét riêng biệt của hoa lụa Việt Nam.

Mai Hạnh kể: “Từ lo lắng đến bủn rủn chân tay vì sợ mình không làm được như... máy của các bạn, tôi cảm động đến phát khóc khi nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của người xem khi kết thúc “cuộc so tài”. Bàn của tôi đông nhất, thu hút sự chú ý nhất. Tôi cảm động quá. Trong đời, chưa bao giờ tôi có được niềm tự hào đến thế.”

Ước mơ hoa

Cùng thăng trầm với hoa lụa đất Hà Thành, hơn ai hết, bà là người hiểu sâu sắc thú chơi hoa của người Hà Nội. Ngày trước, các mẫu hoa ít hơn, nguyên liệu làm hoa lụa cũng không sẵn có như bây giờ, thậm chí, gia đình bà còn phải làm hoa từ những mớ vải tiết kiệm.

Thế nhưng, người xưa chơi hoa lại rất sành, chơi lấy tinh hoa chứ không vì số lượng. Ví như vào dịp tết, chỉ cần một cành đào nhỏ trong nhà, thế nhưng cành đào ấy phải được làm chuẩn đến từng chi tiết. Thậm chí, hoa lụa có sắc còn phải có mùi. Chơi thế mới sang.

Ngày nay, công nghệ phát triển, hoa lụa ngàn ngạt muôn hình vạn trạng, đủ màu, đủ sắc. Đời sống khá giả hơn, nên người chơi hoa không hẳn quan tâm về giá cả mà quan tâm về chất lượng. Tuy nhiên, dường như xu hướng bây giờ lại thích những gì đồ sộ, vĩ đại hơn là những gì nhỏ bé.

Năm 2010, nghệ nhân Mai Hạnh dự định sẽ làm 100 cành hoa đào với 1000 bông hoa, như ước vọng về một tương lai ngàn hoa đua nở.

Trong tất cả những tác phẩm hoa nghệ thuật do Mai Hạnh làm, chủ đề mà bà thể hiện nhiều nhất là “tre già măng mọc". Đó cũng là trăn trở của bà với chính nghề hoa lụa của mình.

Trong suốt những năm qua, bà truyền nghề cho không ít học sinh, tạo công ăn việc làm cho biết bao trẻ mồ côi, tàn tật. Ngay như chính con gái bà là chị Đặng Thị Minh Hằng cũng đang theo nghề mẹ. Thế nhưng bà vẫn tỏ ra chưa yên tâm.

Bởi lẽ, như bà nói: “Trong số những học trò của tôi, người khéo tay thì không thiếu, nhưng có được đam mê mới khó. Thị trường hoa ngày càng phát triển, người ta làm hoa hàng loạt nhiều, mấy ai còn dày công nâng niu từng cánh hoa như mình nữa.

Giá thành của một bông hoa làm tỉ mẩn bằng tay qua biết bao công đoạn, ắt phải cao hơn, làm sao cạnh tranh được với thị trường hoa ồ ạt ngoài kia. Bởi thế, không có đam mê thì sẽ chẳng ai còn muốn làm hoa lụa nữa”.

Mai Hạnh đã dành trọn tuổi trẻ, tình yêu cho hoa lụa, và giờ đây, ở bên kia con dốc của cuộc hành trình đời mình, bà vẫn cần mẫn kiếm tìm, với hi vọng, bằng chính đam mê của mình, sẽ thổi bùng đam mê trong những học trò kế cận để giữ lửa cho nghề.

Mai Hạnh đã góp thêm cho Hà Thành không chỉ là những bông hoa lụa mà còn cả một tâm hồn đẹp, một đóa nhài thơm./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark