09/05/2010 | 15:07:00

Hữu Ngọc - Người bắc nhịp cầu văn hóa đất Tràng An

Nhà văn hóa Hữu Ngọc.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh năm 1918 tại Hà Nội, gốc gia đình ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Mặc dầu đã vượt qua ngưỡng "cổ lai hy" nhưng ông vẫn đi, vẫn viết đều đặn. Cuộc đời ông giống như một nhịp cầu nối văn hóa Việt Nam với thế giới và thế giới với Việt Nam.

Những trang sách đậm sắc màu văn hóa

Với tri thức sâu rộng, lại sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, sử dụng được chữ Hán, hơn 50 năm cầm bút, ông đã góp cho đời một loạt tác phẩm viết về kho tàng văn hóa phong phú của nhiều dân tộc. Đó là "Phác thảo chân dung văn hóa Pháp," “Mảnh trời Bắc Âu,""Văn hóa Thụy Điển," “Hồ sơ văn hóa Mỹ," "Chân dung văn hóa Nhật Bản." “Chìa khóa để biết và hiểu Lào."

Để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ông viết đều đặn hơn chục năm trời mục "Mạn đàm truyền thống" cho Le Courrier Viet Nam (tiếng Pháp) và Vietnam News (tiếng Anh). Mỗi bài viết của ông là một câu chuyên nhỏ dắt người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về nền văn hóa phong phú của Việt Nam.

Những bài viết đó đã được tập hợp thành một cuốn sách quý "Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam" bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp. Cuốn sách đã được dùng làm món quà quý trao tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ bảy tại Hà Nội năm 1997.

Và từ năm 1997 đến nay ông vẫn tiếp tục viết để tập hợp thành một bộ sách lớn, dày 1.200 trang mang một cái tên mới "Lãng du trong văn hóa Việt Nam." Thành công của cuốn sách tiếng Anh vượt ra ngoài sự mong đợi của tác giả, trở thành món quà tặng quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

Lời nói từ con tim

Tốt nghiệp tú tài triết học, Hữu Ngọc vào học trường Luật. Ngày ấy học luật để ra làm quan nhưng ông lại rẽ ngang sang nghề dạy học. Ông muốn đem lời nói từ trong con tim đến với học trò trong cảnh mất nước. Kháng chiến chín năm chống Pháp, ông làm Trưởng ban giáo dục tù, hàng binh Âu-Phi, có dịp lặn lội đi khắp các trại để làm công tác địch vận, giúp cho những người lính Âu-Phi trong đội quân xâm lược của thực dân Pháp hiểu về cuộc kháng chiến chính nghĩa và nên văn hóa của Việt Nam.

Sau năm 1954, có dịp đi công tác, hội thảo ở nhiều nước trên thế giới, ông đem tiếng nói chính nghĩa, yêu lao động, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, làm cho họ hiểu đất nước và nền văn hóa của Việt Nam hơn.

Trong thời kỳ đổi mới, nhà văn hóa Hữu Ngọc lại càng "được mùa" nói chuyện văn hóa. Sức lan tỏa của những cuốn sách do ông viết làm bạn đọc gần xa tìm đến ông. Mỗi năm ông thường có trên 50 buổi nói chuyện cho người nước ngoài nhất là Mỹ, Pháp, có buổi lên đến hơn một trăm người nghe. Nhiều vị nguyên thủ quốc gia, nghị sĩ, giáo sư nhiều nước khi đến Việt Nam đã dành thời gian để nghe ông nói về văn hóa Việt Nam. Người nghe đặc biệt thích thú khi được ông phân tích quá trình hình thành và đặc điểm của nền văn hóa Việt Nam.

Ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập, Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương "Ngôi sao phương Bắc," Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm và "Lời Vàng" cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Hoạt động không mệt mỏi

Nhiều người nói Hữu Ngọc là "nhà xuất nhập khẩu văn hóa." Nhận xét đó rất đúng bởi cuộc đời ông hoạt động không biết mệt mỏi cho nền văn hóa Việt Nam và thế giới. Thời trai trẻ, ông đã lặn lội khắp các nẻo đường kháng chiến, hòa bình lập lại thì mấy chục năm làm Tổng biên tập các tạp chí tiếng Anh và tiếng Pháp: Le Vietnam en marche, Etudes Vietnamiennes, Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là nhà xuất bản Thế Giới). Ở tuổi 86 ông vẫn được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Quỹ văn hóa Thuỵ Điển-Việt Nam và Quỹ văn hóa Đan Mạch-Việt Nam.

Quỹ do ông phụ trách đã giúp cho 11 phường rối nước khỏi bị mai một; tài trợ để trùng tu gần 70 đền chùa, nhà thờ họ một số gia tộc nổi tiếng có công với nước, sửa chữa và làm mới nhiều bia mộ, tượng của các anh hùng, danh nhân, giúp nhiều học bổng cho con em các dân tộc. Hoạt động của Quỹ đã vươn tới những vùng sâu, vùng xa: phục chế tháp Mường Luân ở Lai Châu, tu bổ công trình kiến trúc cổ Thala Pangxay của đồng bào Khmer ở An Giang.

Giờ đây tuy tuổi đã cao, nhưng hàng ngày ông vẩn đi bộ 5km đến nơi làm việc, vẫn đều đặn nói chuyện và viết về những vấn đề văn hóa Việt Nam, tiếp tục làm nhịp cầu nối văn hóa Việt Nam với thế giới và văn hóa thế giới với Việt Nam./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark