12/05/2010 | 15:58:00

“Gã phù thủy” của sân khấu kịch Hà Nội

Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng đạo diễn chương trình lễ hội Canaval Hạ Long 2009. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ được mệnh danh là “con sói già,” là “gã phù thủy,” là một “quái kiệt”… của làng sân khấu Việt Nam đương đại.

Bên cạnh một loạt những vở kịch kinh điển nổi đình đám do anh dàn dựng, Lê Hùng còn khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng với một seri “Đời cười” luôn sốt vé hàng đêm.

Lê Hùng tướng mạo phong trần, râu ria xồm xoàm, nói năng ồn ào và thẳng như ruột ngựa. Anh thuộc tuýp người cá tính nhưng dễ gần, không kiểu cách và màu mè. Chẳng thế mà khi tôi hỏi: “Quản lý một dàn "sao" thuộc vào hàng tầm cỡ nhất nhì cả nước chắc khó lắm anh nhỉ?.”

Lê Hùng đã cười  và nói “Chẳng có gì là khó cả, cái khó là phải làm sao kiếm được đất diễn cho anh em để đêm đêm họ được thể hiện tài năng của mình, có thể sống được với bằng nghề diễn của mình.”

Vốn là con nhà nòi lại là một diễn viên có nghề của Nhà hát Tuổi trẻ, sau khi đã dắt lưng được một số vốn nghề kha khá, Lê Hùng lại được cử sang tận Mátxcơva thuộc Liên bang Nga ngày nay học thêm một khóa đạo diễn ở trường Đại học Nghệ thuật Sân khấu danh tiếng GITIS và tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu.

Chính vì vậy mà trong con người Lê Hùng dường như luôn tồn tại song song cả hai luồng tư duy sân khấu truyền thống và tư duy sân khấu hiện đại. Cả hai luồng tư duy ấy bổ khuyết cho nhau giúp Lê Hùng tạo nên cho mình một cá tính riêng trong nghề đạo diễn.

Có lẽ vì thế mà người ta thấy Lê Hùng rất mạnh mẽ và khá “độc đoán” trong vai trò của một đạo diễn. Anh không mấy coi trọng đến vấn đề chữ nghĩa của kịch bản mà chỉ quan tâm đến những thông điệp cốt lõi của nó. Vì thế anh sẵn sàng cắt cúp, đảo lộn ngược xuôi kịch bản và cũng không do dự đưa vào đó những thủ pháp ước lệ của sân khấu cổ truyền.

Thế nên, Lê Hùng đã từng làm cho khán giả phải rơi lệ với những cảnh diễn đậm chất của mình như cảnh múa câm lặng của nghệ sỹ Nhân dân Lan Hương trong vai Hoàng hậu Macbeth trước lúc tự tử trong vở kịch “Macbeth,” hay khung cảnh lãng mạn trong đêm tân hôn của đôi vợ chồng hủi trong vở “Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” với cảnh chiếc giường cưới được ước lệ là thảm cúc vàng trải ngay trên sàn diễn.

Những cảnh diễn đầy “nóng bỏng” trong vở “Nghiệp chướng” nhưng không hề gợi nên sự suồng sã và dung tục... đó là cái tài đạo diễn của Lê Hùng, chẳng thế mà người ta gọi anh là “gã phù thủy” của sân khấu, biết biến những điều không thể thành có thể.

Lê Hùng thuộc tuýp người đa năng, không thể loại nào của sân khấu là anh không nhúng tay vào và không thành công. Từ tuồng, chèo, cải lương... cho đến những vở kinh điển của thế giới như "Ngôi nhà búp bê" của H.Ibsen, "Âm mưu và tình yêu" của Schiller, "Macbeth" của Shakespeare... và mới đây là chùm hài kịch “Đời cười” nổi đình nổi đám.

Những vở kịch kinh điển do Lê Hùng dàn dựng không chỉ để lại dấu ấn trong nước mà còn thu hút được sự quan tâm của giới nghệ sĩ sân khấu kịch thế giới. Điển hình như việc vở “Macbeth” của anh từng được mời tham dự Liên hoan sân khấu thế giới tại Bắc Kinh năm 2003 và Liên hoan sân khấu quốc tế Thượng Hải năm 2005.

Có một điều khá thú vị trong suy nghĩ của Lê Hùng khi bàn về bi kịch và hài kịch là trên sân khấu một khi bi kịch được đẩy lên đến đỉnh điểm thì nó sẽ trở thành hài kịch. Có lẽ xuất phát từ suy nghĩ này mà hài kịch của Lê Hùng bao giờ cũng ẩn chứa cái chất bi cho nên nó khiến cho nhiều người xem có thể cười đó và cũng khóc ngay được đó, ví như vở “Ngựa người, người ngựa,” “Bệnh nói nhiều,” và điển hình nhất là chùm “Đời cười”...

Lê Hùng cũng đã từng nói “Làm đạo diễn lấy được giọt nước mắt của khán giả đã khó, lấy được tiếng cười theo đúng nghĩa của nó lại càng khó hơn.”

Về điểm này có thể thấy Lê Hùng chịu ảnh hưởng khá nhiều từ phong cách của vua hài Charler Chaplin, đó là lối làm hài kịch dựa trên nền tảng của những bi kịch, của những vấn đề xã hội nóng bỏng. Chính nhờ có nét riêng đặc biệt ấy mà liên tiếp tám vở “Đời cười” của Lê Hùng ra đời đều được công chúng đón nhận hết sức nồng nhiệt và trở thành “thương hiệu” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Không phải ngẫu nhiên mà hễ nhắc đến “Đời cười” là người ta nghĩ ngay đến Lê Hùng và nói đến Lê Hùng thì không thể không nói tới “Đời cười.”

Cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng có thể nói là gắn liền với những bước thăng trầm của Nhà hát Tuổi trẻ. Nhờ có sự chèo lái của anh mà Nhà hát Tuổi trẻ đã xây dựng được một đội ngũ các nghệ sỹ trẻ có tài năng và tâm huyết với nghề, trong đó có không ít các nghệ sĩ tài danh và nổi tiếng như nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh, nghệ sỹ Nhân dân Lan Hương, nghệ sỹ Ưu tú Chí Trung.

Và quan trọng hơn, sân khấu Nhà hát đêm đêm vẫn đỏ đèn thu hút khán giả đến xem mặc cho sự ganh đua khắc nghiệt của cuộc sống thời kinh tế thị trường vốn đã quá dư thừa các loài hình giải trí hiện đại. Có lẽ chính nhờ sự thành công ấy mà mới đây Nhà hát Tuổi trẻ do anh quản lý đã được Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng 100 vở diễn kinh điển của thế giới để phục vụ công chúng yêu kịch.

Tạm biệt nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng, tạm biệt “con sói già,” “gã phù thủy”... của nền sân khấu kịch Việt Nam đương đại, chúc anh luôn gặt hái được nhiều thành công mới trên con đường nghệ thuật. Bởi hơn ai hết Lê Hùng không chỉ là người biết khóc và biết cười với từng vở diễn của mình mà anh còn biết làm cho người đời cùng khóc và cười với từng vở diễn của anh.

Nghệ sỹ Nhân dân, đạo diễn Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ từ tháng 5/2009.

Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng, sinh năm 1952, quê gốc ở xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Thái, tỉnh Nam Định. Anh đã giành được rất nhiều giải thưởng lớn qua các kỳ hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc như Giải đạo diễn xuất sắc nhất năm 1990 với vở “Rồi sao nữa?” dàn dựng cho Đoàn kịch Hải Phòng.

Ngoài ra, anh còn được nhận Giải đạo diễn xuất sắc nhất năm 1995 với vở “
Người không thể chết” của Đoàn kịch Quảng Ninh, Giải đạo diễn xuất sắc nhất năm 2000 với vở “Chí Phèo” do Đoàn kịch Thái Bình thể hiện, Giải đạo diễn xuất sắc nhất năm 2004 với vở “Thông điệp từ Điện Biên Phủ” của Đoàn kịch nói Quân đội./.


(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark