20/12/2012 | 08:50:00

Những tấm lòng vàng hàng xóm phố Hàng Buồm

Phố Hàng Buồm, thế kỷ XXI, không còn bán buồm, nhưng tấm lòng vàng hàng xóm ở phố luôn rộng mở như khi giăng buồm ra khơi.

Chồng tôi – Nhà văn Triệu Bôn mất đã 4 năm. Cứ vào lúc có gió heo may, những quả me cong queo trên phố Lý Thường Kiệt, phố Trần Hưng Đạo rụng đầy đường, thì tôi hay tìm về phố Hàng Buồm xưa. Nơi gia đình tôi đã sống ở đó 7 năm mà có đến 5 năm nhà tôi ốm nặng.

Khi bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, trong lúc gõ dở trang truyện ngắn. Tôi đưa anh Triệu Bôn đi cấp cứu ở Bệnh viện 19/8, chỉ kịp nhờ chị Mỳ bán bún riêu, mà thằng Cóc, con trai tôi hay gọi là mẹ Mỳ. Nhờ chị đón con giúp tôi.

Những tối khuya mù, từ Bệnh viện 19/8 ở tít trên Cầu Giấy, đạp cái xe đạp cà tàng tuột xích đến năm, bảy lượt mới về đến nhà. Tới đầu phố Hàng Buồm, tôi mệt rã rời, đành dắt bộ. Vét trong túi còn mấy ngàn bạc mua cho con một lát giò rồi nhìn về nhà mẹ Mỳ. Con tôi, mặt mũi nhem nhuốc, đứng gặm mẩu bánh mỳ lấm lem, khóc ê a, thỉnh thoảng gọi: “Bố ơi, mẹ ơi – Mẹ ở đâu rồi?”. Tôi đứng ở dưới gốc cây sấu già, lặng lẽ khóc, lặng lẽ lau khô nước mắt rồi chạy đến ôm con. Phải đến hàng tuần lễ, tôi vác con sang nhà mẹ Mỳ gửi từ sớm, đến khuya lại đón con về. Chị trông nom con cho tôi mà chẳng nề hà gì. Lúc nào cũng vui vẻ, hít hà thằng Cóc, như con trai chị vậy.

Rồi nhà tôi chuyển về điều trị ở Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Thằng Cóc nhà tôi lại chuyển sang ăn trực ở nhà chị Thịnh, tôi dặn thằng con 4 tuổi: “Con nhớ đừng đòi ăn thức ăn ở nhà mẹ Thịnh nghe chưa. ăn cơm chan canh là được rồi. Tối về, mẹ sẽ cho con ăn”. Không ngờ trẻ con nó khôn và nhớ dai thế. Đến lúc vào Bệnh viện, chị Thịnh, anh Dân vào thăm chồng tôi phàn nàn: “Thằng Cóc nó không chịu ăn thức ăn. Em bảo Cóc ăn bát nhé.” Nó nói: “Con chỉ xin mẹ ăn một bát cơm chan canh thôi. Thịnh mẹ ạ. Con không ăn thức ăn đâu. Còn một bát ngày mai mẹ cho con ăn trực cũng được”. Chuyện kể về trẻ con mà người lớn cười ra nước mắt.

Rồi nó lũn cũn ngồi vào ngồi chỗ cửa sổ nhà Thịnh mẹ. Nhìn ngó về nhà xem bố đã về chưa. Đêm đến đón con ở nhà Thịnh mẹ về. Cho con ăn xong, là tôi thiếp đi. 2 giờ sáng lại nghe thấy tiếng gọi: “Cô Bôn ơi, dậy đi, cháu cho phuy nước”.

Tôi lại quàng quáng dậy, dải dây bơm nước dài 67m ra hết ngõ mới xin được một phuy nước 200 lít. Hồi đó phố Hàng Buồm khan hiếm nước như trên sa mạc. Đi đâu xa về phải xin từng gáo nước để dành một cốc đun nước cho con, còn một cốc đem ra rửa mặt.

Phố Hàng Buồm 7 năm, nơi tôi sống là 7 năm không có đêm nào được ngủ trọn giấc. Cứ 2 giờ sáng dậy bơm nước, mới có nước dùng sinh hoạt.

Vợ chồng nhà cô Lan ở bên cạnh, chú lái xe, vợ bán cháo sườn, trứng vịt lộn, ở cổng trường Mẫu giáo Tuổi thơ. Biết nhà tôi ốm, nên đêm nào cũng gọi ời ời “Cô Bôn ơi, dậy cháu cho phuy nước”.

Còn bác Mùi ở cạnh nhà 19 Hàng Buồm, cái dây chuông từ cổng buộc nhà tôi dài tới 67m, bác thường xuyên giật chuông, gọi cho tôi bát cháo, bát rau, qua ngày. Có bữa nấu chuối ốc, bác đợi tôi về, vồ vập: “Chị đợi cô suốt về mà ăn một bát ốc cho nóng mà vào trong Bệnh viện chăm chú ấy, khổ nhà cô neo người quá, con còn bé quá. Cám cảnh cho trời đất lắm”.

Con trai tôi đã được hàng xóm trông nom, ăn trực suốt hàng tuần lễ khi bố cháu ở Bệnh viện. Sau ngày bố cháu mất, con gái nhà chị Mỳ, chị Thịnh cưới hỏi đều gọi gia đình tôi. Cháu Cóc đã lớn nhưng chị em chúng chơi với nhau từ nhỏ, thằng Cóc vẫn gọi chị Thịnh là Thịnh mẹ, chị Mỳ là mẹ Mỳ như thuở ấu thơ.

Bao nhiêu nỗi gieo neo một thời bao cấp, bao nhiêu nỗi khó, cơ cực mà nhà tôi đi qua đều có sự chia sẻ ấm áp của hàng xóm phố Hàng Buồm. Nhờ có bà cụ Dân, mẹ anh Dân, chị Thịnh, bà đã dạy tôi cách kho thịt với mìn xì, cách làm chả rươi, cách ếch om dứa sao cho mềm và thơm. Cách làm bánh mần thầu, và thịt dồi cà chua. Vốn là người Hoa, bà cụ Dân đã dạy từng tý cho tôi nấu bát canh ngon mà thưởng thức chứ không tội gì ra hàng.

Hàng xóm phố Hàng Buồm sống tử tế đúng với nghĩa tắt lửa tối đèn có nhau. Bây giờ dù đi đâu xa, dù bác Mùi đã dọn về ở phố Bờ Sông, mẹ Mỳ đã mất, anh Dân, chị Thịnh hay đi du lịch, bác Cảnh ngồi hút thuốc và đọc sách, cô Lan vẫn bán cháo sườn, trứng vịt lộn. Tôi tìm về phố Hàng Buồm, ngồi dưới gốc cây sấu già uống chén trà nóng đặc sánh từ tay cô Lan đưa cho, lòng xiết bao bổi hổi, nhớ về những người xóm giềng tốt bụng, tử tế.

Phố Hàng Buồm, thế kỷ XXI, không còn bán buồm, nhưng tấm lòng vàng hàng xóm ở phố luôn rộng mở như khi giăng buồm ra khơi./.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark