18/12/2012 | 13:54:00

Phố Trần Hưng Đạo

Phố Trần Hưng Đạo (Ảnh: Vũ Hưng)

Phố Trần Hưng Đạo dài 2.150m, nối từ phố Trần Khánh Dư đến ga Hàng Cỏ, nay là ga Hà Nội, qua nhiều thôn xóm xưa như Tây Long, Nhân Chiểu, Hàm Châu, Nguyên Khánh, Yên Tập, Tử Mỹ thuộc huyện Thọ Xương cũ.

Phố Trần Hưng Đạo cùng với các phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng và Tràng Thi là dãy phố song song được xây dựng từ thời Pháp thuộc theo quy hoạch và kiến trúc Đông Dương, vắt ngang trung tâm thành phố, từ đông sang tây, là khu phố hiện đại, lịch sự và sầm uất nhất nhì Thủ đô trước đây.

Thời Pháp phố mang tên Boulevard gam lotta. Sau Cách mạng tháng Tám được đổi thành phố Trần Hưng Đạo, tên người anh hùng dân tộc thời Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên và là tác giả tập “Binh thư yếu lược,” “Hịch tướng sĩ" - một áng 'thiên cổ hùng văn.'

Phố Trần Hưng Đạo cũng còn nhiều di tích lịch sử như “Quảng trường 1/5” (trước là Nhà Đấu Xảo) nơi nổ ra cuộc míttinh khổng lồ chiều 1/5/1938, kỷ niệm này Quốc tế lao động của thợ thuyền Hà Nội chống thực dân Pháp. Ngôi nhà 101 là nơi họp của Ủy ban khởi nghĩa lập kế hoạch tổ chức Tổng khởi nghĩa 19/8/1945. Nhà Đấu Xảo xưa là nơi tổ chức hội chợ, năm 1954 được xây dựng thành Nhà hát nhân dân ngoài trời cho đến 1970, Công đoàn Liên Xô cũ viện trợ xây dựng “Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt-Xô." Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị, văn hóa của cả nước.

Từ một “khu phố tây” với nhiều biệt thự sang trọng nằm ẩn mình trong những khuôn viên rợp bóng cây, ngày nay phố được chỉnh trang đẹp hơn, khang trang hơn, là nơi tọa lạc của nhiều cơ quan ngoại giao như Đại sứ quán Cộng hòa Pháp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ và nhà riêng của nhiều Đại sứ nước ngoài. Nhiều thương nhân thế giới đến Việt Nam thích tới phố Trần Hưng Đạo thuê nhà ở, vừa an toàn, vừa yên tĩnh, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp khi đông về, lại gần trung tâm thành phố, rất thuận lợi cho việc giao dịch, làm ăn lớn.

Đường phố Trần Hưng Đạo dài, rộng, thông thoáng, không bị ùn tắc giao thông kể cả giờ cao điểm, có nhiều trụ sở của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến Hà Nội như Cơ quan Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Sở Công an Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài chính... đều rất khang trang, hiện đại, xứng tầm thời kinh tế hội nhập.

Đầu phố Trần Hưng Đạo có Bệnh viện Trung ương quân đội 108, được trang bị hiện đại với phương tiện tối tân và đội ngũ giáo sư bác sĩ đầu ngành. Gần đây, một loạt phòng khám bệnh tư nhân ra đời ngay cạnh viện 108: Phòng khám đa khoa chất lượng cao Minh Tâm, Trang Dung, Nam Anh, Bình Minh, Quân Dân với đủ các chuyên khoa, hình thành một khu vực tập trung phục vụ chữa bệnh theo yêu cầu cho nhân dân. Cuối phố Trần Hưng Đạo mới có thêm Bệnh viện Tim Hà Nội áp dụng khoa học kỹ thuật cao.

Phố Trần Hưng Đạo cũng hình thành một hệ thống ngân hàng đáng tin cậy: Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam, trụ sở Serbank, Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á, ngân hàng Đại Dương Ocen Bank, UD BANK, Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam.

Dọc phố Trần Hưng Đạo có rất nhiều công ty kinh doanh uy tín: Công ty điện công trình, Công ty Tem, Tổng công ty cổ phần điện tử, tin học Việt Nam, Công ty Du lịch Tre xanh, Công ty Đại cát Nokia, Công ty cổ phần điện ảnh truyền hình, Tổng Công ty tài chính dầu khí, Công ty xuất nhập khẩu ngoại thương INTIMEX.

Một hệ thống khách sạn “năm sao” đang được khẩn trương hoàn thành để “đi trước, đón đầu” kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Khách sạn Hoàn Kiếm cao bảy tầng, tòa nhà Capital Tower thay cho khách sạn 30/4 đã đi vào kỷ niệm, đây sẽ là một siêu thị khép kín, đầy đủ mọi dịch vụ bán hàng, văn phòng, sân chơi, nghỉ ngơi, thể thao văn hóa đa dạng theo mô hình nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Các cửa hàng điện thoại di động tập trung ở phố Trần Hưng Đạo đủ mặt các thương hiệu nổi tiếng thế giới: Nokia, Sony Ericsson, Siemens, Viettel, siêu thoại dịch vụ điện thoại chuyên sâu.

Các cơ quan văn hóa, báo chí cũng góp mặt làm cho phố sôi động. Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam hội tụ các văn nhân đất Việt, tổ chức những đêm nhạc trữ tình đã trở thành món ăn tinh thần của dân sành nhạc Hà thành. Ngoài cơ quan Thông tấn xã chiếm đến ba tòa nhà lớn, một loạt tờ báo gồm Báo Điện ảnh, Kịch trường, tạp chí Tia sáng, tạp chí Giao thông vận tải, báo Khoa học đời sống, báo Khoa học phát triển, nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật, Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Thế giới.

Khách các nơi xuống ga Hà Nội tỏa vào phố Trần Hưng Đạo sẽ được ngắm một đường phố văn minh, trật tự, an toàn giao thông, cây cổ thụ sum xuê, hoa sữa thơm và đầy ắp các loại hàng chất lượng. Cửa hàng liên doanh giày Việt Nam, Head Sport - đại lý bảo hiểm thể thao VR1, Hàng cơm Phù Đổng món ngon Hà Nội, cửa hàng sản phẩm thời trang Việt Thắng Jeam, Sinco 1995, kem NZ ...

Phố Trần Hưng Đạo có nhiều câu lạc bộ khiêu vũ, điện ảnh, thể thao… dành cho giới trẻ. Các cụ nghỉ hưu có câu lạc bộ Thăng Long, trụ sở khang trang, đầy đủ thiết bị phục vụ giải trí, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, động viên nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark