29/11/2012 | 09:43:00

Phố Khâm Thiên

Phố Khâm Thiên dài 1.170m bắt đầu từ phố Lê Duẩn - nơi đường tàu hỏa chạy qua đến ngã tư Tôn Đức Thắng-Nguyễn Lương Bằng ( Ô Chợ Dừa ). Đây là phố của các làng cổ xưa: Khâm Đức, Tương Thuận, Trung Tiền, Trung Tả, Thổ Quan, Lệnh Cư, Văn Chương… có tới 26 ngõ trên phố.

Ngõ Thổ Quan có ngôi đền thờ ba chị em họ Đào là nữ tướng của Hai Bà Trưng. Nơi đây có di tích Bãi Trận vá nơi gõ lệnh tiến quân – Ngõ Lệnh Cư – theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa mùa xuân năm 40. Ngõ Văn Chương là nơi vua Lê Thánh Tông đã từng sống với mẹ những ngày còn thơ ấu, Nhà vua là người khai mở một thời kỳ văn học thịnh vượng thế kỷ 15.

Tên gọi phố Khâm Thiên để nhắc đến thời kỳ Lý, Trần, Lê thế kỷ 11 – 18 nơi đây có đài Khâm Thiên Giám còn gọi là Tư Thiên Giám – có nhiệm vụ theo dõi thời tiết, thiên văn và ngiên cứu lịch pháp.

Nhiều nhà thiên văn học, lịch pháp học nổi tiếng của nước ta như Đặng Lộ - người phát minh kính viễn vọng có tên “lung linh nghi” Trần Nguyên Đán tác giả cuốn”Bách thế thông kỷ thư” một cuốn lịch dùng cho nhiều thế kỷ - đã từng sống và làm việc tại Khâm Thiên Giám.

Đài ngày xưa nằm ở khu vực đầu phố bên dãy lẻ lùi vào trong ngõ chợ Khâm Thiên một chút. Nơi đây trong sách địa chí cổ gọi là thôn Khâm Thiên Giám. Năm 1831 đổi tên Khâm Đức.

Thời Pháp thuộc toàn bộ phố Khâm Thiên thuộc về địa phận tỉnh Hà Đông huyện Hoàng Long. Ngoài phố là những dãy nhà cô đầu, những tiệm nhảy Rếch, Đề ét xa, Ta ca ra, Pa gốt, Mỹ đô… những sòng bạc Ba Sinh, Hai Cua … những bàn đèn thuốc phiện v.v

Đêm về Khâm Thiên nhập nhòa trong ánh đèn mờ ảo trong tiếng xênh, phách với giọng ca mùi mẫn, nỉ non, réo rắt, quyến rũ. Tiếng xô sát, đập phá của dân cờ bạc, dân say rượu, mùi thuốc phiện từ bàn đèn dầu lạc tỏa ra ngây ngất.

Khâm Thiên ngày ấy - chốn ăn chơi sa đọa của bọn lắm tiền - còn trong các ngõ là những con đường lầy lội, bẩn thỉu len lỏi qua những xóm nghèo nhà tranh vách đất dột nát, tả tơi: người dân lao động lầm lũi cơ cực “ăn bữa nay lo bữa mai” không ngõ nào có một ngọn đèn điện.

Ngoài phố không bóng cây xanh, trời nắng ôtô chay qua bụi bay mù mịt, Lòng đường chật hẹp: Suốt dọc phố - dài gần hai cây số chỉ có một vòi nước công cộng duy nhất đặt ở đầu phố.

Ngõ Cống Trắng – tên gọi cống dẫn nước thải từ các xóm sau ga chảy qua. Đây từng là nơi ở của nhà thơ Trần Huyền Trân, ông có hai người bạn thân thiết là Thâm Tâm và Nguyễn Bính thường xuyên đến chơi; cũng như những người dân trong ngôi nhà tranh vách đất bữa ăn thật đạm bạc.

Mẹ của nhà thơ ngày đi làm hộ lý ở nhà thương Rôbin (Bạch Mai) đêm đêm lại ra ao kéo vó tôm, vó cá để kiếm thêm gạo cho các con và mời bạn bè của con. Nhà thơ Trần Huyền Trân đã viết những câu thơ xúc động đến ứa nước mắt tặng “Ngư Bà” – mẹ mình:

Tôi ở lều gianh Cống Trắng này

Chạnh niềm cá nhảy với chim bay

Đêm đêm kẽo kẹt Ngư Bà thức

Dăng phải hồn tôi một lưới đầy.

Người Khâm Thiên trong cuộc sống cơ hàn không có chút huy vọng với ngày mai, đón nhận cách mạng như đón nhận bình minh – một cuộc đổi đời.

Ngày 17/6/1929 tại ngôi nhà 312 Khâm Thiên 20 đại biểu các tổ chức cộng sản ở Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương thông qua tuyên ngôn, cương lĩnh điều lệ và bầu ban chấp hành Trung ương gồm các đồng chí: Ngô Gia Tự, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc…

Ngõ Trung Phụng là trung tâm hoạt động của phong trào thanh niên phản đế những năm 1936 – 1939 với các chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi: Hồng Quang, Trần Hải Kế.

Những ngày tháng 8 lịch sử Khâm Thiên bừng bừng khí thế cách mạng.

Kháng chiến toàn quốc Khâm Thiên cùng với Hà Nội thực hiện vườn không nhà trống bao vây quân địch.

Ngày 9/2/1942 quân và dân Khâm Thiên đã anh dũng chiến đấu chặn đứng quân địch không cho chúng tiến về Ô Chợ Dừa đánh nống ra ngoại thành. Sập gụ, tủ chè, sa lông, bàn ghế đều quăng ra đường ngăn chặn quân địch. Nhiều ả đào, gái nhảy đã xung phong nhận nhiệm vụ tiếp tế cứu thương. Đền Trung Tả trở thành trạm cứu thương của liên khu ba suốt 60 ngày.

Thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm nhiều gia đình phố Khâm Thiên nuôi giấu cán bộ. Truyền đơn, cờ đỏ luôn xuất hiện trên đường phố, tiếng súng trừ gian, diệt tề đã nổ ra ngay cạnh bốt Việt Hương.

Sau ngày giải phóng Thủ đô Khâm Thiên đã dần dần thay đổi.

Cống Tráng Khâm Thiên bẩn thỉu đã được cải tạo tu sửa. Những bãi lầy ao tù, nước đọng đã được san lấp, để mọc lên những khu nhà tập thể sạch sẽ, gọn gàng như Văn Chương, Thịnh Hòa v.v…

Nhiều cô gái nhảy, ả đào đã trở thành những người lao động thủ công thiết tha xây dựng cuộc đời mới.

Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, các chàng trai cô gái hăng hái viết đơn tình nguyện xung phong đầu quân vào chiến trường đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước.

Ngày 26/12/1972 vào hồi 22h15 phút giặc Mỹ đã đem máy bay B52 ném bom rải thảm suốt dọc phố Khâm Thiên làm chết 283 người làm bị thương 266 người, phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà và hư hỏng 1200 ngôi nhà khác.

Tội ác vô cùng dã man của giặc Mỹ khác sâu căm thù trong lòng người dân Khâm Thiên, Hà Nội và cả nước.

Đài kỷ niệm ngày 26/12/1972 nằm trên khu đất ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên. Bức tượng người mẹ xõa tóc ôm đứa con bất động mãi mãi là hình ảnh vô cùng thương tâm một sự đau xót không thể nào nguôi quên.

Vượt lên mọi đau thương mất mát phố Khâm Thiên giờ đây bằng sự lao động cần cù sáng tạo chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu đã thay đổi diện mạo hàng ngày. Con đường được mở ra rộng rãi phẳng phiu, với hai hàng cây xanh rờn tươi mát. Những ngôi nhà cao tầng với kiến trúc hiện đại đua nhau mọc lên.

Phố Khâm Thiên trở thành đường phố buôn bán sầm uất. Một trung tâm may mặc của Thủ đô. Nơi thu hút hàng ngàn lao động từ các nơi đến làm việc.

Nhiều cơ sở may mặc trong nội thành trở thành những “vệ tinh” gia công các mặt hàng quần âu, áo sơ mi, áo gió .v.v. cho Khâm Thiên, từ đây sản phẩm may mặc được tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đông Âu.

Bước sang nền kinh tế năng động và hội nhập hoạt động kinh doanh trên phố Khâm Thiên trở nên đa dạng biến động theo nhu cầu. Gần 200 cửa hàng điện máy, đồ nội thất, tân dược, văn phòng phẩm, ăn uống, dịch vụ đã được mở ra.

Đi trên phố Khâm Thiên hôm nay trong không khí đông vui, sầm uất hai bên đường san sát các cửa hiệu phong phú mặt hàng sang trọng, quý phái và lịch lãm, ta càng cảm nhận sâu sắc hai từ “Cách mạng” mà người dân Khâm Thiên đón đợi với niềm tin yêu trân trọng, khao khát và hân hoan./.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark