20/11/2012 | 10:04:00

Phố Thợ Tiện và nghề tiện Nhị Khê

Ba mươi sáu mặt phố phường

Hàng Giấy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào

Người đài các kẻ thanh tao

Qua Hàng Thợ Tiện lại vào Hàng Gai…

Căn cứ theo tài liệu cũ, phố Hàng Gai phía đầu tiếp với phố Hàng Đào, phía cuối giáp với phố Hàng Hài (đoạn đầu của phố Hàng Bông hiện nay). Phố nằm trên địa bàn của hai phường, đầu phố là phường Đông Hà, với ngôi đình Đông Hà, cuối phố là phường Cổ Vũ. Với ngôi đình Cổ Vũ hay còn gọi là đình Hoàng Ốc. Từ đầu phố đến đình Đông Hà có một quãng ngắn, người ta quen gọ là phố Hàng Tiện. Các nhà được đánh số từ phố Hàng Tiện vì ở gần sông Hồng, phía bắc là số chẵn, phía nam là số lẻ. Như vậy phố Thợ Tiện chính là từ đầu Hàng Gai đến giáp Hàng Đào hiện nay. Phố là do những người thợ gốc ở làng tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín – Hà Tây) đến buôn bán và hành nghề. Thời đó người ta dùng bàn tiện đạp hai chân làm ra các đồ thờ, các vật dụng hàng ngày như mâm, bát hay đồ chơi gỗ cho trẻ em bằng gỗ mít, xoan hoặc gỗ tạp…Cửa hàng vừa là chỗ bán vừa là nơi nhận đặt hàng sản xuất ngay tại chỗ. Về sau, nhiều người đến mở cửa hàng, cửa hiệu bán các mặt hàng khác tại đây, thế là hàng thợ tiện bị đẩy lùi sang phố Tô Tịch, Hàng Hành. Hàng Gai thậm chí xuống tận Bạch Mai. Tuy nhiên, nếu hỏi bất cứ ai ở phố Tô Tịch ngày nay thì họ đều là người Nhị Khê, họ đã làm nghề tổ trên đất Thăng Long trải rất nhiều đời. Mặc dù ở quê hương Nhị Khê đã có đền thờ tổ nghề, song những người thợ tiện đem nghề nghiệp của quê hương lên Thăng Long làm ăn, sinh sống đã cùng nhau xây ngồi đền “Nhị Khê vọng từ” để luôn luôn hướng về bản quán, về tổ nghề với lòng biết ơn sâu sắc. Phố Thợ Tiện xưa và phố Tô Tịch ngày nay chính là một phần máu thịt của làng tiện Nhị Khê, và do người Nhị Khê tạo lập lên. Thợ tiện Nhị Khê có mặt khắp nơi, nào Hải Phòng, Nam Định (có phố Hàng Tiện, Sài Gòn…song thợ tiện phố Tô Tịch vẫn nổi đình đám hơn cả.

Tìm hiểu về vị tổ người đã dạy cho dân làng Nhị Khê nghề tiện, các cụ già trong làng cho biết: Tương truyền cụ tổ sống vào thời vua Lê chúa Trịnh không biết quê chính ở đâu, làng Khánh Vân chỉ là nơi ngụ cư. Khi mới hành nghề cụ phải đào hầm để tiện ở dưới mặt đất, dần dần về sau, do cải tiến cách làm nên công việc đỡ vất vả, lại đạt hiệu quả cao. Đoàn Tài (tên cụ tổ) tiện các thứ đồ thờ bằng gỗ như bình hương, cây nến, đài, mâm bồng…sản phẩm của cụ được ưa chuộng ở nhiều nơi. Không hiểu vì duyên cớ gì không truyền được nghề tiện cho dân làng Khánh Vân, cụ đành vượt sông tô Lịch sang truyền nghề cho dân Nhị Khê. Làng Nhị Khê 9 Thường Tín – Hà Tây) xưa có tên là làng Rũi, vì có nghề tiện nên người ta gọi là làng Rũi Tiện:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về Rũi Tiện với anh thì về

Rũi Tiện có gốc bồ đề

Có sông To Lịch có nghề tiện mâm

Người làng Nhị Khê vốn khéo tay lại cần cù, chẳng bao lâu nghề nghiệp tinh xảo, nổi tiếng khắp trong nước. Nhớ ơn người đã dạy nghề cho mình, dân làng xây đền thờ tổ nghề Đoàn Tài ngay trên con đường gạch giữa làng. Đền thờ có nhiều hoành phi và đại tự: “Hữu khai tiên” (có công đầu mở mang nghề nghiệp), “Dân tiên giác” (Giác ngộ trước dân), “Viên nhi thần” (tiện tròn như thần)…điều này chứng tỏ dân chúng không chỉ tôn vinh ngưỡng mộ cụ, mà còn tự hào về truyền thống nghề nghiệp đọc đáo của mình. Họ tin rằng con cháu mai sau sẽ kế thừa và phát triển nghề này càng tinh xảo hơn. Trong chùa làng Khánh Vân, nơi Đoàn Tài trú ngụ trước khi sang Nhị Khê, vẫn còn một pho tượng thờ Đoàn Tài tác bằng đá xanh, ngồi xếp bằng, đầu choàng khăn, hai tay đặt trước bụng. Trước mặt là một bộ đồ tiện cũng bằng đá xanh gồm: một “mồm lò tiện” cao chừng một gang hình giống như chiếc cối đá loại nhỡ, miệng tròn và nhỏ, ngang thân có đường khắc lõm đều (để đặt dây quay). Bên cạnh là chiếc “Lò àn tiện” giống cái nậm đựng rượu, nhưng hai đầu đều có cổ dài ra, giữa là bầu tròn chạm nổi các hoa văn hình thoi liên tiếp. Đoàn Tài sống trên trăm tuổi song không ai nhớ năm sinh, năm mất. Sở dĩ người ta biết tuoir thọ và ngyaf giỗ cụ vì ở Nhị Khê vẫn truyền tụng câu ca dao:

Sống thì sống đủ trăm năm

Chết thì chết giữa hai nhăm tháng mười

Thợ tiện Nhị Khê đi hành nghề khắp nơi, nhưngduf có đi đầu, thì đến ngày 25 tháng 10 âm lịch mọi người đều trở về quâ hương làm lễ tế tổ, để rồi lại ra đi với niềm hy vọng nghề tiện năm sau sẽ phát đạt hơn, thịnh vượng hơn.

Xưa kia, cả làng Nhị Khê ai cũng biết làm nghề, nhà nào cũng có máy tiện, tiếng “kỳ cạch” là âm thanh quen thuộc đối với mọi thế hệ người Nhị Khê. Gọi là máy cho oai, thực ra cấu tạo của nó cực kỳ thô sơ. Máy phải đạp bằng chân với hai gióng tre lên xuống suốt ngày. Bánh xe quay làm bằng gỗ nhưng lại quay bằng dây thừng, cứ quay đi quay lại hai chiều như vậy một cách rất “thủ công”, không dùng ổ bi. Có những gia đình cải tiến đôi chút, dùng dây da thay thế dây thừng. Tuy máy móc thô sơ nhưng với tài năng khéo léo, thợ tiện Nhị Khê đã làm được nhieuf sản phẩm đắc dụng, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nhưng có lẽ , nhu cầu tiêu thụ lúc bấy giờ còn ít, bị bó hẹp trong một vùng nhỏ, cho nên mặc dù làm rất cần cù, chăm chỉ nhưng đời sống của người thợ tiện vẫn nghèo khó cùng vực, họ chỉ còn biết than vãn với trời:

Trời ơi có thấu chăng trời

Công tôi tiện đấu cho người ta đong

Tiện đấu mà chẳng được đong

Tiện bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu

Người ta đấu đổ đấu đong

Công tôi tiện đấu chẳng đong đấu nào

Và có lẽ để giải thoát khỏi cảnh bầng cùng, khốn quẫn nhiều gia đình thợ tiện Nhị Khê đã đi tìm đất làm ăn ở các đô thị lớn, nhất là ở kinh đô Thăng Long nơi cửa ngõ cận kề quê hương, vừa là nơi đi lại thuận tiện, lại vừa là đất đô hội để làm ăn. Những chủ hiệu bày bán sản phẩm do mình tự làm ra, đồng thời đặt hàng do khách yêu cầu ở Nhị Khê mang ra. Nghề nghiệp tiến triển để đáp ứng mặt hàng tiện ngày một phong phú, đa dạng như: chóp lồng bàn, quai ấm, bàn tính gạt, con song cửa, chân tủ, bàn ghế…thợ tiện Nhị Khê đã cải tiến máy chạy bằng điện được đặt trên bệ xây, như vậy là đôi chân được giải phóng, sức lao động giảm nhẹ rất nhiều, người thợ dồn hết tài năng, kinh nghiệm vào đôi tay, đôi mắt để sáng tạo ra những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao hơn mà năng suất lại lớn hơn rất nhiều. Song để thích hợp nhiều loại đối tượng như người già hoặc trẻ em và một số những mặt hàng đặt biệt để xuất khẩu, đòi hỏi sự tỷ mỉ, khéo tay, người thợ vẫn duy trì loại máy tiện truyền thống mặc dù có thay đổi tý chút như loại đạp hai chân bánh quay nhỏ hơn, loại đạp một chân bánh quay lớn hơn.

Nghề tiện xuất hiện ở Việt Nam đã nhiều thế kỷ, có lẽ rằng Nhị Khê là xuất phát điểm, nơi đầu tiên có nghề, cho nên tiếng tăm thợ tiện Nhị Khê vang rộng khắp nơi:

Liễu Tràng khéo khắc bản in

Nhị Khê thợ tiện làm nên cơ đồ./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark