19/08/2010 | 16:04:00

Phố Lê Lai

Góc phố Lê Lai. (Nguồn: Internet)

Lịch sử ai cũng biết rằng có Lê Lai thì mới có Lê Thái Tổ (Lê Lợi) làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Minh, giải phóng dân tộc. Khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã có một quyết định là sau này phải tổ chức ngày giỗ Lê Lai trước ngày giỗ ông một ngày. Do đó trong dân gian có câu “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi.”

Lê Lai (?-1418). người thôn Dựng Tú, nay là xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa. Đầu năm 1416, ông cùng anh ruột và ba con trai theo Lê Lợi khởi nghĩa.

Trên bản văn thề ở Hội thề Lũng Nhai do Lê Lợi tổ chức cùng 18 người thân tín đồng lòng, đồng sức khởi binh vào đầu tháng Hai năm Bính Thân (1416), thì Lê Lai ở ngay hàng thứ hai.

Đầu năm 1418, nghĩa quân đóng ở núi Chí Linh (nay thuộc huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) bị quân Minh kéo tới bao vây càng ngày càng đông. Bế tắc, Lê Lợi bàn cùng các tướng: “Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín xưa để ta tạm ẩn náu trong rừng, mưu tính về sau.” (Kỷ Tín là một tướng đời xưa đã giả vua xông ra phá vây và bị chết để cứu vua thoát nạn).

Lúc đó Lê Lai đã khẳng khái tình nguyện mặc áo bào, cải trang làm Lê Lợi xông ra trận. Giặc tưởng là Lê Lợi, tập trung bắt ông và giết ngay. Sau đó Lê Lợi thoát vòng vây rồi tiếp tục lãnh đạo kháng chiến đến thắng lợi và không quên sự hy sinh cao cả của Lê Lai.

Phố Lê Lai dài trên 400 mét chạy qua nhiều làng, thôn và di tích cũ. Ngay đầu đường, chỗ tiếp giáp phố Trần Quang Khải vốn là đất thôn Trừng Thanh Hạ, một trong bảy thôn đều có gốc là Trừng Thanh (Thượng, Trung, Mộc Sà, Sài Thúc…) là cánh bãi hẹp viền bờ phải sông Hồng.

Thời Pháp thuộc, chỗ đầu phố đó là “nhà đoan muối” tức nhà kho, đồng thời là nơi làm thuế muối của hải quan bấy giờ, nay trên cơ sở đó được xây dựng trụ sở Vietcombank cao tầng.

Tiếp đấy là trụ sở Thành ủy Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Vọng Hà, có tên gọi vậy vì ở đây từng có một cung điện để vua Lê, chúa Trịnh tới ngự, nhìn ra sông ( vọng = nhìn, hà = sông) để quan sát các cuộc diễn tập của thủy quân.

Tới ngã tư phố Lý Thái Tổ, phố Lê Lai vượt qua một đoạn của bức thành đất (lũy) bao bọc quanh khu Kinh kỳ. Cho tới cuối thế kỷ 19, lũy vẫn còn, thực dân Pháp đã cho bạt lũy, lấp đất, lấp các ao, hồ, xây nhà ngân hàng và khách sạn. Phố Lê Lai hình thành từ đó.

Sang bên kia đường, chỗ nay là khuôn viên Cung Thiếu nhi vốn là khu vực chùa Tàu, tức chùa Phổ Giác. Năm 1883, thực dân Pháp bắt nhà chùa chuyển về chỗ nay là phố Ngô Sĩ Liên để lấy đất xây một ngôi nhà nhìn ra phố Lê Lai làm câu lạc bộ giải trí dành riêng cho người Pháp gọi là nhà Xéc Liên hiệp (Cercle de l’union).

Chính ngôi nhà này là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 cùng đại diện chính phủ Pháp. Ngôi nhà đã được xếp hạng là một di tích lịch sử.

Kế đó là Sở Kho bạc, một trong bốn công trình mà thực dân Pháp xây trong thời gian 1886-18887 để viền lấy vườn hoa (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ). Ba tòa nhà kia là tòa Đốc lý (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) kề bên Kho bạc và bên kia đường (phố Lê Thạch) là Bưu điện và tòa Thống sứ.

Sở Kho bạc sau năm 1954 là Sở Công thương Hà Nội và Ngân hàng Hoàn Kiếm. Gần đây, hai cơ sở đó đã chuyển đi, trụ sở  trở thành một bộ phận của ủy ban nhân dân thành phố.

Tòa Đốc lý cũng thuộc về khuôn viên chùa Phổ Giác. Gọi là tòa Đốc lý là nói chung chứ ở các tòa nhà thuộc khu này ngoài nơi làm việc của Đốc lý và Phó Đốc lý, còn là nơi họp thường kỳ của Hội đồng thành phố gồm một số người Pháp (chỉ định) và một số người Việt (do những người dân có đóng thuế ở Hà Nội bầu ra) và tòa Hiệp lý.

Tòa Hiệp lý là nơi làm việc của viên Hiệp lý, một viên quan đại diện Nam triều (triều đình nhà Nguyễn) bên cạnh viên Đốc lý (người Pháp). Tới thập kỷ đầu của thế kỷ 20, thực dân bãi bỏ chức Hiệp lý này.

Đương thời có viên Hiệp lý họ Bùi rất mất lòng dân nên có câu ngạn ngữ "Thứ nhất là hổ mang hoa/ Thứ nhì Trần Tán, thứ ba Bùi Bành, (chưa rõ lý lịch của hai nhân vật này).

Năm 1945, sau đảo chính 9/3, Nhật Bản đổi gọi Đốc lý ra Thị chính. Vào tháng Năm năm đó, bác sĩ Trần Văn Lai được cử làm Thị trưởng. Vốn là người yêu nước nên ngày 19/8/1945 khi đoàn biểu tình giành chính quyền của nhân dân Hà Nội tiến vào Thị chính thì cụ Lai trân trọng đón tiếp và nộp ngay ấn tín.

Ở thời Pháp thuộc, đây là hai phố: Rue Dominé (từ phố Trần Quang Khải đến phố Lý Thái Tổ) và Rue Bon-hour (đoạn còn lại). Tên phố Lê Lai được đặt từ năm 1945./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark