12/09/2010 | 14:39:00

Phố Quang Trung

Vua Quang Trung không phải người Hà Nội nhưng là con rể của Thăng Long-Hà Nội, vợ ông chính là công chúa Ngọc Hân, con vua Cảnh Hưng Lê Hiển Tông. Ngoài ra, Quang Trung lại là người giải phóng Thăng Long-Hà Nội khỏi sự xâm chiếm của giặc Mãn Thanh.

Như vậy cũng có thể suy tôn ông là “công dân số 1” của Thăng Long thời kỳ cuối thế kỷ XVIII.

Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ là một trong những anh hùng cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ông sinh năm 1753 tại ấp Kiên Mỹ, vùng Tây Sơn hạ đạo, nay là làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Năm 18 tuổi (1771), Nguyễn Huệ đã cùng anh là Nguyễn Nhạc khởi nghĩa. Từ đó ông luôn luôn là tướng tiên phong, đánh Đông dẹp Bắc, bốn lần vào Gia Định, ba lần ra Thăng Long, lần nào cũng kinh thiên động địa, phía Nam diệt họ Nguyễn, đập tan 2 vạn quân Xiêm trên sông Rạch Gầm (lúc này ông 32 tuổi), phía Bắc diệt họ Trịnh, đập tan 20 vạn quân Thanh trong chiến dịch Đống Đa hiển hách (lúc này ông 36 tuổi).

Dẹp xong thù trong giặc ngoài, Quang Trung bắt tay vào xây dựng đất nước. Những đạo chiếu khuyến nông, cầu hiền, cùng việc dùng chữ Nôm trong việc thi cử, việc lập Sùng Chính thư viện làm nơi chứa sách cổ và dịch sách… tất cả đã nói lên sự tiến bộ trong những chủ trương của Quang Trung. Tiếc rằng, những chủ trương đó mới bắt đầu thực hiện thì ông từ trần ngày 29/7 năm Nhâm Tý, tức là ngày 15/9/1792, lúc đó mới 39 tuổi!

Phố Quang Trung dài 1.100m, đi từ phố Nhà Chung giáp với vườn hoa Tây Sơn thẳng tới ngã ba Trần Nhân Tông. Đặt tên phố như thế cũng là trùng hợp với lịch sử. Nguyên là nửa phần phố này về phía Bắc vốn là di chỉ của phủ chúa Trịnh xưa, xây dựng từ đời Trịnh Tùng (đầu thế kỷ XVII) và bị Lê Chiêu Thống sai lính đốt phá vào năm 1788. Nhưng năm 1786 khi Nguyễn Huệ ra Thăng Long lần thứ nhất để diệt nhà Trịnh, ông đã đóng quân ở đây. Và cũng ở đây, đã cử hành hôn lễ Nguyễn Huệ-Ngọc Hân vào ngày 11/7 năm Bính Ngọ tức ngày 4/8/1786.

So với bản đồ Hà Nội thì năm 1831 thì phần lớn đoạn giữa của phố Quang Trung là tường phía đông của đồn Hậu Quân (rất có thể đồn này được lập trên một phần di chỉ phủ Chúa Trịnh cũ).

Còn chỗ đầu phố thì từ đời nhà Nguyễn là trường thi Hương. Nguyên đời Lê, thi Hương ở nhiều địa điểm, lúc ở bãi sông Hồng, lúc ở phía Cầu Giấy, lúc ở cạnh Văn Miếu và một thời gian dài cuối thế kỷ XVIII trường thi Hương đặt ở Quảng Bá.

Sang đời Nguyễn, tổ chức thi trên di chỉ phủ Chúa Trịnh cũ. Đến thời Thiệu Trị (1840-1847) trong khu trường thi có xây mấy ngôi nhà gạch cho các vị phụ trách khoa thi và làm cả hàng rào.

Cũng từ đó, 3 năm mới mở một khoa gọi là Trường Hà Nội nhưng dành cho thí sinh nhiều khu vực Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội. Có khoa, do Pháp đánh chiếm Hà Nội và cả Nam Định như khoa năm 1874 nên thí sinh Trường Hà và Trường Nam phải vào thi nhờ ở Thanh Hóa. Sau khi chiếm toàn bộ Bắc kỳ, thực dân Pháp gộp 2 trường này làm một và cố định thi ở Nam Định.

Năm 1886, người Pháp cho xây trên đất trường thi cũ tòa nhà Nha Kinh lược (Kinh lược là chức quan cao cấp đặt tại Hà Nội để thay mặt triều đình Huế giao thiệp với Pháp). Năm 1897 bãi bỏ chức vụ này thì Nha Kinh lược được chuyển thành trụ sở Phòng Thương mại và Canh nông. Sau nữa lại chuyển làm Thư viện kiêm Lưu trữ của cả Đông Dương.

Ngay khu vực số nhà 2F cũng là đất Trường Thi cũ. Đó vốn là trường Bách Nghệ do thực dân Pháp lập từ năm 1898 để đào tạo các loại thợ rèn, tiện, điện và mộc. Sau thành nhà máy Điện Cơ. Còn khu nhà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì là đất thôn Liên Thủy, sau đổi là Liên Đường thuộc tổng Tiền Nghiêm tức Yên Hòa, huyện Thọ Xương. Đoạn này mới mở từ sau 1930, do lấp một phần hồ Thiền Quang. Thời đó, ngay chỗ trước cửa Trường Trung học cơ sở Quang Trung đã là vệ hồ.

Thời Pháp thuộc, phố này gọi là đại lộ Giô-rê-ghi-be-ri (Boulevard Jauréguiberry). Tên hiện nay được đặt từ sau Cách mạng./.

(Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark