28/08/2010 | 15:03:00

Phố Hàng Đồng, Hàng Rươi

Phố Hàng Rươi (Nguồn: hoankiem.vn)

Từ thời Lê Mạt, bà con làng Cầu Nôm thuộc hai dòng họ Lê - Phùng (Khoái Châu, Hưng Yên) làm nghề buôn bán đồng và đồng nát lên Hà thành, tụ tập ở thôn Yên Phú, thuộc tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương cũ, mở cửa hàng sản xuất, sửa chữa và bán đồ đồng, về sau có tên phố Hàng Đồng.

Phố dài 130m, nối từ phố Hàng Mã, đến phố Hàng Vải.

Đi dọc phố Hàng Đồng, khách phương xa như được đắm chìm trong không gian của một phố cổ có nghề từ xưa đến nay. Những người thợ trẻ đam mê công việc, có sự chỉ bảo của các nghệ nhân già với ngón nghề "gia truyền" tinh xảo.

Những lá đồng được "đàn" mỏng tang, dưới bàn tay tài hoa "như có phép tiên" tạo nên những bức tranh trên đồ đồng với hình ảnh cỏ cây, hoa lá, đất trời, sông núi, cứ theo mũi "đục" mà hiện dần lên trước sự kinh ngạc, kính phục của khách nước ngoài.

Cửa hàng Thành Lộc chuyên sản xuất các lễ vật thờ cúng bằng đồng. Tiên Huyền có thêm tranh tượng. Các cửa hàng Đức Hòa, Hoàng Ngọc, Đa Pha, Dũng Thu, Khánh Hường, Đông Ngôn Thục, Hiền Nhân, Đồ Đồng 46… mỗi cửa hàng một vẻ, cùng giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của ông cha để lại.

Giữa phố là các cửa hàng mới mở, chuyên đồ đồng, đồ sứ Phúc Lộc Thọ, hàng nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc. Cửa hàng tranh đá nghệ thuật Trầm Hương huyền ảo bởi ánh đèn trang trí, lung linh màu sắc của các loại đá quý, rubi, thạch anh, những đồ trang sức của phái nữ.

Phố Hàng Đồng ngày nay không chỉ có đồ đồng. Bà con tiểu thương còn khai thác triệt để tay nghề của người thợ, giúp họ có công ăn việc làm trong sản xuất, tăng thêm thu nhập.

Cạnh các cửa hàng sản xuất, buôn bán đồ đồng, có các cơ sở sản xuất cơ khí đồ đồng, đồ sắt, chiếm lĩnh thị trường và khẳng định thương hiệu của mình. Cơ sở sản xuất Trung Cường mua bán vật tư kim loại màu, thiết kế trang thiết bị nội thất bằng đồng, giá để ly, chân quầy bar, lan can, tay vịn, cầu thang, biển chữ đồng, suốt rèm cửa. Công ty thương mại Trường Phát chuyên kinh doanh tấm lợp độ dài bất kỳ, thiết kế thi công cửa cuốn, cửa xếp, khung nhà, thép lợp tôn chất liệu sắt và inox. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Khanh chuyên doanh kim loại màu, Hồng Triệu chuyên làm các loại mặt hàng bằng sắt.

Cũng giống như nhiều phố khác, phố Hàng Đồng năng động, phát triển đa dạng, toàn diện, có cả vẻ đẹp hoàn thiện của các mặt hàng mỹ phẩm nhập từ Pháp, Hàn Quốc. Cửa hiệu Nokia chuyên bán, sửa chữa điện thoại di động. Đầu phố là chi nhánh Ngân hàng ngoại thương.

Phố Hàng Đồng không có các cửa hàng ăn lớn, ồn ào như Hàng Gà, Lãn Ông gần đó. Nhưng có một nhà hàng giò chả Ước Lễ độc đáo, nổi tiếng Hà thành với bánh giò hấp. Hiệu phở bò Việt Hoa ở phố Hàng Đồng được xếp hạng, khách ăn xếp hàng. Tiệm cafe Phố Cổ mát mẻ bởi màu xanh của các chậu cây cảnh được tỉa tót tỉ mẩn, tạo sự chào mời tinh tế.

Nối liền phố Hàng Đồng, kéo dài lên phía Bắc tới phố Hàng Mã là phố Hàng Rươi. Phố nay dài khoảng 110m, nguyên là đất của hai thôn Vĩnh Trù và thôn An Phú, thuộc tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Trước đây cứ đến tháng 9 âm lịch hàng năm, nhiều người đến đây họp chợ bán rươi, do đó mà thành tên phố Hàng Rươi.

Trên gác nhà số 4 là một "Địa chỉ đỏ," nơi những năm 1930 là trụ sở của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng từng làm việc ở đây.

Người Tràng An vốn yêu hoa. Hà Nội có những chợ hoa, phố hoa mà ai cũng quen biết. Nhưng ở phố Hàng Rươi bà con tiểu thương làm giàu bằng mặt hàng hoa mới, hoa lạ. Hồng, quất, lay ơn, cúc, tre, bằng lăng… được tạo dáng bằng chất liệu lụa, nilông, giá rẻ, đẹp, bền, hai phần ba phố Hàng Rươi giờ đều bán.

Các cửa hàng Vân Vượng, Yến, Quỳnh Linh, Thắng Hà, Họa Mi, Trúc Anh Hiền, Hoa Tràng An, còn dạy cắm hoa nghệ thuật. Cuối phố có hiệu thời trang Lộc - Tài, Suri may, shop giầy dép, nội thất rèm cửa, cafe Hoa Long luôn tấp nập khách mua bán, làm cho phố Hàng Rươi thêm nhộn nhịp./.

(Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark