05/11/2012 | 14:18:00

Sắc màu đêm Hà Nội: Hiện đại xen lẫn cổ xưa

Đêm dần buông. Bầu trời thăm thẳm đen đặc một màu huyền bí. Vài ánh sao lẻ loi yếu ớt sáng nơi góc trời. Từ trên cao nhìn xuống đêm Hà Nội như một dòng sao đang chuyển động với muôn vàn ánh đèn điện sáng nhấp nháy. Dãy đèn cao áp sáng thành những vệt dài màu vàng, màu trắng đan chéo vào nhau trên thành phố. Dòng người qua lại dưới lòng đường, mọi sự chuyển động hài hòa trong nhịp điệu đêm Hà Nội.

Không cuồng nhiệt sôi động như đêm Sài Gòn hoa lệ, không một nét buồn kín đáo, e dè như đêm cố đô bên dòng Hương Giang, không nhỏ bé như đêm hoa đăng trong phố cổ Hội An, đêm Hà Nội có một nét riêng rất quyến rũ. Khi chiếc đông hồ lớn ở Bờ Hồ chỉ 0 giờ, nhịp thở cuộc sống vẫn thức. Hà Nội không có thời khắc nào chìm vào giấc ngủ. Hàng triệu người dân Thủ đô đã thắp lên muôn ngàn ánh sáng, sắc màu lung linh trong đêm. Những con người xây dựng thành phố đang kéo dài thời gian làm việc. Đêm là sự tiếp nối của ngày.

Cuộc đời của con người hữu hạn mà một phần ba thời gian ấy đã dành cho giấc ngủ. Sống, làm việc ban ngày chưa đủ, người ta phải sống cả về đêm. Khám phá sắc màu của đêm Hà Nội mới thấy đích thực giá trị thời gian là vàng. Đêm không ngủ của những người bảo vệ Thủ đô. Đêm miệt mài làm việc của những kỹ sư để ngày mai cho thành phố một ý tưởng sáng tạo. Sắc màu đêm Hà Nội xen lẫn giữa hiện đại và cổ xưa.

Đêm ồn ã nơi vũ trường. Đêm mờ ảo nơi quán xá, trong ly cà phê đen đặc. Đêm lãng mạn nơi chợ hoa, chợ rau. Đêm nhọc nhằn của những người quét rác. Đêm sáng đèn của những người mải mê bên trang sách. Đêm nuôi dưỡng trí tuệ của con người. Những giọt mồ hôi thầm lặng nhỏ trong đêm. Đêm im lặng nơi góc phố có những đôi tình nhân ngất ngây trong nụ hôn không biết đến sương đang lặng lẽ rơi.

Không gian đêm được thanh lọc dịu dàng hơn, tinh khiết hơn. Hương của đêm là mùi hương của tự nhiên. Mùi hương của đất gửi vào cây, vào hoa. Mùi hương của trời tỏa xuống thành những ngọn gió nhẹ nhàng mơn man mái tóc. Đêm phố Nguyễn Du nồng nàn mùi hoa sữa, đường Thanh Niên thơm ngát hương ngọc lan.

Và còn đâu đó một mùi hương mơ hồ lãng đãng đâu đây khiến ta băn khoăn, hoài nghi và tự hỏi mình. Cũng đi trên những con phố ấy vào ban ngày, bao bề bộn của cuộc sống làm ta không nhận ra. Không gian đêm đánh thức dậy những mùi hương thiên nhiên ban tặng cho đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Đêm Hà Nội nhạy cảm. Chút lạnh của đêm thu trùm xuống chợt làm cho ta nổi da gà. Giọt sương long lanh trên từng lá cây, ngọn cỏ. Sương ở xứ sở nhiệt đới hiền lành như nước mắt của bầu trời, những cơn gió thổi lá cuốn xào xạc dưới bước chân. Có những đêm, nằm trong nhà mà vẫn nghe tiếng lá khô rụng đầu hồi. Ta chợt cồn cào nhớ đến những món quà ẩm thực đêm. Khi Hà Nội còn nghèo thì văn hóa ẩm thực về đêm đã rất được thịnh hành. Hơn nửa thế kỷ trước, Thạch Lam trong cuốn "Hà Nội băm sáu phố phường" đã nói đến những món ẩm thực đêm của người Hà Nội. Đó là những hàng xôi hàng nước, "mìn páo", "giày vò", lục tàu xá, chè sen v.v... Văn hóa ẩm thực lại càng phát triển khi Hà Nội đã phồn vinh, giàu đẹp như ngày hôm nay.

Trong khu phố cổ, phố ẩm thực với những hàng phở, cháo đêm, những món ăn đặc sản của Hà Nội. Bát phở đêm bốc khói tỏa mùi thơm của hương phở miền Bắc gia truyền. Rồi đánh thêm vào đó một lòng đỏ trứng gà trần qua nước sôi. Chao ôi, thú ẩm thực của người Bắc mình mới sành làm sao! Thảo nào có nhà thơ người miền Nam "nhắm mắt vẫn còn mơ phở Bắc". Nói "ăn Bắc, mặc Nam" quả là không sai chút nào.

Và còn có những món quà đêm giản dị, rẻ tiền hơn của những người nghèo cần mẫn đạp xe bán rong khắp ngõ phố. Tiếng rao "sắn nóng đê... ê... ê" kéo dài trong đêm lan tỏa cả hơi ấm của củ sắn luộc được ủ trong lớp vải dày. Những chú bé bán bánh mì nóng giòn, những bà mẹ già bán bánh khúc, thứ bánh giã nhuyễn gạo nếp đồ với lá khúc xanh mọc ở ngoại thành. Đó là món quà dành riêng cho những cô cậu sinh viên, học sinh Hà Nội thức khuya học bài.

Du lịch đêm Hà Nội đã là một thú vui, một nguồn cảm hứng mà khách nước ngoài rất thích, còn người Hà Nội thì vẫn e dè. Không còn đâu cái nỗi ám ảnh ngày xưa mỗi lần có việc ra phố vào đêm vì ngày ấy mới 9 giờ tối đường phố đã vắng ngắt, vắng ngơ.

Bây giờ đêm đã rất khuya, vẫn còn người qua lại, vẫn còn những quán nhạc với ánh đèn dìu dịu, tiếng nhạc mở nho nhỏ mà nghe rất rõ. Ban ngày đã quá náo nhiệt, có những âm thanh về đêm mới thưởng thức được trọn vẹn. Nghe những bản ghita không lời lãng mạn, âm nhạc đã chia sẻ tâm sự với chính mình. Đêm Hà Nội lãng mạn làm sao! Đêm Hà Nội như một cô gái dịu dàng trong cảm giác "em trở về đúng nghĩa trái tim em".

Đêm Hà Nội - đêm Thăng Long. Mặt Hồ Gươm đêm phẳng lặng thanh bình như từ nghìn năm trước. Nhìn về phía Tháp Rùa, những ngọn đèn lung linh soi bóng xuống mặt hồ. Trong ánh sáng đèn đêm mờ ảo đâu đây là bóng thuyền rồng của vua Lê đi thưởng ngoạn, đâu đây bóng rùa vàng ẩn hiện. Đêm trong truyền thuyết và hiện tại, những gì nhìn thấy trước mắt như thực, như mơ. Phiêu lưu vào cõi đêm Hà Nội như ngược vòng quay của thời gian.

Vẫn còn nghe những âm thanh đồng nội: tiếng giun dế kêu, tiếng gió thổi, mơ hồ một tiếng trống điểm canh như trong văn Thạch Lam... Một Hà Nội hài hòa giữa cổ điển và hiện đại. Chiếc đồng hồ trên Bưu điện Bờ Hồ đánh dấu từng thời khắc của đêm, bước di của thời gian chầm chậm. Đêm dài... Đêm êm dịu trong khu phố cổ mơ màng. Đêm trầm mặc trong chùa Quán Thánh, tiếng gõ mõ vang lên đều đều như nhịp đập trường sinh của loài người. Đắm chìm trong đêm Hà Nội, trong mùi hương đêm huyền bí đến nao lòng. Hà Nội ơi!

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark