14/12/2012 | 10:22:00

Sông Tô Lịch - nơi đầy ắp sự tích và di tích lịch sử

Đời sống sông Tô thật phong phú. Nó chứa đầy ắp những sự tích và di tích lịch sử văn hoá.

Chảy trong địa phận Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua quận Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Tên sông tương truyền lấy từ tên một vị thần sống vào thời nhà Tấn đô hộ xứ Giao Chỉ. Đến thời nhà Đường, nơi đây là vị trí xây dựng thành Đại La. trải qua các giai đoạn lịch sử, sông Tô mang nhiều tên khác nhau: Tô Lịch, Lai Tô, Hương Bài, Địa Bảo, nhưng người Hà Nội thường gọi một cách thân thương: Sông Tô.

Tô Lịch vốn là một phân lưu của sông Hồng, đưa nước từ sông Hồng sang sông Nhuệ. Sách Đại Nam nhất thống chí (soạn giữa thế kỷ 19) có viết: "Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đông Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ."

Đoạn sông từ phố Cầu Gỗ đến đường Bưởi, nay đã bị lấp, không còn dấu tích gì. Và do đó, Tô Lịch không còn thông với sông Hồng nữa. Dòng chảy của đoạn sông đã bị lấp này theo lộ trình sau: từ Cầu Gỗ ngược lên (cống chéo) Hàng Lược, men theo đường Phan Đình Phùng (phía ngoài mặt bắc thành Hà Nội), rồi chảy dọc theo hai phố Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám ngày nay ra đến đường Bưởi (gặp đoạn sông Tô Lịch ngày nay).

Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ cầu Giấy, chảy cùng hướng với đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam tới sông Nhuệ.

Tên sông Tô Lịch do đâu mà có? Theo sách ”Việt điện u linh” thì Tô Lịch là tên một vị thủ lĩnh làng - Hà Nội - gốc (cách gọi của giáo sư Trần Quốc Vượng). Tô Lịch có nhiều công với dân làng nên khi ông mất, làng Hà Nội gốc được mang tên ông, rồi được phong là Long Đỗ Thần hay Tô Lịch Giang Thần. Về mùa mưa lũ, nước trong đồng đổ dồn vào sông Tô và thường cao hơn nước sông Hồng nên dòng nước sông Tô chảy vào sông Hồng; bọn đô hộ phương Bắc không biết nên gọi là sông ”nghịch thuỷ”; chúng đã tổ chức lễ tế Tô Lịch Giang Thần ở đền Bạch Mã và phong ông là ”Đô Phủ Thành hoàng Thần Quân”.

Trên sông Tô Lịch đã có ít nhất là 3 nơi được sử sách nhắc tới như là một địa danh lịch sử. Đó là cửa sông Tô (cửa ra) ở phường Giang Khẩu.

Vào thế kỷ VIII, IX bên bờ nam sông Tô, nhánh chảy qua vùng đất nội thành bây giờ, lần lượt xuất hiện 3 toà thành: Thành Giao Châu hay thành Giao Chỉ tức La Thành, có cửa mở ra sông Cái, gọi là Đông La Môn.

Thành thứ hai là Tử thành (Thành con) nằm trong La Thành. Đến năm 858, thành này được mở rộng, bên ngoài rào bằng tre trúc, nên có tên là thành Lặc Trúc và đều ở bên bờ sông Tô Lịch, nên gọi là thành Tô Lịch. Đây cũng là phần đất của thành Thăng Long thời Lý - Trần.

Địa danh quan trọng nhất bên bờ sông Tô, đó là ngã ba sông Thiên Phù Tô Lịch có bến Hồng Tân (vùng chợ Bười bây giờ), trên đường từ Hoa Lư về thăm quê ở Cổ Pháp, vua Lý Công Uẩn đã dừng thuyền ngự tại đây và nhận ra thế đất ”dựng nghiệp để vương cho muôn đời”. Và cũng chính tại đây, sau Chiếu dời đô, vào mùa thu, tháng bảy năm Canh Tuất (1010), thuyền ngự với chiến thuyền và văn võ bá quan hộ tống, từ Hoa Lư, vua Lý Thái Tổ đã ngược dòng cặp bến Đại La, tức bến Hồng Tân. Dân vùng Bưởi đón nhà vua với lụa là, gấm vóc và nhiều sản vật quý, sau được nhà vua ban tặng tên làng Nghĩa Đô và Bái Ân.

Từ ngày Lý Thái Tổ định đô Thăng Long và trải qua các triều Lý - Trần Lê, sông Tô Lịch có một sức sống mạnh mẽ, phong phú.

Trước hết , hai bên sông xuất hiện nhiều làng dân cư đông đúc, kinh tế phát triển, nhiều công trình kiến trúc, chủ yếu là chùa, quán và cũng tại hai triền sông Tô này, xuất hiện nhiều danh nhân văn hóa đất nước - bên tả ngạn gồm phần đất của 2 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, ngoài thành nội, còn có 61 phường thợ thủ công, dân thập tạm trại, từ Lệ Mật sang khai khẩn, trồng luá, rau, hoa; dân Kẻ Láng có sản vật húng Láng nổi tiếng suốt mấy đời nay.

Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm

Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây.

Ngoài các sản phẩm nông nghiệp, dân cư ven sông Tô còn có các nghề thủ công nổi tiếng như Nghĩa Đô, An Thái, Hồ Khẩu, Kẻ Cót có nghề làm làm giấy, trong đó giấy đó Nghĩa Đô, An Thái được triều đình dùng để viết chiếu chỉ, sắp phong. Các làng Trích Sài, Bái Ân, Nghĩa Đô có nghề dệt lụa lĩnh nổi tiếng từ ngàn xưa. Dân huyện Long Đàm xưa có nhiều làng xã nằm ven sông Tô, có các nghề nổi tiếng như dưa cà làng Gừng, kim hoàn ở Định Công Thượng, nghề làm quạt và kẹo bột bỏng gạo ở Kim Lũ, làng Ngâu có nghề nấu rượu, Tứ Kỳ làm bún đã mấy trăm năm…

Dọc hai bờ sông Tô xưa từ Bưởi đến chợ Gạo và từ Bưởi đến chợ Gạo và từ Bưởi đến Thanh Trì, Thường Tín có nhiều làng cổ, mỗi làng đếu có đầy đủ thiết chế đình đền, chùa, tính sơ bộ có tới cả trăm đình, đền chùa, miếu. Nhưng nổi tiếng nhất có đền Bạch Mã thờ Tô Lịch Giang thần, đền Quán Thánh thờ thần Trấn Võ; đến Đồng Cổ ở thôn Đông Xã, thờ thần Đồng Cổ và là nơi từ thời Lý Thái Tông, hàng năm mở hội thề. Gọi là Hội thề đền Đông Cổ: ”Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt!”. ở vùng Bưởi còn có đình An Thái thờ ông Dầu, bà Dầu, tương truyền là người hy sinh thân mình cứu thành và cứu vua Lý khỏi bệnh đau mắt; đền Voi Phục thờ Linh Lãng Đại Vương, con vua Lý Anh Tông, có công đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt, Kẻ Cót, Kẻ Mọc có rất nhiều đình , chùa thờ các nhân thần có công với nước và có các dòng hộ nổi tiếng về khoa bảng. Làng An Lãng có chùa ”Chiêu Thiền Tự” (tức chùa Láng), gắn liền với tên tuổi thiền sư Từ Đạo Hạnh, một nhà sư, một nghệ sĩ chèo.

Kim Lũ là quê hương của danh nhân văn hoá Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Thể và Nguyễn Trọng Hợp.

Vùng Thanh Liệt, Hoàng Liệt, Tam Hiệp gắn liền với tên tuổi danh tướng Phạm Tu, võ tướng trong cuộc khởi nghĩa Lý Bí, thế kỷ VI và tiên triết Chu Văn An, bậc túc nho thời Trần, người thầy giáo nổi tiếng, vị quan thanh liêm, đã dâng ”Thất trảm sớ” lên vua Trần, xin chém 7 viên quan đại thần gian tham. Trên đất trang Cung Hoàng xưa bên bờ sông Tô, Chu Văn An đã từng mở trường học dạy học; nơi đây nay là văn chỉ Chu Văn An cùng với bia trên 30 vị khoa bảng của huyện Thanh Trì. Đối diện với văn chỉ Chu Văn An, bên này sông Tô, trên đất Bằng Liệt xưa là miếu Xạ Can (Miếu trừ nạn hạn hán), gọi nôm là miếu Gàn, thờ người học trò thuỷ thần của Chu Văn An - nghe lời thầy, người học trò này đã dùng bút mực cầu đảo trời làm mưa chống hạn cứu lúa cho cả vùng. Truyền thuyết về người học trò thuỷ thần đã trở thành tín ngưỡng văn hoá của dân vùng hồ Linh Đàm. Hồ này cùng là dấu tích của sông Tô, giống như hồ Tây là dấu tích sông Hồng.

Đời sống sông Tô thật phong phú. Nó chứa đầy ắp những sự tích và di tích lịch sử văn hoá. Sau bao năm trở thành dòng sông ”chết” nay Tô Lịch đang được cải tạo để khơi lại dòng chảy vốn có - một cảnh đẹp hy hữu của Thủ đô./.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark