12/12/2012 | 09:37:00

Thanh nữ Hà Nội và “Văn hóa mặc”

Trong các cuộc tọa đàm, liên hoan tuyên truyền văn hóa ứng xử của phụ nữ tại các cấp hội phụ nữ đang được tổ chức, ngoài lời ăn, tiếng nói, một khía cạnh được đề cập đến nhiều với kỳ vọng tạo dựng lớp thanh nữ Hà Nội thanh lịch là “Văn hóa mặc”.
 
 Thực tế, phần lớn thanh nữ Hà Nội hiện nay đều biết cách ăn mặc, trong từng điều kiện, hoàn cảnh, họ biết lựa chọn cho mình cách mặc đẹp, phù hợp. Nó không chỉ tôn vinh thêm vẻ đẹp năng động, tri thức của một tầng lớp thanh niên hiện đại mà còn góp phần làm đẹp cho cộng đồng, cho xã hội... Nhưng bên cạnh những thanh nữ có ý thức gìn giữ giá trị văn hóa trong việc mặc, vẫn còn một bộ phận có những kiểu cách ăn mặc làm cho nhiều người phải giật mình “ái ngại”. Thông điệp được các cấp hội đưa ra là, mỗi người phải nên tự biết mình mặc như vậy có đẹp không và mặc như thế nào thì nên xuất hiện ở đâu cho phù hợp, bởi chuyện trang phục không chỉ dừng lại ở những sinh hoạt đời thường, mà nó phản ánh một nét văn hóa, thể hiện bản chất của con người.
 
 Nhiều người cho rằng, khi nói đến người phụ nữ Hà Nội ai cũng nghĩ đến nét đẹp dịu dàng, duyên dáng của người Tràng An. Điều đó là đúng, thế nhưng giờ đây đã xuất hiện một số nhỏ phụ nữ trẻ Hà Thành có những thể hiện phản thanh lịch, làm xấu đi phần nào hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ Hà Thành.
 
 Trào lưu ăn mặc theo phong cách của các sao Hàn, sao Anh, sao Mỹ… cũng không còn là điều lạ với các bạn trẻ. Ai cũng muốn mình thật nổi bật, ai cũng muốn mình thật “modern” và ai cũng muốn tạo cho mình một phong cách ấn tượng ở bất cứ nơi đâu, ngay cả trên giảng đường. Ngày trước, học sinh, sinh viên đến trường “trước sau như một’’ chỉ thấy ăn mặc thống nhất chuẩn theo quy định đồng phục của nhà trường, rất đẹp và lịch sự, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa trí thức tuổi học trò.
 
 Khi Bộ Gíao dục và Đào tạo đưa ra dự thảo về quy định đồng phục cho học sinh, sinh viên như mùa hè bao gồm áo sơ mi hoặc bộ áo dài truyền thống, quần Âu, giày hoặc dép có quai hậu, nếu nữ sinh sử dụng váy thì chiều dài váy phải trùm quá đầu gối. Nếu chọn áo dài làm đồng phục thì chỉ thực hiện đối với nữ sinh từ bậc trung học phổ thông trở lên… Nhiều người mừng, nhưng cũng chính học sinh, sinh viên không ít người lên tiếng phản đối bởi lý do là “không đẹp, không trẻ, không hợp mốt”. Nhưng thực tế với học sinh các trường THPT lớn ở Hà Nội, quy định của trường vẫn là mặc đồng phục, và điều đó khi được các em hưởng ứng nhìn chung đều rất đẹp.
 
 Khi nói đến văn hóa mặc như một nét ứng xử của người phụ nữ Hà Nội, nhiều người cho rằng, quan niệm về văn hóa mặc không phải là chuyện gì quá cầu kỳ phức tạp, mà nó chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận, tuân theo cách ăn mặc truyền thống chung, phù hợp với từng thời kỳ và được dư luận xã hội chấp nhận, khuyến khích. Trong quan niệm ăn mặc của thế hệ trẻ cũng có nhiều thay đổi, mặc phải chạy theo “mốt”, nhưng không vì thế mà đi ngược lại nét văn hóa chung. Trong khi việc lựa chọn kiểu cách ăn mặc là quyền của mỗi người, không có pháp luật nào quy định bắt ai phải mặc thế này hay thế kia. Thế nhưng, về tổng thể bao giờ cũng nên hướng đến những tiêu chuẩn chung nhất về cái đẹp.
 
 Một cán bộ hội phụ nữ đã nêu lên, đúng là không có một chuẩn mực nào khô cứng cho chuyện mặc, nhưng thông qua những diễn đàn, đội tuyên truyền văn hóa của phụ nữ, những người đi trước muốn hướng con em mình đến với những nét thanh lịch trong chuyện mặc của phụ nữ Hà Thành như đi học thì mặc lịch sự, đi chơi thì mặc thanh lịch, giao tiếp thì trang phục duyên dáng và ở nhà quần áo nên dễ thương. Thanh niên nói chung và thanh nữ bây giờ nói riêng là những người được học hành tử tế, chu đáo, có văn hóa, tri thức, vì vậy, trong chuyện ăn mặc càng nên luôn phải thể hiện rõ nét văn hóa, lịch sự./.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark