10/02/2012 | 10:31:00

"Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" Thành phố Hà Nội

Việc thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” phải trở thành một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố giai đoạn 2011-2020.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA
“TOÀN DÂN CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI" THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Trích kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội)


I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
- Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân Thủ đô tích cực tham gia Chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”; đồng thời trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nội dung, chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.
- Khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, bền vững, cở sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao với chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 có trên 40% số xã trên toàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 có trên 70% số xã trên toàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Yêu cầu:
- Việc thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” phải trở thành một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố giai đoạn 2011-2020.
- Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng từ thành phố đến cấp cơ sở, tới mọi tầng lớp nhân dân với các nội dung, hình thức phong phú, thiết thực theo phương châm “Phát huy nội lực là chính”, đồng thời phải có các giải pháp cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan đoàn thể, đơn vị; Gắn phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm trong phong trào xây dựng nông thôn mới; đồng thời có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu.

II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA:
1. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban MTTQ thành phố; các Cụm thi đua; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các quận, huyện, thị xã trực thuộc cần tập trung bám sát vào 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (theo Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và 11 nội dung xây dựng nông thôn mới (theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình số 02-CTr/TU ngày 29/8/2011 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 21/04/2010 của HĐND thành phố về xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng 2030 để xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng dân cư, phấn đấu đạt, vựợt và về đích sớm các mục tiêu và nội dung của chương trình mục tiêu thành phố đã đề ra.
2. Các nội dung cần đẩy mạnh thi đua là:
a. Các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, đề xuất các giải pháp hữu ích nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
b. Các hoạt động huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa, phát huy nội lực; huy động công sức, cơ sở vật chất cho xây dựng nông thôn mới.
c. Cấp huyện cần phấn đấu hoàn thành sớm, có chất lượng, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
d. Các xã phấn đấu hoàn thành sớm, có chất lượng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

III. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và kế hoạch nội dung, mục tiêu nhiệm vụ cụ thể của phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” thành phố Hà Nội.
2. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục mở các chuyên trang, chuyên mục và tăng thời lượng tuyên truyền nhằm phát hiện, biểu dương và nhân rộng những cách làm mới sáng tạo, hiệu quả, các điển hình tiên tiến về việc thực hiện thi đua xây dựng nông thôn mới.
3. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, MTTQ Thành phố; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp; các cụm thi đua; các huyện, thị xã căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ và đối tượng cụ thể có kế hoạch, biện pháp triển khai, tổ chức phát động phong trào thi đua. Việc tổ chức phát động phong trào thi đua cần được tiến hành với các nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp với mục đích yêu cầu xây dựng nông thôn mới, tránh phô trương hình thức và lãng phí.
4. Chọn địa điểm chỉ đạo phong trào thi đua: Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Thành phố chọn 2 huyện và 3 xã để chỉ đạo điểm phong trào thi đua cấp Thành phố: Huyện Đan Phượng; huyện Sóc Sơn; xã Song Phượng (Đan Phượng); xã Mai Đình (Sóc Sơn); xã Đại Áng (Thanh Trì).
- Mỗi huyện, thị xã chọn từ 3 đến 5 xã để chỉ đạo điểm phong trào thi đua cấp huyện, thị xã. UBND huyện, thị xã báo cáo danh sách đăng ký các xã chỉ đạo điểm về Sở Nội vụ (Ban Thi đua-Khen thưởng) và Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội trong quý IV năm 2011.
5. Kết thúc năm 2012: Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, MTTQ Thành phố, các huyện, thị xã chủ động tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điểm phong trào thi đua để nhân rộng mô hình trong giai đoạn tiếp theo; phân công rõ trách nhiệm cho các thành viên trong quá trình chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc giám sát việc thực hiện phong trào thi đua ở các lĩnh vực và địa bàn cụ thể.
6. Hội đồng Thi đua-Khen thưởng thành phố tổ chức các đoàn thể kiểm tra tình hình thực hiện phong trào thi đua hàng năm tại các địa phương, đơn vị.

IV. TIÊU CHUẨN THI ĐUA VÀ HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG:
1. Tiêu chuẩn thi đua:
a. Đối với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, MTTQ thành phố:
- Có đăng ký thi đua, hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn các nội dung được phân công trong xây dựng nông thôn mới; bám sát vào các văn bản hướng dẫn của Trung ương và Thành phố để tổ chức triển khai thực hiện theo lĩnh vực được giao, đồng thời căn cứ vào yêu cầu thực tiễn để nghiên cứu, đề xuất tham mưu với thành phố, với Bộ, ngành trung ương để bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thúc đẩy tiến bộ xây dựng nông thôn mới.
- Đăng ký và tham gia chỉ đạo, hỗ trợ làm chuyển biến rõ nét ít nhất 1 huyện trong xây dựng nông thôn mới.
b. Đối với các huyện, thị xã:
- Quy định số xã tối thiểu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 là 40%; giai đoạn 2016-2020 là 70%;
- Các huyện, thị xã được khen thưởng phải có tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao, đồng thời phải là huyện tiêu biểu của thành phố, nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới.
c. Đối với các xã: phải đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định và phải là xã tiêu biểu trong huyện, thị xã trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới.
d. Đối với cá nhân, hộ gia đình:
- Cán bộ, công chức, viên chức phải nỗ lực bám sát cơ sở, có các sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc xây dựng nông thôn mới.
- Đối với các doanh nhân, nhà trí thức, nhà khoa học, các cá nhân trong và ngoài nước có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, tình cảm, vật chất, các sáng kiến kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới.
- Đối với các hộ nông thôn phải có thêm thành tích về xây dựng, cải tạo nơi ở xanh, sạch, đẹp tiêu biểu, giữ gìn vệ sinh môi trường; có thu nhập khá và tham gia giúp đỡ cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.
2. Hình thức và mức khen thưởng:
a. Khen hàng năm: thực hiện theo Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND ngày 19/9/2011 của UBND thành phố Hà Nội về khen thưởng theo chuyên đề.
Ban chỉ đạo Chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân” của Thành ủy Hà Nội, khóa XV, nhiệm kỳ 2010-2015 và cơ quan Thường trực (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) căn cứ thành tích cúa các đơn vị đề nghị UBND Thành phố tặng Bằng khen về thành tích trong phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.
b. Khen thưởng tổng kết giai đoạn 2011-2015:
Khen thưởng cấp nhà nước: (theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ); hội đồng thi đua - Khen thưởng Thành phố phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình và cơ quan Thường trực (Sở NN và PTNT) xét chọn 01 huyện và 03 xã để đề nghị khen thưởng.
Khen thưởng cấp Thành phố:
- Tặng cờ xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua cho 01 huyện, 21 xã. Ngoài tiền thưởng theo quy định, thưởng 01 công trình phúc lợi trị giá 1 tỷ.
- Tặng Bằng khen cho các huyện, thị xã, xã đạt tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới.
- Tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
c. Kinh phí khen thưởng: Được bố trí từ nguồn kinh phí trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Quỹ thi đua, khen thưởng thành phố.

V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN:
Phong trào thi đua: “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến hết năm 2020 và chia làm 2 giai đoạn:
1. Giai đoạn 1 (từ năm 2011-2015):
- Năm 2011: Ban hành Kế hoạch và tổ chức phát động, đăng ký chỉ đạo điểm. Yêu cầu 100% các huyện, thị xã tổ chức phát động, đăng ký thực hiện phong trào thi đua; các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố tổ chức phát động triển khai phong trào trong phạm vi lĩnh vực, đối tượng được phụ trách. Hoàn thành việc phát động và đăng ký chỉ đạo điểm xong trong quý IV năm 2011.
- Năm 2012: Đánh giá rút kinh nghiệm chỉ đạo điểm và nhân rộng phong trào.
- Từ năm 2012-2015: Triển khai sâu rộng phong trào thi đua để thực hiện các nội dung kế hoạch. Tổ chức sơ kết ở cấp huyện, thị xã và thành phố trong năm 2015.
2. Giai đoạn 2 (từ năm 2016-2020):
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả giai đoạn 1, theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Phong trào thi đua và tổng kết vào cuối năm 2020.
....

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Trần Xuân Việt
(đã ký)

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark