08/03/2012 | 10:21:00

Về Song Phượng hôm nay

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội 25km, nằm gần trung tâm huyện Đan Phượng, vùng quê Song Phượng nghèo khó ngày nào nay như đang khoác lên mình “tấm áo mới”…

Đã bao đời nay, xã Song Phượng được biết đến là quê hương của phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” với những con người cần cù, chịu khó, sống dựa vào “tấc đất tấc vàng”. Song Phượng còn được biết đến với bàn tay tài hoa trong nghề mộc truyền thống, món kẹo lạc gia truyền đậm đà hương vị quê hương cùng nhiều phong tục, lễ hội tín ngưỡng nổi tiếng.

Về Song Phượng hôm nay, người ta không khỏi bất ngờ trước sự đổi thay của một vùng quê thuần nông với những cánh đồng trồng rau xanh mướt, những con đường giao thông nông thôn liên xã được đổ bê tông, những ngôi nhà kiên cố, cao tầng đua nhau mọc lên. Đây là kết quả của những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây trong quá trình CNH, HĐH, đặc biệt kể từ tháng 7/ 2010, khi Song Phượng bắt đầu bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới. Nếu theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, Song Phượng hơn một năm trước mới chỉ đạt 1/19 tiêu chí nhưng nay đã đạt 16/19 tiêu chí.

Với tổng số 73 dự án thành phần được phê duyệt trong đề án xây dựng nông thôn mới, Song Phượng giờ đã có 42 công trình đang thi công và hoàn thiện đưa vào sử dụng. Những tuyến đường giao thông chính tại các thôn đã được xây dựng xong, 39/51 tuyến đường xóm, ngõ đã được nhựa hóa. Hệ thống điện đường ngõ xóm, hệ thống chiếu sáng trên các trục đường chính cơ bản đảm bảo an toàn kỹ thuật, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 100%. Cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học tại các trường học ngày càng nâng cao với 3 trường học trên địa bàn xã được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế đạt chuẩn quốc gia với 1 trạm y tế hai tầng được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

Trao đổi với ông Bùi Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã, được biết, để có được sự đổi thay của Song Phượng hôm nay chính là nhờ sự đồng thuận, nỗ lực xây dựng nếp sống mới của người dân cũng như lãnh đạo chính quyền xã. Bên cạnh việc cùng có ý thức giữ gìn, bảo vệ những công trình đã được đưa vào sử dụng, người dân trong xã còn tự nguyện đóng góp gần 5 tỷ đồng để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từ sự ủng hộ này mà các tiêu chí về xây dựng nhà văn hóa; bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử; cải tạo hệ thống ao hồ, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh tôn thêm vẻ đẹp làng quê; công tác hỗ trợ cải tạo nhà ở dân cư, quan tâm thăm hỏi các gia đình chính sách… đều được Song Phượng triển khai, hoàn thành tốt.

Thế nhưng, “cái được” quan trọng hơn cả mà người dân Song Phượng đang được hưởng từ Chương trình xây dựng nông thôn mới chính là sự đổi mới trong nhận thức về phương thức làm kinh tế, chuyển đổi hình thức sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả hơn. Hiện tại, Song Phượng đã và đang triển khai các dự án phát triển kinh tế như: dự án sản xuất 32,2 ha hoa, rau sạch; quy hoạch 23,6 ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao; đầu tư hạ tầng đường giao thông nội đồng gắn với mương tưới tiêu; hệ thống điện cho khu rau an toàn và khu đồng ruộng của người dân… Mặc dù còn gặp không ít khó khăn để đạt 3 tiêu chí còn lại là tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỉ lệ hộ nghèo và chuyển dịch cơ cấu lao động nhưng với sự chuyển mình rõ nét, Song Phượng đã và đang trở thành xã gợi mở nhiều kinh nghiệm cho các địa phương bạn đến học tập công tác xây dựng mô hình nông thôn mới.

Mới đây, khi về làm việc với xã Song Phượng, ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã khẳng định: “Xã Song Phượng là một điển hình của thành phố trong triển khai xây dựng nông thôn mới vì sự đồng thuận cao trong nhân dân và những bước đi khoa học, nhiều sáng kiến trong quá trính triển khai đề án…”./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark