13/12/2012 | 16:04:00

Ẩm thực của đất Hà Thành qua những con phố

Ẩm thực ở Hà Nội đa dạng và phong phú. Nơi đây hội tụ và tập trung đủ món ăn của các vùng miền. Và có lẽ, phải sống ở mảnh đất này trong một thời gian dài thì bạn mới có thể nhớ được tên của những con phố ẩm thực.

Như một thói quen, hễ cứ muốn ăn một món gì đó là người ta lại nhớ ngay đến nơi “chuyên” bán loại đồ ăn này. Chẳng hạn như nếu muốn ăn ô mai, bạn sẽ phải lên Hàng Đường, muốn nhấm nháp lạc rang hung lìu phải ra Bà Triệu hay muốn ăn bánh cốm thì phải lên phố Hàng Than.

Thèm bát bún ốc chua cay thì hãy lên phố Cổ Ngư hay muốn uống cà phê đúng “chất” Hà thành thì hãy đến Hàng Hành. Ngõ Hàng Hành bắt đầu từ Bờ Hồ Gươm “ăn” thông sang Hàng Trống, qua ngõ Bảo Khánh. Những quán cà phê ở Hàng Hành mọc san sát nhau. Đi ngang con phố, bạn sẽ nhận thấy hương cà phê nồng nàn đến say lòng, người ta gọi đây là cà phê phố Cổ.

Những cái tên như phố Hàng Cháo, Hàng Gà hay Hàng Muối gợi nhớ trong ký ức của người dân Kẻ Chợ về một con phố chuyên buôn bán loại mặt hàng mà cái tên đã nói rõ. Nhưng cùng với sự phát triển của thời gian, có những con phố vẫn giữ nguyên dáng vẻ ban đầu, một số thì đã thay tên đổi họ và mỗi phố cũng không còn bán nguyên một loại mặt hàng như trước nữa. Đó kể cũng là quy luật tất yếu của cuộc sống. Nếu có những con phố mất đi tên gọi trước kia thì ắt hẳn cũng sẽ lại có những con phố được “sinh” ra với tên gọi mới gắn liền với ẩm thực.

Con phố đó có tên là phố “Hàng Mít”. Phố “Hàng Mít” ra đời trong cuộc sống hiện đại và nó được người Hà Nội ghi nhớ như một địa danh ẩm thực. Thực tế, chưa có một sách vở hay văn bản nào nói về con phố có cái tên này cả. Phố Hàng Mít thực ra là con phố Đào Duy Anh, nhưng chẳng hiểu tự bao giờ, hai bên đường của con phố này lại tập trung rất nhiều những hàng mít, và thế là thành “phố”.

Lý giải cho điều này, nhiều người cho rằng phố “Hàng Mít” ra đời dựa trên tập tục “buôn có hội, bán có phường”. Hễ thấy một hàng mít nằm trên phố và được đông người mua thì ắt hẳn thời gian sau sẽ có thêm nhiều hàng như vậy nữa tập trung về nơi này, vậy là có phố “Hàng Mít”.

Quả mít, thứ quà quê dân dã ấy bỗng dưng trở nên ngon hơn, ngọt hơn khi qua các đôi bàn tay khéo léo của người bán. Những múi mít to tròn, căng mọng khoe một màu vàng óng ả và dậy mùi thơm như mời gọi làm say lòng những người yêu quà quê dân dã. Có ai ngờ, thứ quả vẫn thường được mọi người dùng làm quà biếu nhau ở quê lại trở nên “đắt khách” khi vượt đường xa để làm vừa lòng những người dân phố thị.

Vào mùa mít thì không sao, nhưng vào những ngày mà ta gọi là “trái mùa”, bỗng dưng thèm múi mít chín đến lạ trong một chiều đông thì bạn sẽ phải lặn lội lên tận con phố này và chịu mua với giá khá cao. Dĩ nhiên là lúc này thì dù giá cả có không vừa lòng người mua thì ai cũng vui vẻ chịu bỏ tiền ra để chiều cái thú ăn chơi tao nhã bỗng dưng trở nên tốn kém.

Những con phố ẩm thực của Hà Nội dù là được in tên trang trọng trên những tấm biển xanh hay không được đề tên trong bất cứ văn bản nào vẫn cứ tồn tại và qua thời gian, nó là một phần làm nên văn hoá ẩm thực Hà Nội phố./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark