22/03/2010 | 18:56:00

Bằng Việt, những nhiệt năng tỏa sáng từ "Bếp lửa"

Nhà thơ Bằng Việt. (Ảnh: Internet)

Bằng Việt là người có sức lao động đáng nể trọng trên nhiều lĩnh vực: thơ, dịch, biên soạn sách. Và ẩn chứa trong sức lao động miệt mài ấy của ông là niềm đam mê, tài năng, và một bề dày văn hóa.

Bằng Việt sinh ngày 15/6/1941, tức năm Tân Tỵ. Quê gốc ở làng Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên trên văn đàn bằng tập thơ “Hương cây - Bếp lửa”, in chung với Lưu Quang Vũ năm 1968 ("Hương cây" của Lưu Quang Vũ, "Bếp lửa" của Bằng Việt), Bằng Việt đã được các thi sĩ đàn anh như Chế Lan Viên, Yến Lan, Khương Hữu Dụng, Lưu Quang Thuận…chú ý, và các nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Kỵ, Nguyễn Văn Hạnh quan tâm.

Chính Văn Cao đã vẽ bìa cho tập thơ đầu tay của hai thi sĩ trẻ này, còn Chế Lan Viên đã gợi ý đổi cái tên ban đầu, “Trái tim không bình yên” của Bằng Việt thành “Bếp lửa” cho có vẻ dung dị, gần gũi hơn; bởi chất thơ hào hoa mà đằm thắm, tinh tế mà hồn nhiên, hào sảng mà trẻ trung, tươi mới và gợi cảm, ấm áp và trí tuệ... mới là Bằng Việt, chứ không phải lối nói sách vở hay kiểu cách. Và nhà thơ Lưu Quang Thuận (bố của Lưu Quang Vũ) đã đặt tên ghép chung cho tập thơ này.

Hồn thơ ấy của Bằng Việt được giới trẻ, nhiều lớp sinh viên Hà Nội thời ấy yêu mến, chép ở sổ tay. Điển hình cho áng thơ hồn hậu, thương mến, gợi cảm xa xăm ấy là bài “Bếp lửa” (được đưa vào sách giáo khoa lớp 9), ông viết năm 1963, khi đang là chàng sinh viên Luật ở Đại học tổng hợp Kiev (Liên Xô cũ), hay bài “ Về Nghệ An thăm con ”, mà ông viết tặng một người bạn ở cùng Viện Luật học, thời ông còn chưa có vợ, có con, mà cũng chưa vào đến Nghệ An bao giờ, năm 1966.

Tri thức, kiến văn và tâm hồn thơ trữ tình giàu tưởng tượng, vốn được cộng hưởng sự truyền cảm của tâm hồn người mẹ, suốt từ những năm ấu thơ, thời gian ông cùng bà nội và ba mẹ còn ở Huế (Gia đình ông ở Huế 18 năm, khi cụ thân sinh ra ông là luật gia, còn làm ở Văn phòng giúp việc cho cụ Bùi Bằng Đoàn, Thượng thư Bộ Lễ triều Nguyễn).

Cho đến cách mạng tháng Tám, gia đình ông về lại Hà Nội, theo kháng chiến, bố ông từ đây lên chiến khu Việt Bắc... đã làm nên tư chất và phẩm cách thơ Bằng Việt. Đấy là những tháng năm mà thân mẫu đã dạy toán, dạy tiếng Pháp cho ông. Những năm cụ bà gần gũi với nữ sĩ Anh Thơ, thuộc làu Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Vân Đài, Ngân Giang, Tương Phố.

Và Bằng Việt, từ cái nôi văn hóa ấy, cho đến sau này, dù làm việc ở nhiều cơ quan khác nhau, làm nghiên cứu, làm biên tập xuất bản, bươn trải qua nhiều vùng đất, đi viết ở chiến trường trong quân số của Bộ Tư lệnh Trường Sơn cùng Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, đến khi về làm quản lý ở Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, thì trong nhiều tập thơ của ông, niềm thơ đau đáu, chủ đạo, theo suốt cuộc đời ông vẫn là Hà Nội.

Một Hà Nội: “Sông Hồng ơi! Dông bão chẳng phai màu/Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp/Chùa Một Cột đổ lên đầu giặc Pháp/Lại nở xòe trọn vẹn đóa sen/Dù nhiều điều tôi nhớ tôi quên/Nhưng Hà Nội trong tôi là vĩnh viễn” ("Trở lại trái tim mình").

Nếu thơ Bằng Việt từ "Bếp lửa" nhen lên thành nhiệt năng thơ hồn hậu, thành vóc thành hình của một người thơ tài hoa, hiển nhiên rồi, nhưng ta còn thấy có một Bằng Việt khác - rộng hơn khả năng một nhà thơ Bằng Việt trong thế hệ những nhà thơ chống Mỹ, ấy là Bằng Việt với tư cách của một dịch giả, một nhà biên soạn.

Với kiến văn, tầm văn hóa luôn chịu học, chịu đọc, chịu nghiên cứu, nghiền ngẫm... ông còn tham gia thẩm định hàng loạt tác phẩm, công trình văn hóa, văn nghệ, viết lời tựa, giới thiệu nhiều tuyển tập, tác phẩm lớn, không chỉ trong văn chương mà cả những tác phẩm, tác giả âm nhạc lớn của thế giới. Và những công trình ấy cũng có những vị trí rất đáng nể trọng trong văn nghiệp và con người văn hóa của ông.

Một Bằng Việt hiện hữu tái sáng tạo, thăng hoa trong rất nhiều gương mặt thơ tiêu biểu của Nga, của Đức, của Pháp, Ấn Độ, Hy Lạp, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ba Lan, Mỹ, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt là mảng thơ trữ tình, dường như là một thế mạnh chuyển ngữ của ông. Cao hơn thế, nó là sự đồng điệu, lay thức, chuyển hồn thơ một cách tài tình.

Qua bản dịch của ông, nhiều lứa sinh viên giờ còn lưu chép trong sổ tay một thời tươi trẻ, trong sáng của mình giọng thơ, giai điệu thơ trữ tình đằm thắm, rung động, buồn nhớ, sâu lắng của nữ thi sĩ Nga, Olga Bergholtz trong "Gửi Borix Coócnilop", "Mùa lá rụng".

“Em lại nhớ chuyện ngày quá khứ/Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ/Ngôi sao cháy bùng trên sóng Neva/Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà/Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn/Em mới hiểu, bây giờ anh có lý/Dù chuyện xong rồi, anh đã xa cách thế!/Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo…” ("Gửi Bôrix Coócnilốp").

Có lẽ vốn tiếng Nga, những năm học ở xứ sở Bạch dương thấm đẫm trong ông tâm hồn, tinh thần Nga, sự kì vĩ của những cánh đồng, thảo nguyên mênh mông chăng?

Ta đọc được từ bản dịch của ông nhiều thi sĩ lớn của thế giớ Bertolt Brecht (Đức), Paul Eluard (Pháp), Evgheni Evtushenko (Nga), Nazim Hikmet (Thổ Nhĩ Kỳ), Federico Garcia Lorca (Tây Ban Nha), Yannis Ritsos (Hy Lạp), Pablo Neruda (Chile).

Những năm 70, 80 thế kỷ trước, Bằng Việt từng cộng tác cùng nhiều nhà thơ nổi tiếng như Tế Hanh, Huy Cận, Xuân Diệu, Đào Xuân Quý, Phạm Hổ, lần lượt dịch và in các tập thơ của Pablo Neruda, Yannis Ritsos, các tập thơ Nga.

Năm 1982, ông được cử đi dự Hội nghị các nhà văn Á-Phi ở Liên Xô, sau đó dự Hội nghị Dịch thuật Quốc tế và được trao Giải thưởng về dịch thuật văn học Nga tại đây.

Năm 2003, ông in tập thơ dịch "Thơ Raxun Gamzatop", và gần nhất, năm 2005, Bằng Việt đã tuyển dịch và xuất bản tập "Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX", gồm 260 bài của 117 tác giả, ở 35 quốc gia trên thế giới. Đây là một tập thơ có tầm vóc, một công trình tiêu biểu về dịch thuật văn học của ông mà bạn đọc yêu thơ ghi nhận.

Nhân sự kiện ra đời tập thơ dịch này, nhà thơ Phạm Tiến Duật nhận xét hóm hỉnh rằng: “Với Bằng Việt, thơ dịch chỉ là một gác xép nhưng với người khác thì nó là cả một lâu đài”. Và với tập “Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX ”, Bằng Việt được Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng Giải thưởng suốt đời về thành tựu Dịch thuật, năm 2006.

Có nhiều năm làm quản lý ở Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, làm Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhưng sức lao động nghệ thuật của Bằng Việt thật trường lực.

Ông sáng tác, riêng về thơ, đã có 9 tập thơ xuất bản; ông biên soạn các tuyển tập văn học, như "Tuyển thơ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội" (từ thế kỷ X đến thế kỷ XXI), gồm hai cuốn, dày đến 2000 trang, và biên khảo tập “Kẻ sĩ Thăng Long” sắp ra mắt trong dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long–Hà Nội; ông dịch sách, viết lời tựa cho sách ở hàng trăm cuốn sách đã xuất bản.

Và đặc biệt, dù viết cho một thể loại nào, một tác giả nào, ông cũng viết với sự đánh giá công bằng, có trách nhiệm và đúng với những gì ông cảm nhận về tác phẩm đó, chứ không phải viết làm hàng, bốc thơm, như không ít người sẵn sàng viết tựa, bán tên cho kể cả những cuốn văn chương câu lạc bộ cấp phường, khóm hoặc các đại gia rủng rỉnh hầu bao, lại thích hư danh.

Chẳng hạn, Bằng Việt biên soạn và viết lời tựa rất hay cho cuốn "Kim Vân Kiều truyện", bản dịch từ đầu thế kỷ trước của Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung. Bạn bè văn chương gọi vui ông là “chuyên gia viết lời tựa”. Chứng tỏ Bằng Việt được các tác giả hoặc các nhà làm sách rất chuộng, những lời tựa mang thương hiệu Bằng Việt.

Và rất ngạc nhiên, ông viết cả một truyện ký đến hơn 300 trang về cuộc đời và sự nghiệp của thiên tài âm nhạc Mozart. Viết lời tựa cho cuốn sách do Nguyễn Thụy Kha viết về nhạc sĩ Việt Kiều ở Pháp, Nguyễn Thiện Đạo. Sự am hiểu và cảm thụ âm nhạc của ông được nhạc sĩ Phạm Tuyên đánh giá: “ Những hiểu biết về âm nhạc của Bằng Việt không thua nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp”.

Bằng Việt là thế. Ông là nhà thơ, nhà quản lý văn nghệ, nhà biên dịch, biên soạn, “chuyên gia viết tựa” có bản sắc. Vẫn thấy ông túc tắc đến cơ quan, túc tắc họp hành, túc tắc chuẩn bị những công trình văn hóa văn nghệ cho ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, túc tắc cùng bè bạn uống bia, lúc thì quán Bầu bạn, lúc ở Câu lạc bộ bia Gold Malt. Mà Bằng Việt lại uống dai, ít người sánh bằng, thế mới tài.

Nhưng sách của ông cứ ra đều đặn, các bản dịch từ tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp và các lời tựa, lời giới thiệu sách của nhiều thể loại... vẫn cứ ra đều đều thì có lạ, có đáng nể trọng sức lao động không nhỉ? Ấy là một Bằng Việt tài hoa, chịu học hỏi và chịu làm việc hết mình, con người đa diện và lấp lánh của nhiệt năng sáng tạo./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark