01/03/2012 | 10:37:00

Các đường phố Hà Nội theo vần A

An Dương

Phố: dài 650m; từ số nhà 11 và 32 của dốc An Dương đi vào đến dãy B1 khu Tập thể Du lịch.

Đất bãi phường Yên Hoa, tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (tách ra từ quận Ba Đình năm 1996).

Tên mới đặt tháng 1 - 1999.

An Dương Vương

Đường: dài 3,5km; từ ngã ba Nhật Tân - chỗ đường Lạc Long Quân gặp đường Âu Cơ - chạy trên đê sông Hồng tới ngã ba đi Chèm với đường Nam Thăng Long (mới đặt tên là đường Phạm Văn Đồng).

Đất các xã Nhật Tân, Phú Thượng, Đông Ngạc của huyện Từ Liêm trước. Nay thuộc các phường Nhật Tân, Phú Thượng, quận Tây Hồ và xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm. Cạnh đường có đình Vẽ và đình Nhật Tân - di tích lịch sử xếp hạng năm 1994.

Trước dân thường gọi: đê Nhật Tân - Phú Xá. Tên mới đặt tháng 7-2001.

An Dương Vương: Thục Phán (thế kỷ III TCN) là thủ lĩnh bộ lạc Âu Việt đất Văn Lang. Sau khi được vua Hùng nhường ngôi, ông hợp nhất với bộ lạc Lạc Việt lập ra nước Âu Lạc, đóng đô ở Kẻ Chủ (Cổ Loa) xây dựng thành Ốc để bảo vệ bờ cõi. Đền thờ ông và di tích thành cổ còn ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh bây giờ, đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá năm 1962.

An Sơn

Ngõ: ở phố Đại La (cạnh số nhà 75 rẽ vào). Đất ven thành Đại La xưa, gần ngã tư Trung Hiền, vùng Kẻ Mơ. Nay thuộc phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng.

An Thành

Ngõ: Có 2 ngõ mang tên này: An Thành 1, An Thành 2 - đều từ đường Nghi Tàm xuống bãi An Dương và xóm An Thành.

Đất phường Yên Hoa, tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (tách ra từ quận Ba Đình 1996).

Trước gọi chung là ngõ An Dương, tên mới đặt sau hoà bình.

An Trạch

Ngõ: lối vào làng cũ An Trạch còn gọi là Yên Trạch ở cuối phố Đoàn Thị Điểm. Là một thôn cũ thuộc tổng Yên Thành, huyên Vĩnh Thuận, có 3 xóm: xóm Ngoài (giáp đền Bích Câu), xóm Hồ Gò (giáp Hào Nam), xóm Tiên Thù (ở giữa phố Phan Văn Trị bây giờ).

Nay là khu dân cư thuộc phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa.

An Xá

Phố: dài 400m, từ phố Nghĩa Dũng đến câu lạc bộ khu tập thể K95, chạy song song với phố Phúc Xá ngoài bãi bờ nam sông Hồng.

Dải đất bãi bờ sông này kéo dài từ đê Yên Phụ đến cuối đường Bạch Đằng; trước kia là đất của 6 thôn Thủy Cơ, sau nhập lại thành thôn Cơ Xá. Dân gốc ở đây là từ làng An Xá (Yên Xá) trong đê, do vua Lý Thái Tổ lấy đất xây thành Thăng Long nên phải rời làng ra bãi. Nay thuộc phường Phúc Xá, quận Ba Đình.

Tên cũ dân gọi là Đường 20. Tháng 7-1999 thành phố đặt tên là phố Cơ Xá, điều chỉnh lại tên này tháng 7-2000.

Âu Cơ


Đường: dài 3km; từ ngã ba Nhật Tân - Lạc Long Quân đến ngã ba Nghi Tàm (trước khách sạn Thắng Lợi).

Nguyên là đường đê sông Hồng, chạy trên đất các làng Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên huyện Từ Liêm trước, nay thuộc phường Nhật Tân, Quảng An và Tứ Liên quận Tây Hồ. Tên mới đặt tháng 1-1999.

Âu Cơ (giống Tiên) lấy Lạc Long Quân (giống Rồng – là người khai sáng lịch sử dân tộc ta). Vua cha Kinh Dương Vương cho Lạc Long Quân cai quản đất Lạc. Bà Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng nở thành trăm con trai. 50 con theo bố về miền biển, 50 con theo mẹ lên núi. Mẹ Âu Cơ đưa con về Phong Châu (Phú Thọ), dạy con làm nương rẫy, trồng lúa ven núi, trồng dâu bên sông, đào giếng, dệt vải, ép mật, thổi cơm, làm bánh. Con cả được tôn là Hùng Vương: ông tổ dân tộc Lạc Việt.

Ấu Triệu

Phố: dài 210m; từ phố Lý Quốc Sư đến phố Phủ Doãn, chạy bên cạnh Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Đất thôn Báo Thiên tự, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ Nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là ngõ Cố đạo Lơcoócnuy (ruelle Père Lecornu).

Ấu Triệu (Bà Triệu trẻ) (? – 1910): tên do Phan Bội Châu truy đặt cho bà Lê Thị Đàn, người Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, tham gia phong trào Đông Du, Hội Duy Tân do Phan Bội Châu khởi xướng đầu thế kỷ XX. Tháng 3-1910, bà bị địch bắt, giữ vững khí tiết, cắn ngón tay lấy máu viết lên tường nhà giam kêu gọi đồng bào tranh đấu, rồi thắt cổ quyên sinh ngày 25-4-1910./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark