17/02/2012 | 11:10:00

Cái nhìn mới, đa diện về phố cổ Hà Nội

Phố cổ Hà nội với quần thể kiến trúc độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc Việt, từ lâu đã trở thành niềm tự hào của nhân dân thủ đô và cả nước. Trong nhịp sống đô thị ồn ào, náo nhiệt, khu phố cổ vẫn lưu giữ được sự lôi cuốn đối với du khách trong, ngoài nước.

Giá trị cốt lõi của khu phố cổ Hà Nội

Trong chuyến thăm Việt Nam vào hồi tháng 4/2009, Giáo sư Michael Turner, Phó chủ tịch Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO đã nhận định: “Đối với phố cổ Hà Nội, chúng ta cần xác định bảo tồn về mặt tinh thần mới là điều phải làm, chứ không phải là bảo tồn phần vỏ kiến trúc thuần tuý. Bảo tồn, quản lý là cho phép thay đổi chứ không phải cố gắng giữ gìn nó giống như trong lịch sử”. Giáo sư còn nói thêm: ông cũng nhận thấy người dân sống ở khu phố cổ đều có nhu cầu sống trong một đô thị văn minh hiện đại, muốn được tận hưởng những dịch vụ tốt nhất của một đô thị đang phát triển, và không muốn khu vực sống của mình bị coi là “một bảo tàng lịch sử”.

Phần quan trọng nhất của phố cổ Hà Nội chính là cấu trúc không gian, thể hiện mô hình cộng cư người việt của phố thị Việt truyền thống. Những con phố là một dạng siêu thị thời Trung cổ: phố hàng Nón, hàng Đậu, hàng Khoai …tất cả cộng lại thành một không gian đô thị truyền thống. Giá trị đầu tiên cần tính tới việc bảo tồn chính là gìn giữ không gian những con phố, hình ảnh chung của dãy phố, độ cao của những ngôi nhà. Quan trọng không kém là việc gìn giữ những di sản "mềm" như cách ăn, lối sống, hình thức buôn bán, nghệ thuật làm hàng… đã có cách đây hàng trăm năm. Những giá trị đặc biệt này gọi là tế bào,nó không những kể thừa dĩ vãng mà vẫn đang tiếp tục biến hóa và phát triển. Có thể nói, trong 20 năm nay, khu phố cổ Hà Nội có tới 2/3 quỹ nhà bị thay đổi.

Nói về nhà cổ thì khó có nhà nào hơn 100 tuổi.Nhưng, cần nhận thấy rằng, phố cổ Hà Nội vẫn luôn thu hút du khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây không phải để tìm ngôi nhà nào cổ hay có giá trị cổ, mà đến vì không gian của phố cổ. Từ đó, chúng ta nhận thấy rằng, điều quan trọng nhất không phải là trùng tu dăm ba cái nhà mà phải tiến hành công việc bảo tồn làm sao để tạo điều kiện tốt hơn cho cư dân ở đó. Bảo tồn phố cổ là bảo tồn di sản đô thị bao gồm các giá trị nhân văn, giá trị kế thừa.“Muốn bảo tồn một khu di tích nguyên trạng cần chấp nhận cả cuộc sống đương đại bên trong nó. Muốn bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, thì chúng ta đừng chỉ nhìn vào riêng khu phố đó mà phải nhìn rộng hơn, xa hơn. Có lẽ, cần phải làm “bình tĩnh’’ tốc độ phát triển nơi đây”.

Quan điểm mới trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị phố cổ Hà Nội

Tiến sĩ Đặng Văn Bài Nguyên Cục trưởng Cục di sản văn hoá (Bộ Văn hóa –Thể thao – Du lịch) nhấn mạnh : Bảo tồn, quản lý di sản văn hoá, nhất là khu vực phố cổ Hà Nội gặp khá nhiều áp lực. Áp lực đầu tiên là làm sao giải quyết hài hoà vấn đề bảo tồn và phát triển một cách hợp lý. Vì là Thủ đô nên việc xử lý, bảo tồn di sản luôn phải mẫu mực cho nơi khác làm theo. Thủ đô không chỉ là hội tụ mà phải toả sáng, vì vậy việc tìm ra những giải pháp tối ưu nhưng cũng là một áp lực không nhỏ.“Chúng ta nên bảo tồn, quản lý di sản nói chung và phố cổ nói riêng, qua từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn phát triển cần có một quy hoạch phù hợp. Làm sao đừng tách bạch giữa khu mới, khu cũ với khu bảo tồn và phát triển. Cần phải gắn kết chúng với nhau, hỗ trợ cho việc bảo tồn các di sản văn hoá”.

Giáo sư Hoàng Đạo Kính - Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư VN lại nêu lên quan điểm, cần tìm được sự đồng nhất trong cách làm, cách ứng xử. Ông nêu ra ý kiến: với phố cổ Hà Nội, không nên bảo tồn nó như một bảo tàng kiến trúc đô thị, không nên đặt vấn đề trùng tu, tôn tạo như một di tích lịch sử. Bởi, đây là một cơ thể đô thị, tuy già nua nhưng lại là một cơ thể đang hiện hữu, tồn tại và phát triển. Cho nên, phải làm sao khi bảo tồn, phải phát triển trong sự tiếp nối của đô thị hiện đại. Tức là thông qua con đường cải tạo. Việc bảo tồn, quản lý di sản chỉ có thể khả thi khi đủ 3 nhân tổ: bảo tồn, cải tạo, phát triển. Cải tạo là cầu nối của bảo tồn và phát triển. Trong cải tạo có nâng cấp, có thích nghi.

Giáo sư Michael Turner nêu ra quan điểm. “Muốn bảo tồn, quản lý những di sản văn hoá có giá trị một cách tốt nhất, thì chúng ta nên đầu tư xây đựng những quỹ đất phía bên ngoài khu di tích để có thể thu hút áp lực đầu tư ra xa khu vực bảo tồn” Đô thị là một dòng chảy, có quá khứ, hiện tại nhưng không nên sắp đặt, cái này ngày hôm qua, cái này ngày hôm nay, phải để nó tự nhiên lồng ghép vào nhau.
 

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark