01/03/2012 | 14:42:00

Các đường phố Hà Nội theo vần L (phần 1)

LA THÀNH

Đường: dài 2,5km; từ ngã năm Ô Chợ Dừa đến ngã ba Voi Phục - Cầu Giấy. Vốn là đoạn đường thành lũy phía nam, vòng giữa của thành Đại La, chạy dọc bên bờ bắc sông Kim Ngưu - một nhánh của sông Tô.

Trước đây, cả bức tường lũy kéo dài từ Ô Kim Liên đến ngã ba Voi Phục được gọi là đê La Thành. Năm 1964, đoạn cuối nhập vào phố Giảng Võ.

Tháng 1-1999, Hội đồng nhân dân thành phố điều chỉnh lại, cắt đoạn đê La Thành cũ, trả lại, lập thành đường La Thành. Nay thuộc các phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Gần trường Mỹ thuật Công nghiệp có lối rẽ vào chùa Thanh Nhàn, di tích đã xếp hạng năm 1989.

Đê: dài 1,8m; từ ngã năm Ô Chợ Dừa đến đầu phố Đào Duy Anh - Kim Hoa. Nay thuộc các phường Thổ Quan, Nam Đồng, Phương Liên, quận Đống Đa. Đã có quy hoạch mở rộng thành đường Vành đai 1.

La thành: hoặc Đại La thành là tên chỉ toà thành đất bao quanh trụ sở của bọn thống trị phương Bắc, xuất hiện từ thế kỷ VIII do Trương Bá Nghi đắp, sau đến Trương Châu, Cao Biền tiếp tục tôn cao và mở rộng thêm. Lý Công Uẩn khi dời đô ra thành Đại La, đặt tên mới là Thăng Long.

LẠC CHÍNH

Phố: dài 250m; chạy dọc bao phía đông bán đảo Ngũ Xã, bên bờ đông hồ Trúc Bạch.

Đất thôn Lạc Chính, tổng Yên Thành, tổng Vĩnh Thuận cũ.

Nay thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc là đường 104 (voie l04). Thời tạm chiếm: phố Vũ Phạm Hàm. Tên mới đặt năm 1964.

LẠC LONG QUÂN

Đường: dài 4km; từ ngã ba Nhật Tân - Phú Xá trên đê sông Hồng chạy dọc theo bờ tây hồ Tây đến chợ Bưởi, qua trước trụ sở Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ.

Đất các phường Nhật Chiêu (tổng Thượng), Trích Sài, Bái Ân, Yên Thái (tổng Trung), huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay đoạn đầu đường thuộc các phường Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân La, quận Tây Hồ, từ ngã ba Xuân Tảo Sở đến chợ Bưởi thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ và phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.

Trước còn có tên dân gian: đoạn cuối gần chợ Bưởi là phố Trích Sài. Tên mới đặt năm 1986.

Lạc Long Quân: thủy tổ của nước ta trong truyền thuyết. Ở sông Tô - sông Hồ xưa có con cáo chín đuôi hoành hành, hại dân. Thần Lạc Long hoá phép làm mưa, gió vây bắt hồ tinh, giao tranh ba ngày đêm, dâng nước sông xoáy thành vực mới giết được nó. Cái vực sâu sau thành đầm gọi là đầm Xác Cáo - nay là hồ Tây. Còn xóm nhà ở vùng đất cao bên hồ gọi là làng Hồ. Lạc Long quân lấy bà Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm con trai, chia một nửa theo mẹ lên rừng, một nửa theo cha xuống biển khai phá lập nghiệp. Con trưởng ở lại Phong Châu (Phú Thọ) làm vua Hùng, đặt lên nước là Văn Lang.

LẠC TRUNG

Đường: dài 870m; từ phố Kim Ngưu (bờ đông) đến dốc Minh Khai (Đường từ đê sông Hồng xuống Vĩnh Tuy – Minh Khai).

Lạc Trung là tên làng do sáp nhập hai thôn Trung Chi (hoặc Hương Thế) và Yên Lạc, thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Đường mới mở chạy qua làng. Nay thuộc các phường Thanh Lương, Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng  . Tên mới đặt năm 1990.

LAN BÁ

Ngõ: ở ngõ chợ Khâm Thiên.

Vốn là một xóm của thôn Phụng Thánh, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Trung Phụng, quận Đống Đa.

LÃN ÔNG

Phố: dài 180m: từ ngã tư phố hàng đường - Hàng Ngang đến phố Thuốc Bắc, chạy ngang qua ngã tư phố Chả Cá - Hàng Cân.

Đất thôn Hậu Đông Hoa Môn, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc các phường Hàng Đào, Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Phúc Kiến (rue des Phúc Kiến). Từ thời tạm chiếm đổi là phố Lãn Ông.

Lãn Ông (1720 -1791): gọi tắt của Hải Thượng Lãn Ông, tên thật là Lê Hữu Trác người Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là Mỹ Hào), tỉnh Hưng Yên. Sau về ở quê mẹ là huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Học rộng, nổi tiếng là danh y, từng được chúa Trịnh mời ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử (1781).

Tác giả bộ sách thuốc lớn gồm 63 quyển: Y tông tâm lĩnh, Bách gia trân tàng, Hành giản trân như và tập ký Thượng Kinh ký sự ghi lại hành trình đến Thăng Long, rất giá trị.

LÁNG

Đường: dài 4km; từ ngã tư Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở, chạy bên bờ đông sông Tô Lịch, trên đất trại Yên Lãng và phường Thịnh Quang, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ. Có chùa Láng tức Chiêu Thiền tự, một danh thắng cổ kính đất kinh kỳ, di tích xếp hạng năm 1962, mở hội Láng ngày 7-3 âm lịch. Chùa Nền và là di tích được xếp hạng năm 1992. Đây vốn là bức tường đất vòng ngoài cùng của thành Đại La xưa.

Nay thuộc 4 phường: Láng Thượng, Láng Hạ, Thịnh Quang và Ngã Tư Sở, đều thuộc quận Đống Đa.

Thời Pháp thuộc: là ngoại thành, dân vẫn quen gọi là đường Láng, thành phố đặt tên chính thức năm 1986.

Láng: tên nôm của trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ, vùng rau Kẻ Láng nổi tiếng kinh thành Thăng Long xưa. Húng Láng là đặc sản của đất này. Qua nhiều lần, lúc thuộc huyện Thanh Trì, lúc thuộc huyện Từ Liêm, mới nhập vào quận Đống Đa. Từ 3 thôn Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ, trở thành hai phường Láng Thượng và Láng Hạ.

LÁNG HẠ

Phố: dài 1,6km; từ ngã tư Giảng Võ - La Thành đến đường Láng, cắt ngang qua ngã tư phố Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng.

Đất phường Nhược Công và trại Yên Lãng, cùng thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ. Đường phố mới mở qua cánh đồng Láng Hạ, Láng Trung của xã Yên Lãng. Di tích đình Ứng Thiên ở trong ngõ phố này thờ Hậu Thổ phu nhân đã được xếp hạng năm 1992 (thuộc phường Láng Hạ).

Nay thuộc hai phường Thành Công - quận Ba Đình và phường Láng Hạ - quận Đống Đa. Cổng làng Thành Công ở bên phải đường phố này.

Tên mới đặt năm 1986.

LÁNG TRUNG

Ngõ: dài 450m, từ Ngách 107/1 đường Nguyễn Chí Thanh đến số 147 gặp ngõ 562 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Tên mới đặt: 12-2006.

Láng Trung là một trong ba làng Láng thuộc xã Yên Lãng, huyện Thanh Trì, sau chuyển sang huyện Từ Liêm rồi thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Đất Láng Trung nay thuộc hai phường Láng Thượng và Láng Hạ, quận Đống Đa, một làng trồng rau nổi tiếng với đặc sản húng Láng và hành hoa.

LÃNG YÊN

Phố: dài 800m; từ đường Bạch Đằng cắt ngang qua đường Nguyễn Khoái đến đường Trần Khát Chân.

Đất hai thôn Thanh Lãng và Hộ Yên (sáp nhập thành Lãng Yên), tổng Hậu Nghiêm, huyên Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng; còn di tích chùa Hộ Quốc của thôn Hộ Yên, xếp hạng năm 1990.

Trước đây có tên dân gian phần ngoài đê ra bến Phà Đen quen gọi là đường Phà Đen hoặc dốc Lương Yên.

LAO ĐỘNG

Ngõ: từ phố Đại La đi vào khu sau trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Đất phường Hồng Mai (sau đổi là Bạch Mai), tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc các phường Trương Định và Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng. Tên đặt sau Thủ đô giải phóng, khi hình thành khu dân cư mới ở đây.

LÂM TIÊN

Đường: dài 1,2km; từ ngã ba quốc lộ 3 đến ngã ba đường trục thị trấn Đông Anh. Thuộc xã Nguyễn Khê và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh. Tên mới đặt: 12-2006.

Lâm Tiên là tên một thôn của xã Nguyễn Khê, huyện Đông Anh, sau được cắt vào thị trấn Đông Anh.

LÊ DUẨN

Đường: dài 2,6km; từ đường Điện Biên Phủ đến ngã tư Kim Liên, cắt ngang qua phố Nguyễn Thái Học, ngã năm Cửa Nam, ngã tư Khâm Thiên. Ga Hàng Cỏ Hà Nội và Công viên Thống Nhất đều nằm trên đường phố này.

Đất các thôn Vĩnh Xương, Nam Môn thị Hoa Ngư, Tứ Mỹ, Cung Tiên (tổng Tiền Nghiêm), Kim Hoa (tổng Tả Nghiêm), huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc các phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), Văn Miếu, Khâm Thiên, Trung Phụng, Phương Liên (Đống Đa), Nguyễn Du (Hai Bà Trưng).

Trước là hai đường phố:

Thời Pháp thuộc: phố Hàng Lọng (đến ga Hà Nội) và đường Quan Lộ gồm cả đoạn trước ga quen gọi phố Hàng Cỏ - Roule Mandarine.

Sau Cách mạng: phố Hàng Lọng và đường Cách mạng tháng Tám (đến Cống Vọng).

Thời tạm chiếm: phố Đờ Lát đờ Tátxinhi (Rue De Tattre de Tassigny) và phố Kim Liên (từ ngã tư Khâm Thiên).

Sau hoà bình: đường Nam Bộ và phố Kim Liên.

Từ 1988 nhập làm một đường đặt tên mới: Lê Duẩn.

Lê Duẩn (1907 -1986): sinh ngày 7-4-1907, người xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tham gia cách mạng từ sớm, một trong những đảng viên lớp đầu. 1931 là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ, bị bắt ở Hải Phòng, giam ở Hoả Lò, Sơn La, Côn Đảo đến 1936. 1937 Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, rồi vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. 1940 bị bắt đày đi Côn Đảo, sau Cách mạng tháng Tám ông ra Hà Nội và được Trung ương Đảng cử trở về lãnh đạo kháng chiến ở Nam Bộ. 1951 được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. 1954 Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ đại hội III (1960) đến đại hội V của Đảng (1982) liên tục được bầu làm Bí thư thứ nhất, rồi Tổng bí thư của Đảng trong 26 năm liền. Ông còn là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII. Ông đã đề xuất được nhiều vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng chống Mỹ cứu nước. Mất tại Hà Nội ngày 10-7-1986./.

(Còn tiếp)


(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark