11/04/2012 | 15:21:00

Chu Lai - cuộc chiến & văn chương

Chiến tranh Việt Nam đã lùi xa gần 40 năm, rất nhiều người trở về từ cuộc chiến ấy với những câu chuyện không thể nào quên mang theo trong hành trang của mình. Trong số ấy có nhà văn Chu Lai với những câu chuyện đầy góc cạnh về cuộc chiến và của cả thời hậu chiến.

Chu Lai là con trai của nhà viết kịch nổi tiếng Học Phi. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ông là diễn viên của đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, sinh viên trường Đại học Quân y khóa I, rồi trở thành chiến sĩ đặc công hoạt động ở vùng ven đô Sài Gòn. Sau 1975, ông tham dự trại sáng tác văn học Tổng cục Chính trị và sau đó theo học Khoá I Trường viết văn Nguyễn Du, kể từ đấy ông chuyển sang nghiệp viết văn và những tác phẩm để đời cũng bắt đầu được “thai nghén” ra đời từ đây.

Mỗi người lính trở về từ mặt trận, dù còn nguyên vẹn hay đã mất một phần cơ thể thì chính họ cũng đã là những nhân chứng lịch sử xác thực nhất viết nên những bản hùng ca về cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam. Mỗi người có một cách kể lại cho các thế hệ con cháu họ về cuộc chiến và Chu Lai cũng không phải là ngoại lệ. Phải chăng có hơn những đồng đội khoác chiếc áo lính màu xanh ấy là ông đa cảm hơn và “nói dẻo hơn” (Chu Lai tự thú nhận).

Và chính nhờ cái sự “nói dẻo” ấy mà ông đã cho ra đời những tác phẩm văn học để đời như: “Nắng đồng bằng” (1978), “Vòng tròn bội bạc” (1987), “Ăn mày dĩ vãng” (1991), “Phố” (1992), “Ba lần và một lần” (1999), “Khúc bi tráng cuối cùng” (2004), “Cuộc đời dài lắm” (2001), “Chỉ còn một lần” (2006),... Đó là những bức tranh về hiện thực cuộc chiến tranh Việt Nam đầy bi tráng nhưng cũng đầy tính nhân văn.

Những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh của nhà văn Chu Lai bao giờ cũng nóng hổi, cũng ngồn ngộn những câu chuyện và cũng bề bộn những phận người đầy gai góc. Có lẽ vì thế mà nhiều người bảo văn Chu Lai “sần sùi”, “góc cạnh” và đầy cá tính như chính con người của Chu Lai.

Để giải mã cho cái sự “sần sùi”, “góc cạnh” ấy có lẽ không gì hơn bằng việc đi tìm lại chính cuộc đời của Chu Lai.

Xét trong thời điểm hiện nay, có lẽ hiếm có nhà văn nào có một bản “lí lịch” cuộc đời đầy ấn tượng như Chu Lai. Mười năm làm lính đặc công ven Sài Gòn, luôn phải đối đầu giữa cái sống và cái chết đã tạo cho Chu Lai một “bản năng sinh tồn” kì lạ. Chính vì vậy, khi bước ra khỏi cuộc chiến, trở về với đời thường, cái “bản năng sinh tồn ấy” đã đeo bám và tạo nên một cá tính đầy góc cạnh trong con người cũng như trong từng câu văn của Chu Lai.

Trong các tác phẩm của mình, Chu Lai không xây dựng hình tượng người lính thành những “siêu điển hình” hay những “tượng đài” hùng vĩ. Ông mô tả họ một cách đời thường nhất, giản dị nhất và cũng con người nhất. Người lính của Chu Lai không chỉ biết có chiến đấu vì lí tưởng, biết đấu tranh, giành giật sự sống trước bom đạn, trước kẻ thù mà cũng có những suy tư, tính toán thiệt hơn… nhưng cuối cùng họ vẫn vượt qua tất cả để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Như Chu Lai đã từng bộc bạch: “Có lẽ cái được nhất trong tác phẩm của tôi là phải đi đến tận cùng những cái con người nhất, nhưng điều quan trọng vẫn tôn vinh được hình tượng người lính. Cuộc đời có thể xô đẩy người lính, quăng quật người lính nhưng người lính vẫn bật lại để sống xứng đáng với màu xanh áo lính”.

Một trong những cá tính nữa của Chu Lai mà người đọc luôn nhận ra qua mỗi tác phẩm của ông, đó là Chu Lai luôn đẩy đến tận cùng những nỗi buồn vui của con người. Với Chu Lai, trong nghệ thuật cũng như trong văn chương, mọi cái có thể hay - dở, đúng – sai tùy vào cảm nhận và phán xét của người đọc nhưng không được “nhợt nhạt”. Bởi theo ông, sự “nhợt nhạt” của văn chương là thứ buồn tẻ nhất mà người đọc không bao giờ muốn có.

Chính cái sự “sần sùi, “góc cạnh” và không bao giờ “nhợt nhạt” ấy nên văn của Chu Lai bao giờ cũng có chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả. Người đọc yêu văn Chu Lai vì họ cảm nhận ở đó có một thứ “mùi” rất Chu Lai, không lẫn vào đâu được.

Mấy chục năm cầm bút đã giúp cho Chu Lai có được một gia tài kha khá gồm khoảng hơn chục cuốn tiểu thuyết để đời và cũng gần ngần ấy số truyện ngắn, kịch bản phim, kịch bản sân khấu... Và quan trọng hơn, nó đã để lại cho văn đàn Việt Nam thời hiện đại một dấu ấn đậm nét về mảng đề tài chiến tranh mà mỗi khi nhắc đến sẽ không ai khác ngoài cái tên “Chu Lai” ./.

Đại tá, nhà văn Chu Lai, tên khai sinh là Chu Văn Lai, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1946, tại xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, hiện đang sống ở Hà Nội. Ông là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Điện ảnh Việt Nam.
- Năm 1993 được Giải thưởng Hội đồng Văn học chiến tranh Cách mạng và Lực lượng vũ trang (Hội Nhà văn Việt Nam) với tiểu thuyết "Ăn mày dĩ vãng".
- Năm 1994 được Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng.
- Năm 1993 được Giải thưởng Nhà xuất bản Hà Nội với tiểu thuyết "Phố".
- Năm 2007 được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark