08/12/2012 | 08:39:00

Giản dị chợ làng giữa phố phường Hà Nội

Hầu hết những người bán hàng là dân tứ xứ. Họ mang đến đây không chỉ sản phẩm của làng quê mà còn mang cả dáng vẻ chân chất, lam lũ của người quê, qua những chất giọng đặc trưng.

Ở quê có chợ Làng. Ở thành phố vẫn có “chợ cóc”, chợ “chồm hổm”, một kiểu chợ làng trong thành phố. Có phần manh múm, có chút nhếch nhác, cảnh chợ này chắc rồi sẽ vơi dần cùng với sự hiện đại hoá thành phố, nhưng giờ đây vẫn tồn tại như một nhu cầu cuộc sống gắn bó với người Việt ...

Chẳng biết từ khi nào cái chợ chồm hổm ấy mọc lên trên con phố nhỏ phía sau căn nhà tập thể. Mỗi buổi sáng, từ trên ban công tầng 4 của khu chung cư, tôi thường quan sát cảnh mua bán tấp nập bên dưới một cách thích thú.

Gọi là "Chợ chồm hổm" vì nó mô tả rất thực cảnh quan của chợ: những người bán hàng và khách mua đều ngồi “xổm”, (ở các chợ lớn người bán ngồi trên sạp và người mua thì đứng). Hàng hóa bày ngay dưới đất, trên một lớp ni lông hay lớp báo nên khách mua ngồi chồm hổm. Người bán, dù có cái đòn hoặc có thể kê dép nhưng chẳng mấy khi ngồi, cứ ngồi vậy cho tiện.

Hầu hết những người bán hàng là dân tứ xứ. Họ mang đến đây không chỉ sản phẩm của làng quê mà còn mang cả dáng vẻ chân chất, lam lũ của người quê, qua những chất giọng đặc trưng.

Nhiều nhất trong chợ có lẽ là hàng rau: rau muống, mồng tơi, rau đay, rau ngót…, mùa nào thức ấy. Đa số rau được mua sỉ từ các chợ đầu mối. Nhưng cũng có người mang sản phẩm trong vườn nhà. Ngòai một sọt rau đủ lọai: cải bẹ, xà lách, tần ô, rau giút…, trên tấm ni lông dưới đất anh còn có ít cà pháo, cà tím, dăm quả mướp, chục trứng gà…Người mua hàng của anh khá đông vì giá rẻ hơn chút ít. Hay như chị Mùi bán đậu phụ, tận dốc hàng Than mà vẫn chịu khó mang hàng của nhà đến tận đây. Chị nói, phải dậy sớm hơn, đi xa hơn. Nhưng bù lại, ở đây dễ bán dễ mua. Đậu phụ Hà Nội ngon có tiếng: thơm và dẻo. Rán lên không xác. Để lâu không khô. Và giá rất rẻ: một ngàn 3 miếng to bằng lòng bàn tay, ăn mệt nghỉ. Nước đậu cũng một ngàn một bịch to đùng nhưng đặc hơn lọai sữa đậu nành lõang tọet đóng chai.

Chợ chỉ họp buổi sáng nên các lọai điểm tâm rất phong phú. Hàng tươi sống ngồi một dãy riêng biệt. Chợ nhỏ mà có đủ thứ. Các lọai cá sông như cá chép, cá trôi, cá mè, cá diếc, cá quả v.v… giãy đành đạch trên thớt, vùng vẫy lọan xạ trong thau khiến nước văng tung tóe. Cá biển cũng không thiếu: cá ngân, cá thu, cá bạc má, cá hồng… Ngòai ra còn tôm, tép, mực, sò, ốc… và đôi khi có cả cua, ghẹ, tôm tích v.v… Sau khi cân, cá được cạo nhớt, đánh vảy, làm ruột, cắt khúc v.v… Đối với lọai cá dầu bé tí bằng nửa ngón tay út, những người bán hàng tỉ mẩn ngắt từng cái đầu, bóp ruột, cắt bỏ phần đuôi… Cả mớ cá vài lạng ấy, làm nhanh lắm cũng mất mươi, mười lăm phút. Vậy mà giá chỉ ba, bốn ngàn bạc. "Lấy công làm lãi" là vậy.

Trái cây ở đây cũng đủ lọai đủ miền: đào Trung Quốc, mận Sapa, nhãn Hưng Yên, cam Vinh, chôm chôm Cái bè, sầu riêng Cai Lậy, Măng cụt Bến Tre v.v…

Ngay lối vào ngõ là hàng quần áo. Đa số là hàng Trung Quốc, cực rẻ: 15 đến 20 ngàn đồng là có một cái quần hay cái áo mặc được, thậm chí khá kiểu cách. Bên cạnh đó là đủ thứ hàng tạp hóa: khăn mặt, xà phòng, mũ, nón, giày dép, kính râm, vòng cổ, hoa tai… Không thiếu thứ gì mà giá cả lại rất bèo. Thỉnh thỏang, những người bán đồ xôn đổ xuống cả lô những sản phẩm "quá đát", lựa mỏi tay: áo lạnh, mũ len, quần gin, đồ bộ, váy đầm, giày cao gót… Giá rẻ bất ngờ nên nhiều thượng đế tần ngần mãi rồi quyết định rút ví, mặc dù có khi khuân về chẳng biết để làm gì. Gần đó là hàng gạo và đồ khô. Từ những lọai gạo sang như nàng hương, tám thơm, tài nguyên…đến các lọai gạo thường, gạo nở… Cùng các lọai đậu, miến dong, lạc nhân, trà , đường.

Một điểm đặc biệt nữa của chợ làng: Rất ít nói thách. Người bán, người mua đều quá quen nhau, thách làm gì. Người bán lấy hàng tận gốc nên giá có nới hơn. Chỉ cần kiếm mỗi ngày dăm chục lãi là đủ. Người mua nhìn những khuôn mặt sạm nắng, những bàn chân đen đúa, nứt nẻ, cảm thấy đôi chút xót xa. Thêm bớt làm gì vài trăm bạc lẻ.

Ôi ! Thân quen làm sao cái chợ làng trong phố nhỏ này./.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark