06/12/2012 | 13:14:00

Lệ Hương Ẩm – Một lệ cổ trong các làng xã Thăng Long

Lệ Hương ẩm được hiểu là tục lệ phân chia thứ bậc theo tôn ti trật tự trong làng xã phong kiến, để mỗi khi làng có việc như tế lễ, ăn uống, quan dịch, họp bàn v.v… thì theo đó mà sắp xếp.

Trong các làng của Hà Nội xưa, thường mỗi làng đều có một sổ Hương ẩm để ghi thứ tự ngôi vị cao thấp của các đinh nam trong làng sau khi họ đến tuổi trưởng thành. Và những quy định mang tính chất thứ bậc đó được ghi rất cụ thể trong nhiều bản hương ước của các làng vùng ven đô.

Thực chất của lệ Hương ẩm ở Việt Nam xuất phát từ lệ Hương ẩm tửu của Trung Quốc thời cổ đại. Lễ Hương ẩm tửu nguyên là lễ kính hiền tôn lão của Nho gia, được sách cổ của Trung Quốc ghi là “Quý tiện minh, long sái biện” (Nghĩa là: Sang hèn phân biệt, lớn bé rõ ràng). Yếu tố này về sau được các nhà cầm quyền ở một số nước chịu ảnh hưởng Nho giáo như Triều Tiên, Việt Nam triệt để vận dụng để áp chế cai trị nhân dân.

Ở Việt Nam, nhất là ở một số làng xã vùng ven đô xưa, lệ Hương ẩm được ghi cụ thể, như việc sắp xếp theo thứ tự ở chốn đình trung. Đây là những phân biệt rất chi tiết tùy theo từng làng, nhưng về đại thể thì thông thường thứ bậc cao nhất trong Hương ẩm gồm ba bàn, trong đó bàn nhất và bàn nhì là bàn của các vị lão niên hoặc có quan tước - thường làng nào trọng tước thì các bậc có quan tước thuộc bàn nhất, làng nào trọng xỉ thì các bậc lão niên thuộc bàn nhất - bàn ba là bàn của các chức sắc hương mục, sau bàn này mới đến các bàn dưới gồm các hoàng đinh, bạch đinh, cũng được phân biệt theo thứ tự tuổi tác, theo chức tước vai vế của cha ông. Theo sự phân biệt này, trong các kỳ vào đám (nhập tịch), tế thần cầu phúc - thường là vào mùa xuân hoặc mùa thu - làng chiếu theo sổ Hương ẩm để làm cỗ, những người có tên trong Hương ẩm tập trung tại đình làng, sau khi tế thần xong, ngồi theo thứ bậc đã quy định để cùng hưởng thần huệ, ăn uống hát xướng vui vẻ. Thông thường trong các cuộc lễ này đều có đọc mục lục, gồm những lời giáo huấn và lệ làng - tương tự hình thức đọc luật lệnh và giáo huấn ở thời Minh – Thanh (Trung Quốc).

Học giả Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục cũng có thoáng chút liên hệ lễ Hương ẩm tửu với lệ Hương ẩm ở nước ta và coi đây là một phong tục đẹp: “Đời cổ cấm quần tụ uống rượu, chỉ được uống rượu bốn lần vào dịp cử hành lễ Hương ẩm tửu. 1- ba năm một lần tiến cử người có tài năng lên triều đình; 2- Quan khanh đại phu thết đãi rượu những người hiền tài trong nước; 3 - Viên châu trưởng tập bắn cung tên; 4 - Ngày tế sạ trong hương đảng. Đời cổ nhân bốn dịp ấy mà lập ngôi tân chủ, đặt cơm rượu để chuyện trò vui vẻ, để dốc lòng kính nhường. Phong tục nước ta dùng ngày đầu xuân làm lễ kỳ phúc tế thần bản thổ hoặc vào mùa xuân mùa hạ hoặc vào mùa thu mùa đông. Lúc nghênh thần tống thần có đầy đủ âm nhạc, nhân dân đều nhân lễ ấy mà hội họp ăn uống. Theo thứ tự tuổi và tước, đủ cả lễ và tình, không gì là không phải rường mối lớn của đạo làm người vậy”.

Tìm trong kho thư tịch cổ viết về Hương ước, tục lệ của một số làng ven đô Thăng Long thì thấy rằng, lệ Hương ẩm được phản ánh khá rõ nét qua các hoạt động chốn đình trung.

Trong Điều lệ xã Đông Mai (thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) ghi bằng chữ Nôm, có điều quy định về ngôi hương ẩm của lính như sau: Trừ ra những người được cai trở lên, lúc chu hạn (hết hạn) đã có phẩm hàm của nhà nước rồi, tuỳ theo phẩm trật mà khao ngôi ngồi trong dân, còn những người bếp và lính đi chu hạn 6 năm đến lúc về thì được phép khao dân 10 đồng, ngồi cùng hương hào, chu 10 năm thì ngồi cùng với phó lý mua.

Hay trong Khoán ước làng Đại Lộ huyện Thanh Trì (nay thuộc xã Ninh Sở huyện Thường Tín) ghi bằng chữ Nôm cũng có điều qui định về ngôi thứ trong hương ẩm như sau:

Dân đinh trong làng ai đến 18 tuổi thì phải vào làng chịu việc quan. Ai vào trước thì ngồi trên, vào sau thì ngồi dưới. Ai đến 50 tuổi thì lên lão. Ai được thưởng phẩm hàm cùng người làm chánh phó tổng, thứ đến chánh phó lý hương tuần, thứ đến những người đi lính mãn lệ, thì được ngồi từ chiếu đệ nhất quan viên trở xuôi, kế liền chiếu các cụ năm mươi tuổi...

Trên thực tế, sự phân biệt sang hèn lớn bé được thể hiện qua chỗ ngồi trong Hương ẩm (Chiếu trên chiếu dưới, mâm trên mâm dưới) chính là sự phân chia giai cấp ở làng xã. Khi đã được vào sổ Hương ẩm, người dân theo thứ bậc mà được hưởng quyền lợi trong làng cũng như phải tham gia gánh vác việc làng, như đóng góp tiền gạo cho các kỳ tế lễ, cắt bổ quan dịch, công dịch, thuế khóa v.v… Thường là theo tỷ lệ nghịch, thứ bậc cao thì quyền lợi nhiều gánh vác ít, thứ bậc thấp thì quyền lợi ít gánh vác nhiều.

Trong bản Khoán ước xã Duyên Trường huyện Thanh Trì, nay thuộc xã Duyên Thái huyện Thanh Trì, có điều qui định về thứ vị tại đình trung như sau:

Khi tế tự, giải 4 chiếu lễ. Chiếu nhất là chủ tế, khoa mục, thủ chỉ và cụ nhiều tuổi nhất làng có giá trị và không can phạm gì. Chiếu nhì là chiếu phẩm hàm, hương lão, tư văn. Chiếu ba là chiếu các cụ năm bàn trở lên và hội đồng lý dịch. Trong đình, gian trong trước hương án mấy chiếu chủ tế và đại khoa. Long đình trong bên tả là chiếu mấy Cử nhân, Tú tài, Tham biện phẩm hàm về văn giai, kỳ mục hội đồng, bên hữu là chiếu phẩm hàm thì được ngồi trên giường cầu. Long đình giữa, tả tư văn, hữu thượng lão. Long đình ngoài, hữu sáu bàn, tả tứ phiên...

Nhận định về những vấn đề hương thôn liên quan đến lệ Hương ẩm, tác giả Pierre Gourou trong sách Người nông dân châu thổ Bắc kỳ đã nhận xét rất chính xác về điều này: “Vấn đề cơ bản chi phối đời sống chính trị của làng và là mối quan tâm của mọi dân làng là sự sắp xếp ngôi thứ trong làng”. Chính vì vậy, trải nhiều thế kỷ, giai cấp thống trị nước ta - từ cấp làng xã đến quốc gia - đã triệt để sử dụng công cụ này để áp chế nhân dân.

Qua thực tế ở các làng xã Thăng Long thời phong kiến thì thấy rằng, lễ Hương ẩm tửu ở Việt Nam đã không còn rõ rệt tinh thần của một nghi lễ nữa mà được chuyển hóa thành một tục lệ bao trùm lên toàn bộ đời sống chính trị xã hội chốn hương thôn. Tuy vẫn mang đầy đủ các nội dung kể trên, nhưng nó đã được kết hợp chặt chẽ với luật bổ hạng của nhà nước để tiện quản lý thuế khóa công dịch và đặc biệt nhấn mạnh tinh thần “quý tiện minh, long sái biện”, tức là nhấn mạnh sự sắp xếp thứ bậc tôn ty trong làng nhưng theo cách của người Việt. Càng về sau lệ Hương ẩm càng diễn biến mở rộng theo chiều hướng trở thành một lệ định chặt chẽ về ngôi thứ nơi đình trung.

Khoán ước lập vào năm Cảnh Trị 8 (1670) của xã Dương Liễu, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai quy định “Người nào bỏ bễ quan dịch thì không kể tuổi tác thế nào, bắt ngồi xuống hàng kém 12 tuổi”.

Trong bộ Quốc triều hình luật toát yếu - một bộ luật được biên soạn và ấn hành vào niên hiệu Duy Tân 2 (1908) có đoạn ghi như sau: “Phàm thứ tự tuổi tác nơi hương đảng (đối với thứ bậc chỗ ngồi thường ngày) và trong lễ Hương ẩm tửu (đối với nghi lễ khi hội họp ăn uống) đều đã có quy định cách thức, kẻ nào làm trái phạt 50 roi.”

Từ những qui định thứ bậc của lệ Hương ẩm đã gây ra không ít phiền nhiễu. Và có nhà văn đã viết rằng: Cái câu “Hương đảng tiểu triều đình” cùng “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” luôn luôn ở cửa miệng. Có nhiều người hết cơ hết nghiệp vì một việc tức khí nơi hương thôn. Có nhiều người khánh kiệt gia tài vì một bữa Hương ẩm. Ngoài cái làng ra không còn biết nước nhà là gì, thế giới là gì. Vì vậy mà tư tưởng cục cằn, kiến văn chật hẹp. Mấy lũy tre nơi đầu làng đã là cái khám nhốt người ta rồi. Không những không có người nào ra ngoại quốc học tập làm ăn, mà ngay đến trong nước, mỗi tỉnh mỗi xứ cũng coi như một thế giới riêng.

Tuy vậy lệ Hương ẩm nơi các thôn làng Việt Nam trong một chừng mực nào đó cũng có những ưu điểm của nó như đem lại sự bình ổn, nền nếp trong quan hệ cộng đồng, hình thành được nề nếp kính trên nhường dưới.
Ngày nay, đất Thăng Long đã phát triển mạnh mẽ trong thế rồng bay, những nét văn hoá cổ truyền tốt đẹp vẫn được lưu giữ đâu đó trong mỗi nếp nhà, trong mỗi ngôi đình của người Hà Nội. Lệ Hương ẩm với những phân biệt thứ bậc sang hèn, ngôi vị phiền nhiễu đã không còn tồn tại, nhưng những nét đẹp kính trên nhường dưới, hay tôn trọng người cao tuổi (trọng xỉ) vẫn được người Hà Nội lưu giữ và phát huy.
 

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark