05/12/2012 | 13:12:00

Nhiếp ảnh Hà Nội xưa và nay

Những bức ảnh về Hà Nội xuất hiện lần đầu ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 do người Pháp chụp, cảnh họp chợ, các gia đình quan lại, phủ khâm sai, chợ Đồng Xuân hay ga Hàng Cỏ, cầu Long Biên.v.v.. hiện còn lưu trong các kho lưu trữ ở Paris hoặc ở thư viện XHXH Hà Nội.

Còn theo sử sách thì người Việt Nam mở hiệu ảnh đầu tiên tại phố Thanh Hà Hà Nội chính là danh nhân Đặng Huy Trứ, chủ cửa hàng ảnh “Cảm hiếu đường”, Cụ Trứ được ghi vào danh sách các danh nhân Việt Nam, là ông tổ của nhiếp ảnh Việt Nam.

Hà Nội và Sài gòn là hai Thành phố Việt Nam đầu tiên có các cửa hàng, cửa hiệu chụp và làm ảnh, sau đó mới tới Hải Phòng, Đà Nắng, Huế. Cứ nhìn vào mức độ thị hoá là thấy sự phát triển của nghề ảnh, ban đầu và ở đâu cũng là nhiếp ảnh dịch vụ. Dịch vụ ảnh xuất phát từ nhu cầu văn hoá tinh thần.

Vì thế, ảnh hưởng lớn từ điều kiện vật chất. “Nghề chơi tốn tiền và công phu” này có ở những nơi đông người, nhiều nhà cửa nơi ưa chuộng việc lưu giữ kỷ niệm Hà Nội về bạn bè, nơi xuất phát cho các chuyến đi xa gần, nơi có nhiều bến cảng, sân bay và nhà ga. Việc xuất hiện ngày càng nhiều các tiệm làm ảnh đã sinh ra lớp thợ ảnh, ban đầu là làm thuê, học việc sau dần thành chủ hiệu.

Một số các thợ ảnh Hà Nội đúng vào dịp khởi nghĩa ở Hà Nội đã vô tình trở thành những người làm văn hoá tuyên truyền. Họ cùng với nhân dân tham gia giành chính quyền, dự mít tinh, chụp cảnh Hà Nội ngày mồng 2 tháng 9 .v.v.. Tiểu sử các nhà nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đầu tiên thường có đoạn như vậy, họ hầu như không được học hành bài bản, mà từ sự ghi lại những gì họ nhìn thấy và khiến họ quan tâm. Hà Nội kháng chiến, Hà Nội cử người ra chiến khu Việt Bắc, chống Pháp và Hà Nội Nam tiến.v.v.. dần dần tạo ra lớp nhà nhiếp ảnh tài liệu, báo chí, phục vụ rất đắc lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng thủ đô (tháng 10/1954). Hà Nội khôi phục kinh tế và xây dựng CNXH, Hà Nội vừa chống lại chiến tranh phá hoại của Mỹ, lập nên chiến thắng B52, cử người vào Nam tham gia nhiếp ảnh giải phóng… là những yếu tố để nhiếp ảnh Hà Nội phát triển.

Hà Nội trước và sau năm 1954 có những tên được nhắc đến như: Đỗ Huân, Nguyễn Như Kiên, Võ An Ninh, Trần Lợi, Nguyễn Mạnh Đan, Nguyệt Diệu và Nguyễn Bá Khoản, Đinh Đăng Định. Thời chiến tranh là các nhà nhiếp ảnh Mai Nam, Đinh Quang Thành, Lê Minh Trường, Đặng Trần Phương, Bùi Đình Tuý, Lâm Hồng Long, Vũ Đình Hồng, Văn Bảo, Trọng Thanh.v.v..

Hà Nội hiện tại đã mở rộng diện tích, so với năm 1954 gấp tới hơn 100 lần. Làng nghề ảnh Lai Xá (Hà Đông cũ) nay thuộc về Hà Nội , kinh tế Hà Nội phát triển đã thúc đẩy sự phát triển của ngành ảnh. Năm 1989, vào đầu thời kỳ đổi mới, ở Hà Nội có 02 máy minilab làm ảnh. Nay hầu như ở các phố lớn đều có, dễ có tới hơn 100 cửa hàng làm ảnh kỹ thuật số. Xưa, cách vài chục năm, khó tìm ra nơi sửa chữa và bán các loại máy ảnh hiện đại, quanh quẩn chỉ có máy ảnh của Đức, của Nga, còn hôm nay, nếu trên mạng chào bán loại máy KTS vài ngàn USD là hôm sau ở Hà Nội đã có người đặt mua rồi.

Hà Nội hiện là nơi đặt nhiều trụ sở các cơ quan báo chí và xuất bản, là nơi làm việc và giao dịch với vài trăm phóng viên nhiếp ảnh. Hãy nhớ lại Đại hội lần thứ nhất Hội NSNA Việt Nam (tháng 12/1965) chỉ có 71 người. Nhiều người nay đã mất nhưng sau họ là lớp nhà nhiếp ảnh mới. Hội NSNA Việt Nam nay có gần 1000 người trong đó một nửa là người Hà Nội hoặc đang làm việc ở Hà Nội. Hội nhiếp ảnh Hà Nội hiện có 15 chi hội và câu lạc bộ trực thuộc. Tại đây mỗi năm đều có vài cuộc triển lãm ảnh. Gần đây nhất là cuộc triển lãm “Hà Nội hôm nay” trưng bày hơn 150 ảnh được chọn lọc từ gần 1500 ảnh của các nhà nhiếp ảnh cả nước gửi đến.

Từ nhu cầu tuyên truyền và sáng tạo nghệ thuật qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là cái nôi tạo nguồn phát triển nhiếp ảnh ra khắp nước. Các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Hồng, miền núi phía Bắc và Bắc miền trung đều phát triển nhờ sự tạo thế và học được từ các tổ chức, các nhà nhiếp ảnh Thủ đô. Tại Hà Nội, từ hơn 10 năm nay đã xuất hiện ban đầu là bộ môn sau là khoa nhiếp ảnh hệ đại học chính quy mà những người sáng lập là các nhà nhiếp ảnh Hà Nội từng được đào tạo bài bản về nhiếp ảnh tại các nước Liên Xô (cũ), CHDC Đức. Qua hơn 10 năm đã cho ra trường các cử nhân nhiếp ảnh phục vụ tốt cho nhiều tờ báo, NXB ở Trung ương.

Năm 2009 sắp kết thúc, giới nhiếp ảnh đang tiếp tục sáng tác và chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm. Sẽ có nhiều tác phẩm ảnh đẹp, dự kiến 1000 bức trưng bày ở Trung tâm Hà Nội, sẽ có nhiều cuốn sách ảnh giới thiệu vẻ đẹp văn hoá lịch sử và phong cách của người Hà Nội, và chắc chắn là nhiều cuộc trưng bày ảnh của cá nhân, nhóm tác giả, các CLB nhiếp ảnh, có sự bảo trợ của Hội NSNA Việt Nam, Hội nhiếp ảnh Hà Nội .v.v… Năm 2010, tháng 8 vào thu, tại Hà Nội còn diễn ra một sự kiện lớn về nhiếp ảnh có tầm cỡ quốc tế: Đại hội lần thứ 30 Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới (FIAP) do Việt Nam đăng cai.

Cửa hàng ảnh của người Việt Nam đầu tiên đặt ở phố Thanh Hà (Hà Nội) 1869 cho đến nay 2009 là khoảng thời gian không dài, cũng không quá ngắn nhưng là nơi xuất phát của một đội ngũ sáng tác tạo ra được triệu triệu bức ảnh về sự phát triển của một vùng đất có lịch sử gần 1000 năm. Đấy là Thăng Long – Hà Nội…

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark