05/12/2012 | 11:01:00

PGS, TS Hà Đình Đức và cái nghiệp với Rùa Hồ Gươm

Một trong những niềm tự hào của những ai từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội là Hồ Gươm hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm bên cạnh Tháp Rùa với cầu Thê Húc cong cong... Ở đó còn có Rùa Hồ Gươm, một cá thể rùa đặc biệt, được coi là hiện thân của truyền thuyết trả gươm báu của Vua Lê Lợi. Nói đến hồ Hoàn Kiếm, nói đến Rùa Hồ Gươm, không thể không nhắc đến một nhà khoa học khả kính, PGS., TS. Hà Đình Đức.

Trong căn phòng chừng hơn 20 mét vuông trên ngôi nhà 3 tầng nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở phố Kim Ngưu, Hà Nội, tôi có dịp trò chuyện với ông về chuyện đời, chuyện nghề của ông. Nguyên là Giảng viên cao cấp, Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng lòng đam mê với Hà Nội, với Rùa đã khiến không ít người tưởng nhầm ông là một chuyên gia lịch sử chứ không phải người chuyên nghiên cứu về khoa học tự nhiên.

Cứ mỗi lần nói đến Rùa Hồ Gươm, nói đến bảo vệ môi trường của con hồ - trái tim của Hà Nội này, người ta lại nghĩ đến ông. Cũng không biết bao nhiêu lần ông lên truyền hình, trả lời phỏng vấn báo chí. Người ta ai cũng thấy ở ông có sự giản dị, gần gũi. Chẳng thế mà ông được gọi thân mật là "Giáo sư Rùa".

Tiếp chuyện tôi nhưng PGS., TS. Hà Đình Đức không thể rời tay khỏi bàn phím máy tính. Chốc chốc ông lại lật giở vài quyển sách xung quanh rồi gật gù tỏ vẻ tâm đắc. Điều ngạc nhiên nhất đối với tôi khi ngồi trò chuyện cùng với ông là sự nhanh nhẹn, trí nhớ tuyệt vời và giọng nói rõ ràng, rành mạch - điều mà khó thấy ở những người đã bước vào cái tuổi 70. Trong số hàng trăm quyển sách xếp ngay ngắn trên kệ tủ và chồng chất dưới sàn nhà, thì 80% trong số đó là sách về Rùa, số còn lại là sách viết về Hà Nội, văn hóa, lịch sử và những loại sách sinh học, khoa học khác. Điều đó đủ để thấy ông đã dành nhiều công sức cho Rùa Hồ Gươm đến thế nào.

Sinh ra ở Thanh Hóa nhưng sống và làm việc tại Hà Nội đã 52 năm. Từ nghiên cứu Rùa Hồ Gươm, PGS, TS. Hà Đình Đức đi sâu nghiên cứu không gian văn hóa Hồ Gươm, về lịch sử văn hóa Hà Nội và luôn luôn trăn trở suy nghĩ về lịch sử văn hóa Hà Nội. Tự thân PGS., TS. Hà Đình Đức đã thấy quá gắn bó với cái nghiệp này. Chưa bao giờ ông cảm thấy nao núng, mệt mỏi về công việc, về sự đấu tranh bảo vệ cảnh quan, loài rùa Hồ Gươm và các di tích văn hóa lịch sử Hà Nội. Hơn 20 năm nghiên cứu Rùa Hồ Gươm, văn hóa Hồ Gươm, ông có rất nhiều kỷ niệm nhưng sâu sắc nhất là đợt cứu chữa thành công Rùa Hồ Gươm năm 2011.

Đặc biệt, ông là người báo động loài rùa tai đỏ - loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện ở Hồ Gươm… cùng rất nhiều hoạt động khác. Nói về sự nghiệp nghiên cứu rùa của ông, Sách kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2010 đã thống kê: PGS. Hà Đình Đức là người có tới 6 công trình nghiên cứu cấp Quốc gia về Hồ Gươm, đã trả lời 106 cuộc phỏng vấn của các hãng thông tấn nước ngoài những vấn đề liên quan đến rùa và Hồ Gươm. Đến nay, đã có hơn 560 bài báo viết về ông với Hồ Gươm. Và ngay bản thân ông cũng đã viết tới 200 bài và tin về rùa Hồ Gươm…

Ghi nhận những nghiên cứu, đóng góp của ông trong công cuộc bảo vệ Rùa Hồ Gươm và văn hóa lịch sử thủ đô, Thành phố Hà Nội đã quyết định xét tặng ông danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú” năm 2012. Ngoài ra, ông đã nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007; Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010; Đồng tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012; hai lần được UBND Thành phố công nhận danh hiệu "Người tốt, việc tốt"… Ông cũng là người nêu ý tưởng xây cột mốc "km 0" tại Hồ Hoàn Kiếm, đồng thời, đưa ra nhiều đề xuất như tôn tạo khu tưởng niệm vua Lê; tổ chức lễ hội ngày đăng quang vua Lê Thái Tổ; dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đề nghị đặt tên Đào Cam Mộc - người có công đầu tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi vua - cho một đường phố ở Thủ đô.

Ở độ tuổi 72, người ta vẫn thấy ông đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, vẫn hàng ngày dõi theo Rùa, đóng góp công sức bảo vệ Hà Nội xanh, gìn giữ nét văn hóa riêng có của Thủ đô nghìn năm văn hiến./.

(hanoi.gov.vn)

Bản để in Lưu vào bookmark