07/12/2012 | 16:16:00

Những ca khúc thấm đẫm tâm hồn về Hà Nội

Chưa có địa danh nào trên cả nước có số lượng ca khúc nhiều và hay như Hà Nội. Những giai điệu, lời ca cứ tự nhiên thấm đẫm tâm hồn con người...

Trong những ca khúc viết về Hà Nội, có lẽ “Người Hà Nội” của nhà văn, nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi đã ghi được dấu ấn không phai mờ trong ký ức của bao nhiêu con người với ca khúc - bản hùng ca ngợi ca Hà Nội và những dấu ấn lịch sử lên con người và thành phố, bắt đầu từ cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh.

Nhạc sĩ Nguyễn Đinh Thi sáng tác bài hát này đầu năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa mới nổ ra được ít ngày, sau khi cả Hà Nội đã vùng lên chiến đấu theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cố Nhà văn Nguyễn Đình Thi kể lại: Bài Người Hà Nội tôi viết vào đầu năm 1947, dịp gần Tết. Khi đó Hà Nội còn đang chiến đấu rất quyết liệt. Tôi rời Hà Nội ra ngoại thành đúng vào đêm 19 tháng Chạp tức đêm ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội.

Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và Hà Nội bốc cháy - một cảnh tượng rất hùng vĩ mà sau đã xuất hiện trong bài hát "Hà Nội cháy, khói lửa rợp trời...". Tự nhiên trong đầu óc tôi vọng lên những nhịp pháo gầm, những tiếng súng và bầu trời Hà Nội cháy hiển hiện trở lại. Tứ nhạc cứ thế hiện ra.

Trong các nhạc sĩ của Hà Nội thì với nhạc sĩ Phú Quang, Hà Nội là quê hương (Ông quê gốc ở làng Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Ở nhạc Phú Quang, Hà Nội hiện lên với những giai điệu đẹp, lời ca mộc mạc, giản dị chứa đựng sự nhớ thương da diết, đó là: Một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may -Mơ về nơi xa lắm (thơ Thái Thăng Long).

Hà Nội còn đẹp bởi khung cảnh tĩnh mịch về "đêm cuối mùa thu trăng lạnh mờ sương"-Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phạm Thị Ngọc Liên). Hà Nội đẹp hơn với sự cổ kính trầm mặc và sự cô đơn của người nghệ sỹ với "cây bàng mồ côi mùa đông, nóc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông, mùa đông năm ấy ,tiếng dương cầm trong căn nhà đổ"- Phiêu du trời Nam mà đau đáu nỗi niềm Hà Nội nên Phú Quang tạo tác bức tranh tâm trạng về Hà Nội rất điển hình Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ) hay "chiều đông sương giăng phố vắng, hàng cây lặng câm tháp cổ mặc trầm:-Lãng đãng chiều đông Hà Nội (lời Tạ Quốc Chương).

Điều đặc biệt nhất của các ca khúc trữ tình Phú Quang viết về Hà Nội là lúc nào cũng có hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trong tác phẩm. Đó là cái hồn xuyên suốt trong toàn bộ các sáng tác của ông: hình ảnh người phụ nữ thật trí thức,sang trọng,yêu và hi sinh hết mình. Tình yêu ở đó là nỗi buồn vì không đươc sống trọn vẹn bên nhau.

Phú Quang từng tâm sự: "Tôi đã viết như một lời tự thú chân thành cho những kỷ niệm chẳng thể nào quên, đã đến, đi qua cuộc đời mình với hi vọng tìm thấy cho mình sự thanh thản khi bài ca được vang lên", tình yêu, con người thật lãng mạn.

Chúng ta tìm thấy hình ảnh đó ở hàng loạt ca khúc: Lãng đãng chiều đông Hà Nội (Chợt nhớ ngày ấy khi em qua phố một chiều, trao cho ta âm nụ hôn lạnh, và vòng tay khao khát mong manh. Im lặng đêm Hà Nội (từng hàng cây góc phố ngây ngô nhìn nhau, chỉ còn hơi ấm mối tình đầu, anh đi có đôi lần nhìn lại, chỉ còn em, còn em, im lặng đến tê người). Hà Nội ngày trở về (Bên quán nhỏ em buồn nghe lá chút, chiều sương sa giăng kín phố dài) ...

Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng là một người con của Hà Nội: “Tôi sinh ra và lớn lên ở khu phố cổ. Hồn cốt người Hà Nội ngấm vào tôi từ nhỏ đến tận bây giờ nhưng đến tôi nhiều lúc cũng chẳng nhận ra. Nhưng những gì của phố cổ, của Hà thành, của văn hóa ngàn năm kinh kỳ đều ở phía sau tôi, trong hành trang của tôi”.

Thế nên, khi nhạc sĩ đến với Tây Nguyên, sáng tác những ca khúc về Tây Nguyên thì cái hồn cốt Hà Nội, cái văn hóa cả ngàn năm Thăng Long vẫn theo vào từng ca khúc.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường vừa hoàn thành một sáng tác mới: “Đây là tác phẩm tôi viết trong buổi lễ dâng 100 trống đồng tại Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Dưới hình thức hợp xướng acappella không nhạc đệm trên nền hát xoan Phú Thọ với khoảng 400 diễn viên tham gia biểu diễn.
Trong bài hát có các ca từ: Diệu kỳ thay giữa tiếng trống đồng, các vua Hùng đã hòa cùng cháu con về đây... Cùng theo mẹ lên núi, cùng theo cha xuống biển, về đây về đây nòi giống tiên rồng, hoa thơm từ rễ từ cành...

Lời ít nhưng đủ để nói: tất cả những gì tinh túy nhất của nòi giống tiên rồng đều về đây mừng Đại lễ.
Về các nhạc sĩ của Hà Nội, không thể không nói đến Bộ tứ Hà Nội gồm Cường (Nguyễn Cường), Phương (Phó Đức Phương), Thụ (Dương Thụ), Tiến (Trần Tiến) vốn được nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha yêu quý đặt cho cách đây vài năm. Cả bốn người đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mỗi người đều có những sáng tác mang dấu ấn về nơi mình sinh ra.

Tuyển tập Bộ tứ Hà Nội do NXB Trẻ ấn hành với một đĩa Mp3 có 100 ca khúc và tuyển tập lời bài hát, trong đó mỗi người đóng góp 25 bài. Đây là một món quà đặc biệt dành tặng những người yêu quý Hà Nội nhân 1000 năm Thăng Long.

Người con của miền Nam, nhạc sĩ tài năng Trịnh Công Sơn, chỉ một lần ra thăm Hà Nội đã thấm đẫm và cảm nhận được cái riêng của Hà Nội mà viết nên ca khúc tuyệt hay Nhớ mùa thu Hà Nội.

Hà Nội luôn là cảm hứng sáng tạo không ngừng trong mỗi người nghệ sĩ. Với nhạc sĩ Vĩnh Cát cũng vậy. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” - nhạc sĩ vẫn vượt qua những cơn đau khớp hoành hành, để làm nên nhạc phẩm “Đây sông Hồng, sông Cái” và “Không chỉ là huyền thoại”. Hai bản giao hưởng này vừa được biểu diễn trong đêm nhạc “Nhạc sĩ Vĩnh Cát với Hà Nội - Thủ đô yêu dấu”.

"Tôi muốn thể hiện tình yêu sâu sắc của mình với Hà Nội bằng ngôn ngữ giao hưởng, vì chỉ có thể loại âm nhạc bác học đa tầng, đa nghĩa như giao hưởng mới có thể nói lên mọi cung bậc tình cảm, mọi suy nghĩ đa chiều với triết lý sâu rộng về Hà Nội, về đất nước Việt Nam", Nhạc sĩ Vĩnh Cát chia sẻ.

Còn nhiều, rất nhiều nhạc sĩ tài năng của mọi miền đất nước đã tạo dựng nên bằng âm nhạc, qua những ca khúc hay về Hà Nội như Phạm Duy, Hoàng Dương, Phạm Tuyên, Vũ Thanh, Hoàng Hiệp, Hồng Đăng, Trọng Đài, Lê Vinh, Trương Quý Hải, Nguyễn Trọng Tạo...

Sức lan tỏa của những ca khúc hay về Hà Nội thật vô bờ bến, có thể gặp ở bất cứ nơi đâu trên đất nước những ca khúc về Hà Nội gợi lên những cảm xúc trong trẻo, nhân văn, niềm kiêu hãnh, tự hào... về thủ đô và về đất nước.

Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến của ta là vậy. Có phải thế chăng, nên câu thơ của “Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ”, người con của miền Đông Nam bộ đã đi vào lòng người cả nước: Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long./.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark