22/11/2012 | 10:54:00

Hà Nội - Biểu tượng của đỉnh cao trí tuệ

Hà Nội với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa hơn 1000 năm, là Thủ đô của nước Việt Nam hơn 67 năm, là một trong số ít thành phố được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", giữ vị trí quan trọng trong trái tim hơn 80 triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Mặc dù có nhiều di sản mang đậm dấu ấn nghìn năm, nhưng biểu tượng chính thức của Thủ đô chỉ có một, và Khuê Văn Các với những giá trị độc đáo, nhiều tầng ý nghĩa đã trở thành hình ảnh đại diện. Như GS Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận xét: "Chọn Khuê Văn Các làm biểu tượng của Hà Nội là phù hợp và cần thiết. Khuê Văn Các là biểu tượng đỉnh cao của trí tuệ, là sự khái quát, sự khẳng định chân lý "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", nên nhìn vào đó, mỗi con người dường như thấy mình cần phải có trách nhiệm trau dồi kiến thức, trí tuệ, văn hóa để gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp mà ông cha để lại. Mặt khác, thông qua hình ảnh biểu tượng này, người dân trong nước, bạn bè quốc tế sẽ biết đến Thăng Long - Hà Nội nhiều hơn".

Đón nhận thông tin Khuê Văn Các chính thức trở thành biểu tượng của Thủ đô, ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch vui mừng chia sẻ: "Vậy là từ nay, ngành du lịch Thủ đô đã có sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu. Nếu khai thác tốt thì giá trị của biểu tượng Khuê Văn Các sẽ lan tỏa, thẩm thấu trong mỗi người dân Việt Nam và du khách quốc tế".

Đề cao giá trị di tích Khuê Văn Các, GS Đinh Xuân Lâm cho rằng, thành phố Hà Nội phải giữ gìn, bảo vệ công trình kiến trúc độc đáo này bằng mọi giá. Việc tu sửa, tôn tạo được thực hiện càng sớm càng tốt nhằm tránh những hư hại không đáng có. Theo bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, gác Khuê Văn là công trình kiến trúc gỗ ngoài trời nên không tránh khỏi sự xuống cấp, hư hại. Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có kế hoạch kiểm tra, đánh giá lại các cấu kiện để lập dự án tu bổ.

Song song với công tác tu bổ di tích, các nhà văn hóa và khoa học cũng bày tỏ mong muốn, Hà Nội tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá giá trị, ý nghĩa ẩn chứa trong biểu tượng Khuê Văn Các đến các tầng lớp nhân dân. Ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phân tích: Để có thể khai thác giá trị của biểu tượng, trước mắt Hà Nội cần diễn giải cho rõ các tầng ý nghĩa của Khuê Văn Các, rồi tạo ra các sản phẩm du lịch tương ứng với các tầng ý nghĩa đó. Tương lai, Hà Nội nên hình thành các hoạt động du lịch, sinh hoạt văn hóa liên quan mật thiết đến ý nghĩa của biểu tượng tại một số điểm đến, nhất là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. "Làm được như vậy, tôi tin Khuê Văn Các không chỉ là hình ảnh biểu tượng của Thủ đô, mà còn là biểu tượng văn hóa trong lòng người dân nước Việt" - ông Hà Văn Siêu nói.

(Hà Nội mới/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark