21/11/2012 | 14:11:00

Phân tầng trong lễ “qui tiên” của người Hà Nội xưa

Trong đám tang của người Hà Nội xưa, có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong cuộc sống của gia đình người quá cố. Tưởng chừng việc tang ma là chuyện buồn của mỗi gia đình nhưng có những gia đình giàu có thì coi đây là một dịp để thể hiện sự “chu đáo” của mình đối với người quá cố.

Kinh thành Thăng Long thời phong kiến có sự tổ chức theo quy chế hành chính từ phường rồi huyện trong đó có ban Hàng Giáp huy động nhân lực trong phường vào một việc chung trong đó bao gồm cả việc đưa đám một người trong phường vừa mất. Đám tang hồi đó chỉ gồm một bộ đòn trên đặt quan tài và một bộ kèn trống của phường do những trai tráng khiêng từ nhà đến nơi chôn cất. Đồ phúng viếng đều để lại nhà do đó người nghèo khó hay giàu sang khi mất cũng chỉ được đưa tiễn bằng bộ đòn và bộ kèn trống ấy. Chỗ khác nhau chỉ là số người đi đưa đám đông hay ít, sang hay khó.

Từ khi Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp năm 1888 thì chúng bãi bỏ hết cơ cấu thôn phường cũ và Hàng Giáp cũng theo đó mà mất đi, kể cả bộ phận đòn khiêng và bộ kèn trống đưa tang. Từ đó xuất hiện thêm hai nghề mới: nghề cho thuê đòn và nghề kèn trống đám ma. Những nhà tư nhân này lập nên một phố mới mang tên là Hàng Đòn nay vào đoạn cuối phố Lê Thái Tổ tới ngã tư Tràng Thi – Bà Triệu.

Đời sống xã hội từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có sự phân hóa rõ rệt. Người giàu thì càng giàu, người nghèo thì càng nghèo và nó còn thể hiện rõ hơn cả trong những đám tang.

Một đám tang của một gia đình trung lưu hồi đó thường có 5 lá cờ ngũ sắc đi mở đường. Tiếp sau là đội kèn trống từ 2 đến 3 người, vài ba bức trướng hay câu đối của thông gia, bạn bè thân thuộc, rồi đến chiếc long đình do 4 người khiêng rước ảnh người quá cố. Sau long đình là đòn quan tài từ 4 đến 8 người khiêng, trên úp chiếc nhà táng bằng tre nứa dán giấy sơ sài. Sau linh cữu là con cháu, họ hàng, bạn hữu đi đưa. Vợ hay chồng người quá cố, con trai, con gái vận áo đại tang bằng vải xô, thả gấu, chít khăn tang. Con trai đội trên đầu một vành rơm chống gậy tre (nếu là bố), chồng gậy vông (nếu là mẹ). Nếu có con trai nào vắng mặt thì treo mũ rơm và gậy ở đòn quan tài. Thông thường các đám tang từ trong phố đi ra đều dừng lại ở một chỗ thích hợp để mọi người đi đưa bận công việc quay về. Những người này đều đến bái biệt trước khi ra về và nhận được sự đáp lễ của gia chủ.

Đám tang trên được xem là đủ nghi thức truyền thống, không phô trương, đỡ tốn kém. Tuy nhiên khi phải chứng kiến một đám tang của gia đình khá giả thì mới thấy rõ được sự phân tầng trong xã hội.

Dẫn đường vẫn là 5 lá cờ ngũ sắc, sau đến là phường thanh la với chiếc trống to như trống đình làng do 2 người khiêng, một bộ thanh la giập vào nhau tạo thành tiếng kêu kim khí vang xa. Những người trong phường này vừa đi vừa diễn khúc “Tùng dinh, tùng dinh” cốt để lôi cuốn người tới. Rồi phường kép hát trên chục nhân vật mũ áo tướng văn tướng võ, mặt mày son phấn vừa đi vừa múa may, điệu bộ như đang diễn tuồng. Chưa hết, gia đình khá giả còn thuê cả phường một dàn nhạc phương Tây toàn kèn đồng, trống đồng, bộ thanh la lớn vàng chói. Để khỏi lẫn lộn, cứ phường nhạc ta vừa đánh xong một bài thì dàn nhạc Tây lại tiếp nối. Mọi người trong phố đang đi đặc biệt là trẻ con ào ào bám theo vừa xem kép hát diễn trò vừa nghe nhạc Tây ta hò la inh ỏi.

Phía sau dàn nhạc là long đình để tượng Quan Âm, tiếp đó là mấy chiếc xe kéo chở mấy nhà sư mũ ni, cà sa ngồi ngay ngắn cầm tràng hạt, tụng niệm lẩm nhẩm rồi các vãi đi chân đất, xếp hàng đôi đi sau. Đám tang chính thức sau đám rước Phật, bắt đầu bằng phường “bát âm” có đủ 8 người với 8 nhạc cụ. Sau “bát âm” đến một rừng những câu đối, trướng ngót trăm chiếc đủ màu sắc với chữ Hán to, nhỏ thường cắt bằng nhung the đen. Sau đến là sáu bảy bàn cỗ được đậy lồng bàn thưa nhìn rõ được cả xôn, lợn quay cả con và oản chuối.

Theo tục lệ cũ ở Thăng Long – Hà Nội, thông gia phúng viếng nhau bằng một con lợn quay cả con. Người đứng xem cứ đếm có bao nhiêu con lợn quay thì biết ngay người quá cố có bao nhiêu con lập gia đình.

Ngay sau là long đình rước ảnh người quá cố, nếu đó là quan có phẩm tước thì sẽ là hình đội mũ cánh chuồn, cầm hốt, đi hia, nếu không thì mặc áo thụng có đủ cân đai.

Áo quan được đặt trên một bộ đòn tám hoặc mười sáu người khiêng và thường được làm bằng những loại gỗ quý và được phủ lên bởi tấm lụa đỏ có dải hoặc ít ra cũng dán giấy đỏ. Che áo quan bằng nhà táng có mui luyện, và thường dùng là nhà táng hai tầng mái.

Sau linh cữu là con cháu, họ hàng, bạn bè thân quen chưa kể đến gia đình đó có thể bỏ tiền thuê người khóc mướn giả làm con cháu gào khóc thê thảm suốt dọc đường để tỏ lòng thương tiếc người quá cố. Một đám tang như vậy phải kéo dài hàng kilômét ở trên đường. Rõ ràng qua đám tang có thể thấy được sự khác biệt trong đời sống của gia đình khá giả và gia đình bình dân ở Hà Nội xưa.

Trong dịp cúng 49 và 100 ngày tính từ sau khi người quá cố mất, gia đình nghèo chỉ có vợ hoặc chồng cùng các con cháu, họ hàng dâng lên ban thờ người quá cố bát cơm, quả trứng, đĩa muối còn đối với gia đình giàu có thì cũng khác biệt. Đối tượng được mời đến rộng hơn, có bữa cơm chay để chiêu đãi đặc biệt đối với nhà trọc phú thì có đủ mâm cỗ mặn ngọt người ra kẻ vào tấp nập suốt đêm.

Sau này, những đám tang mặc dù có sự biến đổi theo thời gian nhưng tổ chức một đám tang là việc chia buồn với gia đình người quá cố, những việc làm tổ chức tang ma linh đình không chỉ khiến nhiều người bàn tán mà có lẽ cũng không khỏi làm chạnh lòng người quá cố.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark