19/11/2012 | 16:00:00

Hà Nội: Nhớ về sới vật của làng Mai Động

Làng Mai đây chính là làng Mai Động, nay là phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là một làng ra đời từ thời cổ đại, đến đầu Công nguyên, có một người Thanh Hóa tên gọi là Tam Trinh tới đây sinh cơ lập nghiệp, dạy dân làng và dân khắp quanh vùng đó về chữ, võ, nghề làm đậu phụ và đặc biệt là môn vật. Đô Tam Trinh trở thành vị tổ của môn vật với những miếng vật độc đáo như vỉa lộn cối, bò đĩa, sờn cặp cổ…và được dân làng Mai Động thờ làm Thành Hoàng làng.

Ngài cũng được nhiều làng thuộc Thanh Hóa và một số nơi khác thờ đồng thời tôn vinh là ông tổ của môn vật. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh giặc ngoại xâm, đô Tam Trinh đã chiêu nạp dân binh giỏi võ nghệ, có tài vật tham gia đánh thành Luy Lâu (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) và được Hai Bà Trưng phong là một trong những vị tướng tài giỏi xuất chúng. Ngót 2000 năm qua, đô Tam Trinh đã được thờ ở đình, nghè Mai Động và hiện Ngài còn được đặt tên cho một đường phố trên địa bàn Mai Động. Đó là sự tôn vinh đối với Ngài, đồng thời là vinh dự cho làng Mai Động.

Từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 6 tháng giêng (Âm lịch) hàng năm, dân làng Mai Động thường tổ chức lễ tưởng niệm Ngài đồng thời tổ chức hội vật nhân tết Nguyên Đán và ngày sinh Ngài. Về dự hội, không chỉ là người dân làng Mai Động mà khắp vùng Kẻ Mơ xưa như Hoàng Mai, Tương Mai, Bạch Mai, dân quanh vùng như Quỳnh Lôi, Trương Định, Đại La, rồi Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, thậm chí cả người trên phố trong nội thành cũng đến dự.

Có người thường xuyên dự lễ hội hàng năm không chỉ xem vật, du xuân, mà còn là để cầu phúc lành tuổi thọ, sức khỏe, mang ý nghĩa tâm linh, tiềm thức trong suốt cuộc đời. Sới vật Mai Động từng là một nơi thi đấu, tỷ thí của các đô vật người Mai Động, Hoàng Mai, Yên Sở và nhiều đô của các vùng, miền trên cả nước, danh tiếng một thời như đô Đăm Từ Liêm, đô Cẩn Nam Định, đô Ba Siêu, đô Việt…

Thường thì trong lúc vật, các đô vật cởi trần, đóng khố. Làm như vậy để đôi bên không thể nắm áo, nắm quần nhau gây lợi thế cho mình được. Trước khi vào vật, hai đô vật lễ vọng vào trong đình. Khi cuộc thi bắt đầu, các đô vật lên lễ đài tỷ thí. Sau một hồi khua chân múa tay để rình miếng nhau, họ mới xông vào ôm lấy nhau. Họ lừa nhau, dùng những miếng để vật ngửa địch thủ. Tùy từng lò vật mà có những miếng vật, miếng võ riêng độc đáo của mình. Với miếng võ nằm bò, có tay đô vật nằm lì mặc cho địch thủ đẩy mình, rồi bất thần họ nhỏm đứng dậy để phản công.

Trước khi thống nhất đất nước (1975), sới vật Mai Động thu hút các đô vật danh tiếng trên cả nước, không khác gì một giải vật mang tầm cỡ “quốc gia”. Bây giờ, sới vật hội làng Mai Động không còn xứng tầm của một hội vật truyền thống trước đây.

Có lẽ cũng như người có sức có tài bơi sông, bơi biển mà bây giờ bơi hồ, bơi ao thì không thỏa trí, nên gần đây, các đô danh tiếng mọi miền không về sới vật Mai Động nữa. Một nguyên nhân quan trọng bậc nhất là sới vật Mai Động hiện đã trở nên quá nhỏ bé so với sự phát triển về dân số của thủ đô và của phường. Sới vật trước đình làng này chỉ còn đủ làm nơi vật thờ, vật lễ có ý cầu chúc vị Thành Hoàng làng, cầu phúc lành cho người dự hội, chứ không tương xứng với tầm của một sới vật, lò vật do cụ Tổ môn vật để lại.

Ở Việt Nam có nhiều làng vật, có nơi sinh cả Trạng vật, nhưng đều là về sau này cả, xem khắp nơi thật không đâu có ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu xa như sới vật Mai Động. Đã đến lúc, chúng ta không thể thờ ơ đối với những lễ hội đặc sắc của dân tộc nhất là trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm thăng long – Hà Nội đang đến gần. Bởi vậy, các cấp, các ngành về văn hóa và người dân địa phương cần phải có những quy hoạch cụ thể để cho sới vật Mai Động được khang trang, tương xứng và làm thỏa lòng mong mỏi của những người hàng năm bỏ công sức tới dự lễ hội vật Mai Động xưa nay./.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark