19/12/2012 | 10:51:00

Hà Nội: Hồng Dương phát triển kinh tế trang trại

Những năm gần đây, thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Hồng Dương (Thanh Oai, Hà Nội) tăng 14%/năm - con số ấn tượng với một xã thuần nông. Chính việc vận động người dân dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất, đặc biệt là mô hình kinh tế trang trại đã giúp Hồng Dương có kinh tế phát triển.
 
 Hồng Dương những năm về trước, kinh tế chủ yếu là trồng lúa và một số cây hoa màu hiệu quả thấp. Mặc dù có hơn 650ha đất canh tác nhưng đồng đất không bằng phẳng, nhiều vùng trũng, manh mún. Bởi vậy, đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Năm 2006, xã đã vận động người dân dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội của địa phương. Chính việc làm này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Hồng Dương, đặc biệt là nhờ mô hình kinh tế trang trại kết hợp “lúa - cá - chăn nuôi”.
 
 Hai năm trước Hồng Dương mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, đến nay, sau gần 2 năm được chọn làm xã điểm xây dựng NTM của huyện Thanh Oai, Hồng Dương đã đạt 14/19 tiêu chí. Điều đáng mừng nhất mà Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Dương đạt được, theo lời của Bí thư Đảng ủy xã Hồng Dương Nguyễn Gia Sướng nhận định thì: “Từng Chi bộ, Đảng viên trong xã đã mạnh dạn xây dựng mô hình chuyển đổi sản xuất ngay trên diện tích ruộng của gia đình và tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, tự nguyện làm theo. Tạo được sự nhất trí, đồng thuận cao nên đến nay Hồng Dương đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, giảm từ 10-12 thửa/hộ xuống còn 1-2 thửa/hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp…”. Đến nay, địa phương đã hình thành các khu nuôi trồng thủy sản rộng trên 100ha, khu sản xuất lúa cao sản rộng trên 120ha, khu trồng rau sạch, quy hoạch khu chăn nuôi xa khu dân cư rộng 5ha…
 
 Từ năm 2000, Hồng Dương đã xác định hướng phát triển kinh tế theo hướng đứng vững "2 chân": chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất hàng thủ công xuất khẩu. Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đáng kể phải nói đến việc phát triển kinh tế trang trại. Điển hình phải kể đến là mô hình trang trại nuôi gà siêu trứng của gia đình anh Nguyễn Văn Thứ. Đây là mô hình trang trại nuôi gà siêu trứng lớn nhất trong xã với doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Hai khu trang trại của gia đình anh có gần 2 vạn gà siêu trứng, xuất ra thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận từ 2000 - 3000 quả/ngày. Với giá bán trung bình 1.900đ/quả, tính sơ sơ mỗi tháng gia đình anh thu về cả trăm triệu đồng. Đây là năm thứ 5 gia đình anh Thứ chuyển sang mô hình kinh tế trang trại. Mô hình kinh tế trang trại nuôi cá của gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn với hàng chục loại cá: cá trắm đơn, trắm cỏ, cá chép, cá trôi, mè… cho thu hoạch 20 tấn/đợt, mang lại thu nhập trên 100 triệu/đợt thu hoạch...
 
 Phát triển kinh tế trang trại, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, Hồng Dương đang xây dựng bộ mặt quê hương ngày một khởi sắc./.

(Báo Ảnh/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark