05/10/2012 | 09:43:00

Hà Nội khó kiểm soát hoạt động nhà chung cư

Ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Tốc độ phát triển nhà chung cư ở Hà Nội tăng nhanh chóng. Kéo theo đó là tình trạng lộn xộn khó kiểm soát các hoạt động của dân cư làm mất trật tự an ninh. Bên cạnh đó sự buông lỏng quản lý dẫn tới nhiều tranh chấp phát sinh và bất đồng quan điểm giữa chủ đầu tư và các hộ dân.

Gần đây thành phố Hà Nội nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh với các lý do khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là vấn đề quyền lợi giữa các bên liên quan.

Hiện nay nhà chung cư ở Hà Nội có nhiều hình thức sở hữu như: Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Nhiều nhà chung cư ở thời kỳ từ năm 1960 đến 1994 phần lớn là sở hữu Nhà nước xuống cấp nghiêm trọng đã được bán dần cho các hộ đang thuê.

Kể từ năm 1994 đến nay, Nhà nước cho phép các tổ chức và cá nhân đầu tư, xây dựng kinh doanh do vậy trên địa bàn có nhiều dạng chung cư như: Chung cư để ở đơn thuần; chung cư hỗn hợp; văn phòng làm việc, cho thuê...

Với sự đa dạng và phức tạp của nhiều thành phần, đối tượng sinh sống, trong các khu dân cư phần lớn chưa thành lập được các tổ chức đoàn thể, thôn xóm, ban đại diện hay các chi bộ Đảng. Đặc biệt, ở các nhà chung cư có nhiều hộ dân tứ xứ chuyển đến, sống chưa gắn kết; số lượng, thành phần hộ dân hay biến động; nhiều hộ không muốn chuyển hộ khẩu tới; các hộ thường đi làm cả ngày; việc tìm và giới thiệu nhân sự để bầu tổ trưởng, tổ phó và các chức danh về Đảng, Đoàn thể gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đa số các gia đình còn trẻ tuổi, đang đi làm ở cơ quan, xí nghiệp.

Vì vậy, hoạt động ở nhà chung cư đang chủ yếu phó mặc cho chủ đầu tư, dẫn tới tình trạng hách dịch, cửa quyền, có nhiều nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng không được sửa chữa; có nơi mất bao nhiêu năm trời xin sửa cầu thang máy vẫn không được giải quyết; nhiều nơi tự tiện thu dịch vụ một cách tùy tiện, quá mức...

Bên cạnh đó, có khi hoàn thành bàn giao nhà cho người mua, nhưng chủ đầu tư vẫn không chịu thi công hạ tầng kỹ thuật, có tư tưởng ỷ lại cho chính quyền các cấp. Thực tế hiện nay chưa có chế tài xử lý hành vi này. Điển hình cho lộn xộn và mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và các chủ hộ là dự án Keangnam diễn ra gần đây gây xôn xao dư luận.

Hà Nội hiện nay đang khó khăn trong việc phân cấp, phân quyền quản lý nhà chung cư. Vì thực tế có nhiều nhà chung cư thuộc địa phận hành chính của nhiều quận, huyện khác nhau, đã dẫn tới tình trạng “cha chung không ai khóc”, không có ai quản lý, nhiều vụ mất trật tự không có ai giải quyết. Vấn đề thu thuế cũng bị bỏ ngỏ... Trong lúc đó để giải quyết được vấn đề này thì phải điều chỉnh địa giới hành chính, mà đây lại là việc làm không thể một sớm một chiều.

Trước tình trạng trên, Hà Nội đang tìm giải pháp tăng cường quản lý, trong đó các quận nội thành và huyện Từ Liêm đã khảo sát, thành lập 221 tổ dân phố ở các nhà chung cư. Ở các nhà mới đi vào hoạt động, các quận, huyện đang khẩn trương khảo sát hiện trạng, xây dựng đề án, thực hiện các trình tự thủ tục để thành lập tổ dân phố.

Sở Nội vụ Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng đề án trình Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vào kỳ họp giữa năm 2013 tới với nội dung quy định chức danh, chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở xã và thôn, tổ dân phố theo đặc thù của Thủ đô.

Hiện tại Sở Nội vụ và Sở Tài chính đã có văn bản trình Ủy ban Nhân dân thành phố về việc chi bồi dưỡng cho Trưởng Ban công tác mặt trận với hệ số 0,38 mức lương tối thiểu; chi hội trưởng các đoàn thể ở thôn, tổ dân phố, khu dân cư hệ số 0,2 mức lương tối thiểu.

Thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ quy định cụ thể, việc quản lý điều hành nhà chung cư giao cho nhà đầu tư nhưng rất cần có sự tham gia giám sát các đại diện các hộ gia đình hoặc Ban quản trị tòa nhà tổ chức đấu thầu chọn đơn vị làm dịch vụ toà nhà. Các loại giá chi phí phục vụ quản lý phải hợp lý, đúng mức độ; chi phí công khai minh bạch, rõ ràng. Một số loại phí dịch vụ có thể do thành phố Hà Nội quy định khung./.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark