27/11/2012 | 11:55:00

Hà Nội trong tiểu thuyết Việt Nam nửa sau thế kỷ XX

Hà Nội ngàn năm văn hiến cũng là nơi hội tụ những khao khát phát triển và đổi mới của tiểu thuyết, trong ngót 100 năm lịch sử của nó, để đến với những cái đích mới, trong đó có thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
 
 Cuộc kháng chiến toàn quốc diễn ra trong 60 ngày đêm ở Hà Nội, dĩ nhiên sẽ là chất liệu, là cảm hứng lớn cho người viết, đến từ nhiều nguồn - trước hết là những người đã trực tiếp sống và chiến đấu trên từng góc phố, từng mái nhà của Hà Nội, trước và sau ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19/12/1946). Trong lòng Hà Nội (1957) của Hà Minh Tuân (1929-1992) và Gặp lại một người bạn nhỏ (1957) của Nguyễn Đổng Chi (1915-1984), một đến từ đời lính, và một trước đó và về sau tiếp tục là một nhà nghiên cứu, một học giả. Trong sự chân thật của các sự kiện, trong cách kể của một người trong cuộc, và trong khả năng viết truyện tuy không là chuyên nghiệp, nhưng vẫn có những cái duyên cần có, hai cuốn truyện này xứng đáng có vị trí mở đầu trong tạo dựng cuộc chiến đấu cho Tổ quốc quyết sinh của quân dân Hà Nội.
 
 Thế nhưng, để nói đến một dấu ấn quan trọng trong đề tài Hà Nội kháng chiến, phải chờ đến Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) trong Sống mãi với thủ đô (1961). Hà Nội vẫn là địa bàn cho Nguyễn Huy Tưởng dồn tất cả tâm huyết của mình; vẫn là nơi ông gửi gắm những khát vọng sáng tạo của mình để có một Sống mãi với thủ đô mang tầm vóc sử thi về 3 ngày đêm chiến đấu của quân dân Thủ đô.
 Trong Sống mãi với thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng vẫn tiếp tục chọn Hà Nội làm bối cảnh hoạt động cho thế giới nhân vật của mình. Nhưng lần này có khác trước, lần này là một Hà Nội “đa thanh”, phức tạp và nhiều vẻ. Một Hà Nội của nhiều Hà Nội: Hà Nội phù hoa. Hà Nội thượng lưu. Hà Nội lao động. Hà Nội lầm than. Hà Nội của mọi lớp người...
 
 Miêu tả Hà Nội trong vẻ toàn vẹn và phức tạp của nó, Nguyễn Huy Tưởng đã có những cố gắng lớn để mở rộng thế giới nhân vật. Nhiều trang Sống mãi với thủ đô rạo rực một không khí hùng tráng của sử thi. Đọc truyện, ta khó theo dõi được thời gian, ta bị cuốn đi trong những diễn biến lớn lao, căng thẳng của cuộc đời, tưởng như đã xảy ra hàng năm hàng tháng, nhưng thật ra chỉ có mấy ngày đêm. Không khí loãng tan xao xác dưới những mái trường. Quang cảnh rạo rực chuẩn bị kháng chiến trên từng khu phố, góc nhà, đến buổi chiều ở vườn hoa Cửa Nam, người Hà Nội vẫn vây quanh một anh thợ nặn, sống nốt quang cảnh yên bình cuối cùng khi chung quanh đã ngột lên mùi tanh giá của chiến tranh. Từng chuyến tàu vội vã. Đêm tản cư. Những buổi chia tay. Vụ thảm sát Yên Ninh. Những trận đánh giằng co, căng thẳng ở Bắc Bộ Phủ, ở nhà bưu điện Bờ Hồ... Tiếng cười nói, tiếng súng đạn, tiếng trẻ bán báo, rao hàng, tiếng cười ấm áp, tiếng sinh hoạt của đời... bản hoà tấu của nhiều âm thanh khác nhau đó trong truyện, nghe khác hẳn tiếng gõ quan tài bi thảm trong kịch Những người ở lại.
 
 Quả có một đường dây gắn nối từ kịch Vũ Như Tô (1941) đến tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô trong hành trình sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng không phải chỉ do đề tài miêu tả của cả hai tác phẩm ở hai đầu mút cuộc hành trình này đều là Thăng Long – Hà Nội, từ Thăng Long đến Hà Nội. Mà còn là một cảm hứng sáng tạo gần như là gắn nối và xuyên suốt: trầm hùng và bi tráng. Một bi kịch trong âm hưởng trầm hùng qua Vũ Như Tô và một âm hưởng trầm hùng rải thấm trên nhiều bi kịch qua Sống mãi với thủ đô - đó là sự mở đầu và kết thúc sự nghiệp Nguyễn Huy Tưởng trong không đầy 2 thập niên giữa thế kỷ XX.
 
 Trở về thủ đô trong những ngày hòa bình, đề tài Hà Nội sớm trở lại trong văn mạch của Tô Hoài, để vào năm 1958, ông cho ra mắt tiểu thuyết Mười năm.
 
 Mười năm, ấy là sự trở lại chính mảng sống quen thuộc của Tô Hoài. Chọn thời gian lịch sử từ 1935 -1945 tương ứng với tuổi thanh niên hăng say hoạt động của mình, Tô Hoài muốn nói đến cuộc hành trình có tính quy luật của lịch sử - con đường dân tộc đi đến Cách mạng tháng Tám, trên bối cảnh mà ông quen thuộc nhất: vùng quê ngoại thành của ông.
 
 Qua Mười năm, thấy rõ Tô Hoài thật sự thuận tay trong những gì ông đã sống, đã trải. Đó là cảnh sống của một vùng tơ cửi ven đô, với buồn vui đời thường của một lớp người làm nghề dệt thủ công; những mảnh đời bỗng có lúc nhộn nhịp và sôi nổi hẳn lên với phong trào Ái hữu, với các hoạt động học tập, tuyên truyền, đọc báo chí, rải truyền đơn, họp mít tinh... rồi bỗng xuội đi và tắt lặng trong một trận đói lớn. Đói - đó mới là những trang đặc sắc của Mười năm. Một vùng quê đói. Những phiên chợ đói. Những thân người, mặt người đói... Đó là hiện thực có nhiều người biết; cũng đã có người viết; nhưng xoáy đến tận cùng những thương tâm và bi thảm của nó trong văn học, có lẽ cũng chỉ mới thấy trong văn của Nguyên Hồng và Tô Hoài...
 
 Hà Nội trong một quá khứ sâu hơn cũng là câu chuyện Tô Hoài theo đuổi lâu dài. Từ Mười năm mà ngược lên Người ven thành (1972), Quê nhà (1980)... Con người, như được thể hiện trong Người ven thành, Quê nhà, rồi trong Kẻ cướp Bến Bỏi (1996) - kể câu chuyện đám môn sinh Cao Bá Quát quyết trả mối thù cho thầy - theo Tô Hoài, đó là người Hà Nội, như một biểu tượng của dân tộc, và như một kế thừa không đứt đoạn với lịch sử.
 
 Nguyễn Đình Thi (1924-2003) tác giả của bài hát Người Hà Nội và những bài thơ hay về Hà Nội cũng là người sớm đến với văn xuôi. Nói văn xuôi của Nguyễn Đình Thi trước hết (và cuối cùng) là nói về bộ tiểu thuyết Vỡ bờ, 2 tập, ra đời trong khoảng cách ngót 10 năm (1962 - 1970).
 
 Vỡ bờ bao quát một phạm vi hiện thực rộng, gồm hoạt động của nhiều lớp người trên ba địa bàn: Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng. Có nông dân, công nhân, trí thức, dân nghèo thành thị; có địa chủ, tư sản, tư sản mại bản, và bọn tay sai Nhật - Pháp; có hoạt động của người cách mạng. Bộ mặt kẻ thù trong cấu kết giữa Pháp - Nhật, trong hoạt động của các tầng lớp địa chủ, tư sản, quan lại - như Nghị Khanh, Huyện Môn, Ích Phong... nhằm tạo ra tình thế tương phản, và làm nên một cái nền tối cho bức tranh...
 
 Cố gắng của tác giả Vỡ bờ là ở chỗ, với lượng trang khá lớn, tác giả đã đặt các nhân vật, gồm nhiều loại, trong các mối quan hệ qua lại. Và đó là ưu thế cần phải có khi thế giới nhân vật được mở rộng ra nhiều tầng lớp, và hoạt động trên một không gian rộng, gắn nối với Hà Nội.
 
 Hơn 30 năm đất nước trong chiến tranh, đề tài trung tâm của văn học đương nhiên phải là đề tài chiến tranh (...). Trong số hàng trăm tiểu thuyết, có gắn với đề tài Hà Nội, có nhân vật là người Hà Nội hoặc có địa bàn hoạt động ở Hà Nội có thể kể đến Vùng trời (3 tập - 1971, 1974, 1980) của Hữu Mai (1926-2007), Những tầm cao (2 tập - 1973, 1977) của Hồ Phương cho đến Lửa từ những ngôi nhà (1977) của Nguyễn Minh Châu (1930-1989)... Đây là những cuốn tiểu thuyết in đậm dấu ấn một thời hào hùng và bi tráng của dân tộc, được viết trong cảm hứng khẳng định vẻ đẹp và sức mạnh của nhân dân, dẫu ở vị trí nào cũng đều có tư cách người chiến sĩ...
 
 Đề tài về Hà Nội trong lịch sử, cùng với Tô Hoài, cũng được tiếp tục ở nhiều cây bút, trong đó nổi bật là Chu Thiên (1913-1992 - tác giả của Bút nghiên và Nhà nho viết trước 1945), với Bóng nước Hồ Gươm - 2 tập (1970) dựng lại phong trào yêu nước của các nho sĩ - văn thân và nhân dân Hà Nội cuối thế kỷ XIX, trong hai lần Hà Nội thất thủ, với sự tuẫn tiết của Nguyễn Tri Phương năm 1873 và Hoàng Diệu năm 1882; cùng với những bước đầu “đô thị hóa” Hà Nội vào đầu thế kỷ XX trong cảnh quan chung của sự hình thành xã hội thuộc địa.
 
 Thời Đổi mới ghi nhận những thành tựu của tiểu thuyết trong sự nhận thức lại một thời đã qua, và không né tránh những vấn đề mới nảy sinh trong một đời sống còn đang chuyển động, có thể nói là dữ dội, không những là bất ngờ, mà còn gây đảo lộn nhiều chân lý cũ.
 
 Trong số các tác phẩm chọn bối cảnh Hà Nội, chọn nhân vật là người Hà Nội gây được sự quan tâm lớn, hoặc gây nên tranh luận giữa nhiều luồng ý kiến khác nhau, có Mùa lá rụng trong vườn (1984) của Ma Văn Kháng; Cuốn gia phả để lại (1988) của Đoàn Lê. Một đi vào những rạn vỡ trong đời sống gia đình trước sự xâm nhập của nền kinh tế thị trường. Một đi vào vấn đề gia tộc và dòng họ với những lủng củng, xung đột, bất an, vẫn là do sự chi phối của đồng tiền. Một tiểu thuyết mang tên Phố (1993) của Chu Lai lấy đề tài từ “phố nhà binh”; chỉ riêng tên truyện cũng đã gợi nên những góc nhìn mới, những sắc màu lạ trong cái thời đất nước mở cửa... Đến cả những pháo đài kiên cố nhất như “phố nhà binh” cũng không tránh được những rạn vỡ, lung lay để có một hình hài mới cho cả phần xác và phần hồn của nó.
 
 Nói thời Đổi mới, càng không nên bỏ qua Nỗi buồn chiến tranh (1990) của Bảo Ninh- tác phẩm như một bổ sung cần thiết cho bức tranh thấm đẫm không khí anh hùng một thời của dân tộc, qua tính cách và số phận một chiến binh, từ là anh lính trinh sát trong chiến tranh, được sống để trở về, rồi trở thành “nhà văn phường” có nơi sinh và nơi ở là Hà Nội. “Nỗi buồn” - Nỗi buồn chiến tranh như tên đầu của nó, hoặc “Thân phận” - Thân phận tình yêu, như một tên khác của nó, gần như đã chỉ ra được nét riêng, độc đáo của một tiểu thuyết từng gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong các lớp người đọc, với nhiều tâm thế đọc. Nhưng dẫu có khác nhau và gay gắt đến mấy, thì theo tôi, đây vẫn là tác phẩm gợi được nhiều ám ảnh nhất và có sự sống tôi tin là sẽ bền lâu nhất nối dài được mối quan tâm của người đọc, cả trong nước và nước ngoài về đề tài cuộc chiến ở Việt Nam, trong các khoảng lùi của thời gian...
 
 Những lược kể như trên chỉ nhằm nói lên một điều: Hà Nội thủ đô - trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, cũng là nơi hội tụ những khao khát phát triển và đổi mới thành tựu của tiểu thuyết trong ngót 100 năm lịch sử của nó, để đến với những cái đích mới, trong đó có thời điểm 2010 - kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

(Văn nghệ Quân đội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark