04/11/2012 | 09:13:00

Hoàng thành Thăng Long lịch sử

Thời kỳ tiền Thăng Long

Vào thời kỳ băng tan, biển tiến, khoảng từ một vạn đến bốn nghìn năm trước đây (thời đại đá mới), vùng đất Hà Nội không có người ở. Mãi đến thời kỳ biển lùi (cách nay khoảng bốn nghìn năm), khi các vùng biển, vũng đọng ở vùng này được phù sa bồi đắp, dần chuyển thành rừng rậm, đầm lầy, những cư dân cổ từ các hang động, núi đá vùng đồi núi phía bắc mới đưa nhau trở lại đây sinh sống. Trên địa bàn Hà Nội ngày nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di chỉ văn hóa trên suốt chặng đường 20 thế kỷ trước công nguyên, từ đầu thời đại đồ đồng (4000 – 3500 năm trước đây) đến đầu thời đại đồ sắt (khoảng nửa sau thiên niên kỷ I trước Công Nguyên).

Cư dân Hà Nội cổ thời đó, ứng với thời các vua Hùng theo truyền thuyết, sống thành làng, bao gồm nhiều xóm nhỏ nằm hai bên bờ sông Tô (quãng phố Thụy Khuê, đường Phan Đình Phùng qua Hàng Lược đến Hàng Đường hiện nay); có một cầu tre bắc tre bắc qua nối hai nửa làng, tục gọi là cầu Giát (quãng phía Cửa Bắc bây giờ). Bên này cầu có núi Nùng – trung tâm của làng thời đó.

Vào nửa sau thế kỷ III trước Công Nguyên, Thục Phán, một thủ lĩnh người Âu Việt ở miền núi, đã lật đổ triều Hùng, dựng nước Âu Lạc và dời đô xuống miền Cổ Loa. An Dương Vương (Thục Phán) cho xây thành Cổ Loa – một kỳ công của kỹ thuật quốc phòng thời đó. Hà Nội cổ, với kinh đô Cổ Loa, bắt đầu đi vào lịch sử với tư cách một trung tâm chính trị - xã hội của đất nước.

Năm 179 trước Công nguyên, nước Âu Lạc bị nhà Hán thôn tính, mở đầu thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn ngàn năm. Vào giữa thế kỷ V, trên vùng đất trung tâm Hà Nội cổ, chính quyền đô hộ phương Bắc lập một huyện mới – huyện Tống Bình, ít lâu sau đổi thành quận, gồm hai huyện Nghĩa Hoài, Tuy Ninh ở nam sông Hồng (hai huyện Từ Liêm, Hoài Đức ngày nay) và huyện Xương Quốc ở bờ bắc (hai huyện Gia Lâm, Đông Anh hiện nay) với quận thị (thủ phủ đô hộ) là vùng nội thành Hà Nội bây giờ. Đến năm 679, nhà Đường (thay nhà Tùy) đổi tên nước ta thành An Nam, đặt đô hộ phủ tại Tống Bình.

Nhằm chống phá phong trào khởi nghĩa nhân dân, vào nửa sau thế kỷ VIII, Kinh lược sứ nhà Đường là Trương Bá Nghi tổ chức đắp La Thành (quãng vùng Thủ Lệ - Quần Ngựa thuộc quận Ba Đình); đến nửa đầu thế kỷ IX, thành lại được đắp tiếp gọi là Kim Thành. Năm 866, Tiết độ Sứ Cao Biền một lần nữa đắp lại La Thành, thường được gọi là thành Đại La (vùng từ Quần Ngựa tới Bách Thảo), có quy mô lớn nhất từ trước đến lúc bấy giờ trên miền đất Hà Nội cổ.

- Thăng Long thời Lý


Năm 1009, Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên làm vua, thay thế nhà Tiền Lê đã tàn tạ.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của kinh đô đối với vận mạng đất nước, không thể “theo ý riêng”, “tự tiện chuyển dời”, mà phải nhằm “mưu toan việc lớn”, “tính kế cho con cháu muôn vạn đời”, năm 1010, Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) quyết định dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình (kinh đô cũ của nhà Đinh: 968 – 979 và nhà Tiền Lê: 980 – 1009 về thành Đại La cũ (nay là Hà Nội). Ông tự tay viết Chiếu dời đô, nêu rõ đây là nơi có thế “rồng cuộn hổ ngồi”, “tiện hướng nhìn ra sông, tựa núi”, “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương”. Khi thuyền vua đang tạm đỗ dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, vua nhân đó đổi tên thành là Thăng Long (theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Trên cơ sở thành Đại La, Lý Thái Tổ xây một thành mới, được giới hạn bởi ba con sông: phía đông là sông Hồng; phía bắc và phía tây là sông Tô; phía nam là sông Kim Ngưu. Thành gồm hai khu vực riêng biệt:

Theo Việt sử lược (thế kỷ XIV) thì năm 1010, bình đồ Hoàng thành Thăng Long vua Lý Thái Tổ xây dựng như sau: chính giữa là điện Càn Nguyên (sau đổi thành điện Thiên An, sau nữa vua Lê Thái Tổ đổi thành điện Kính Thiên); phía đông có điện Tập Hiền và cửa Phi Long, phía tây là điện Giảng Vũ và cửa Đan Phượng, phía nam là Cao điện, thềm Long Trì, hai bên Long Trì có hành lang, phía bắc (sau điện Thiên An) có hai điện Long An và Long Thụy, cạnh có cung Thúy Hoa. Ngoài ra, còn có chùa Hưng Thiên, lầu Sao Ngũ Phượng (Ngũ Phụng tinh lâu). Năm 1011 xây tiếp cung Thái Thanh, chùa Vạn Tuế, nhà chứa kinh Trần Phúc (bản dịch và chú giải của Trần Quốc Vượng, tr.70-71)

Cả hai khu (hoàng thành và dân sự), gọi chung là kinh thành, được bao bọc bởi một tòa thành thứ ba bằng đất, phát triển từ đê của ba con sông nói trên, gọi là Đại La (La Thành), vừa có chức năng là thành lũy phòng vệ, vừa là đên ngăn lũ lụt. Đây là một công trình xây dựng thành lũy nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Cũng tại Thăng Long, năm 1070 nhà Lý cho dựng Văn Miếu và sáu năm sau, mở Quốc Tử Giám làm nơi học tập cho con em tầng lớp quý tộc, quan lại. Nền đại học Việt Nam bắt đầu hình thành từ đó. Nho giáo bắt đầu có địa vị trong xã hội, tuy Phật giáo vẫn chiếu ưu thế. Dấu ấn Thăng Long thời kỳ này còn được lưu lại ở nhiều công trình kiến trúc đặc sắc: đền Đồng Cổ (xây năm 1028), chùa Diên Hựu - Một Cột (1049), tháp Báo Thiên (1057).v.v…Vào giai đoạn thịnh đạt của nhà Lý, kinh đô Thăng Long đã thực sự trở thành một trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa lớn nhất và tiêu biểu cho cả nước. Kỷ nguyên văn minh Đại Việt trong lịch sử Việt Nam cũng được mở ra từ đây.

Thay thế nhà Lý, triều Trần chấm dứt tình trạng loạn ly, thiết lập lại trật tự chính trị - xã hội. Thăng Long vẫn là kinh đô của đất nước. Do kinh thành liên tiếp bị tàn phá bởi những cuộc chiến tranh giữa các phe phái phong kiến cuối thời Lý, đặc biệt là trong ba lần bị giặc Mông – Nguyên chiếm đóng (1258, 1285 và 1288) nhà Trần hầu như chỉ tận dụng những cơ sở đã được xây dựng từ trước rồi tu bổ, mở mang thêm; năm 1230 sửa chữa thành Đại La và các cung thất; năm 1243 đắp lại Cấm Thành (sau đổi là Phụng Thành); năm 1253 tu sửa Quốc Tử Giám v.v…

Được quy hoạch lại thành 61 phường với số dân đông đúc hơn, tập trung khu vực dân sự, Thăng Long ngày càng rõ nét một thành thị với sự phát triển nhanh của phố, chợ, làng nghề thủ công. Nhiều khách buôn nước ngoài đã đến đây làm ăn, sinh sống; người Hoa, người Hồi Hột (Ouigour), người Chà Và (Java)…

Nền văn minh Đại Việt tiếp tục khởi sắc. Tại kinh đô, nhà Trần lập Quốc học viện (lúc đầu giành riêng cho con em quý tộc, quan lại, sau mở rộng cho cả các nho sĩ). Các học vị được quy định chính thức, cao nhất là Thái học sinh (như tiến sĩ sau này); Năm 1247, đặt thêm danh hiệu tam khôi (gồm ba học vị: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) dành cho ba người đỗ xuất sắc nhất trong các kỳ thị đình. Tầng lớp nho giáo ngày càng lấn át thế lực của tầng lớp tăng lữ trên cả hai bình diện chính trị và tư tưởng. Tại Thăng Long, thời kỳ thịnh trị của nhà Trần đã tụ hội nhiều nhà nho nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực: Lê Văn Hưu, tác giả Đại Việt sử ký (1272); Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên), người đặt cơ sở ra đời cho nền văn học tiếng Việt; Hồ Tông Thốc, tác giả Việt sử cương mục…, bên cạnh những vua hiền, tướng giỏi, văn võ song toàn kiêm thi sĩ tài hoa: Trần Thánh Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.v.v..

Ngày 29/4/1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, định đô ở Đông Đô và năm 1430, đổi tên là Đông Kinh (đến năm 1466 đổi là phủ Trung Đô).

Dưới thời Lê (Hậu Lê) kinh thành Thăng Long cũ được mở rộng sang phía đông. Trong cấm thành, một tòa thành hình chữ nhật xây gạch với cửa chính là Đoan Môn, nhà Lê xây dựng và bố trí lại nhiều cung điện, lầu gác mà thâm nghiêm nhất là điện Kính Thiên (năm 1467, xây thêm hai lan can bằng đá ở thềm điện). Ngoài Hoàng thành, nhiều kiến trúc mới cũng xuất hiện. Khu dân sự tiếp tục phát triển và được quy hoạch lại gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương; mỗi huyện có 18 phường, Đông Kinh lúc này đã có những phố chợ buôn bán tấp nập, nhiều phường thủ công nổi tiếng: Nghi Tàm Thụy Chương dệt vải, Yên Thái làm giấy, Hàng Đào nhuộm điều .v.v…

Dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đất nước đã đạt tới đỉnh cao của quốc gia phong kiến độc lập. Nhà Lê đưa nho giáo lên địa vị chính thống và xây dựng một chế độ đào tạo cho nho sĩ và quan lại rất chính quy. Quốc Tử Giám (hay Thái học viện) ở Đông Kinh là cơ quan giáo dục cao nhất trong nước. Số người đi thi hội (ba năm mở một kỳ) ở kinh thành có khi lên đến hàng nghìn. Từ năm 1487, bia tiến sĩ được dựng ở Văn Miếu. Văn học chữ Hán chiếm ưu thế với các tác phẩm nổi tiếng như Bình Ngô Đại Cáo (được coi như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước ta) và Quân trung từ mệnh lập của Nguyễn Trãi, những bài phú của Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân.v.v cùng với hội Tao Đàn, tổ chức tiêu biểu dòng văn học chính thống, do Lê Thánh Tông sáng lập.

Những mâu thuẫn trong nội bộ triều Lê, từ đầu thế kỷ XVI, đã dẫn tới sự phế truất vua Lê của tập đoàn phong kiến quân phiệt Mạc Đăng Dung (1527). Năm 1588, nhà Mạc huy động dân đắp 3 lần lũy đất để tăng cường hệ thống phòng thủ. Nhưng chỉ 4 năm sau, dưới danh nghĩa phù Lê, họ Trịnh chiếm được kinh thành. Kinh đô chính thức trở lại tên gọi Thăng Long. Triều đình (bù nhìn) của vua Lê đóng trong Hoàng thành cũ. Phủ chúa Trịnh, kẻ nắm thực quyền lúc đó, được xây bên ngoài, gồm nhiều cung điện nguy nga, chạy dài từ bờ tây Hồ Gươm ra tới đê sông Hồng. Tuy có những biến động chính trị, cho đến cuối thế kỷ XVIII, Thăng Long (thời bấy giờ còn quen gọi là Kinh Kỳ hay Kẻ Chợ) vẫn là một thành thị - thương cảng sầm uất nhất cả nước và vào loại lớn ơ Châu Á. Bên cạnh các thương điếm của người Hoa, còn có cả những thương điếm của người Anh, Hà Lan, Đức. Khu vực dân cư đông đúc hơn trước và có cả nhà hai tầng. Nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, đặt biệt là về tôn giáo, đã được xây dựng thêm.

Cuối năm 1788, Kinh đô và đất nước Đại Việt lại phải đương đầu với cuộc xâm lược của đế chế Mãn Thanh. Từ Phú Xuân (Huế), vua Quang Trung thống lĩnh đại quân Tây Sơn tiến ra Bắc, giải phóng Thăng Long. Kinh đô mới được đặt ở Phú Xuân, và Thăng Long lúc này trở thành Bắc Thành (thủ phủ của Bắc Bộ ngày nay). Tuy vậy, Hoàng thành và một số công trình nghệ thuật ở đây vẫn được tu sửa.

Lợi dụng cơ hội vua Quang Trung qua đời (1792), tập đoàn phong kiến Nguyễn Ánh từ miền Nam đánh chiếm Phú Xuân (1801) rồi Thăng Long (1802). Kinh đô nhà Nguyễn vẫn đặt ở Phú Xuân và Thăng Long vẫn là Bắc Thành. Hoàng thành bị phá bỏ, thay vào đó là một tòa thành mới hình vuông, xây theo kiểu thành Vô – băng (Vauban) của Pháp. Năm 1831, Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội với tỉnh lỵ là phủ Hoài Đức (thành Thăng Long cũ), do đó, Thăng Long cũng được gọi là Hà Nội. Quốc Tử Giám, cơ quan giáo dục cao nhất ở trong nước bị dời vào Huế. Trường thi Hội cũng bị bãi bỏ.

Tuy không còn là trung tâm chính trị, Hà Nội lúc đó vẫn là trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất của cả nước. De La Liraye, người Pháp, đã viết năm 1877: “Dù không còn là Kinh đô nữa, Kẻ Chợ (Hà Nội) vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, công nghiệp, thương nghiệp và sự giàu có, số dân đông đúc, về sự lịch duyệt và học vấn…Chính ở đó đã tụ tập từ các nơi về những văn nhân, thợ giỏi, nhà buôn lớn. Chính ở đó đã sản xuất các mặt hàng thiết yếu và các đồ mỹ nghệ xa hoa. Tóm lại, đó chính là trái tim của dân tộc…”.

Cuối thế kỷ XIX, trước những hành động xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân cả nước đã đứng lên kháng chiến. Tại Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Tổng đốc Nguyễn Tri Phơng và người kế nhiệm là Hoàng Diệu, nhân dân đã hai lần đánh bại các cuộc tấn công của quân Pháp. Nhưng triều đình nhà Nguyễn nhu nhược đã ký “Hiệp ước hòa bình” (Hiệp ước Harmard, 1883), công nhận quyền thống trị của Pháp trên cả nước. Hà Nội trở thành đất “bảo hộ” thuộc Bắc kỳ, đặt dưới quyền cai trị của một viên Thống sứ người Pháp. 5 năm sau (7 – 1888), Tổng thống Pháp ra sắc lệnh lập thành phố Hà Nội, gồm đất đai tỉnh lỵ Hà Nội, đứng đầu là một viên Đốc lý.

Chính sách thuộc địa trên quy mô lớn của thực dân Pháp đã làm diện mạo của Hà Nội từ đầu thế kỷ XX có nhiều thay đổi. Các cơ sở hạ tầng được hoàn thành, trước hết là mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, cầu cống, trong đó có cầu Doumer qua sông Hồng. Thành cổ Hà Nội lại bị phá để xây các “khu nhà binh”, công sở. Cùng với “khu phố Tây” (nằm trên các đường Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ… ngày nay), một số công trình mang phong cách Châu Âu như Phủ Toàn Quyền (nay là Phủ Chủ Tịch), Phủ Thống Sứ (nay là Nhà khách Chính Phủ), Ngân hàng Quốc Gia, Trường Viễn Đông Bác Cổ (nay là Thư Viện Khoa Học Xã Hội), Nhà hát lớn, Nhà Thờ Lớn, Ga Hà Nội ..v..v đã được xây dựng. Sự phân hóa xã hội ngày càng được đẩy mạnh. Giai cấp công nhân dần dần được hình thành và ngày càng trưởng thành về mặt ý thức giai cấp.

- Hà Nội thời Nguyễn và Pháp thuộc

Kinh đô nhà Nguyễn đặt tại Phú Xuân, Thăng Long trở thành thủ phủ của Bắc Thành tổng trấn (gồm 11 trấn). Sau cuộc cải cách hành chính bỏ trấn lập tỉnh của Minh Mạng (1831), Thăng Long chỉ còn là tỉnh lị của tỉnh Hà Nội. Quốc Tử Giám, Văn Miếu tại kinh thành cũ trở nên hoang phế một thời gian dài, trường thi Hội bị giải tán.

Hoàng thành cũng bị phá bỏ. Năm 1805, Gia Long (Nguyễn ánh, 1802 – 1819) cho xây dựng trên nền cũ một tòa thành mới nhỏ hơn, hình vuông, mỗi bề 1.200m theo kiểu thành Vô-Băng (Vauban) cuối thế kỷ XVII của Pháp. Trong thành chia ra nhiều khu: Khu trung tâm có diện Kính Thiên ở chính giữa, phía sau là hành cung, nơi vua ở mỗi khi ra Bắc; khu phía đông là dinh thự các quan lại; khu phía tây là kho tàng (các kho thóc, kho tiền, kho thuốc súng); góc đông – bắc là nhà ngục; chung quanh là thành là các trại lính.

Không còn là kinh đô của đất nước nhưng Hà Nội vẫn không mất vị trí là một trung tâm lớn về kinh tế và các phương diện khác.

De La liraye, một tác giả người Pháp viết năm 1877: “Dù không còn là nơi vua chúa ở nữa, Kẻ Chợ (Hà Nội) vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, công nghiệp, thương nghiệp, về sự giàu có, số dân đông đúc, về sự lịch duyệt và học vấn. Chính nơi đó đã tụ tập các nơi về những văn nhân thợ giỏi, nhà buôn lớn: chính nơi đó đã sản xuất ra các mặt hàng thiết yếu và các đồ mỹ nghệ sa hoa…. Tóm lại đó (Hà Nội) chính là trái tim của dân tộc.

Sau khi đã nhường cho Pháp sáu tỉnh Miền Nam (1867), triều đình nhà Nguyễn lại tạo cơ hội cho Pháp thực hiện âm mưu chiếm cứ Hà Nội; yêu cầu Pháp cử người ra Bắc dàn xếp vụ tên gián điệp Jean Dupuis gây rối. Chỉ hơn một tuần đặt chân lên đất Hà Nội, ngày 20-11-1873 đại diện nhà cầm quyền Pháp Francis Garnier đã ra lệnh nổ súng tấn công. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trực tiếp lên mặt thành chỉ huy cuộc kháng chiến (bị thương ở bụng, ông nhịn ăn mà chết). Vua Tự Đức đã thỏa hiệp, cho Pháp được đặt lãnh sự quán với binh lính riêng tại Hà Nội. Được thế lấn tới, thực dân Pháp tổ chức đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai (25/04/1882). Trong thành Hà Nội tổng đốc Hoàng Diệu kiên cường đốc chiếm và sau đó đã anh dũng tuẫn tiết. Sau khi viên tổng chỉ huy Pháp Henri riviere bỏ mạng cùng với trên 100 binh lính bị giết hoặc bị thương trong một trận phục kích của quân ta tại Cầu Giấy. Sau khi triều đình Nhà Nguyễn lại tiếp tục nhượng bộ, cuối cùng ngày 25/08/1833 “hiệp ước hòa bình” được ký kết thừa nhận Pháp đặt quyền thống trị trên cả nước Việt Nam. Hà Nội trở thành đất “bảo hộ” thuộc xứ Bắc Kỳ đến năm 1888, chính thức là một thành phố theo chế độ “nhượng địa” của Pháp.

Diện mạo Hà Nội bắt đầu có nhiều thay đổi. Thành cũ lại bị phá bỏ nhường chỗ cho các doanh trại. Điện Kính Thiên cũng bị phá hủy, thay vào đó là nhà con rồng hai tầng dùng làm Sở chỉ huy pháo binh (1886). Đi đôi với việc hình thành các “khu phố Tây” (nằm trên các đường Lý Thường Kiệt, Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Tràn Hưng Đạo…ngày nay) một số công trình khác mang phong cách Châu Âu được xây dựng: Phủ toàn quyền (nay là phủ chủ tịch). Phủ Tống Sứ (Nhà khách Chính Phủ), Ngân Hàng quốc gia, Nhà Hát lớn, Nhà Thờ Lớn, nhà bưu điện, trường viễn Đông Bác Cổ, ga Hà Nội.

Mặc dù thực dân Pháp thi hành chính sách đàn áp, khủng bố tàn bạo, phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội thời Pháp thuộc lúc âm ỉ, lúc rầm rộ, không bao giờ tắt… ngày 19/08/1845, thực hiện lệnh khởi nghĩa của Ủy Ban quân sự cách mạng, 20 vạn nhân dân nội, ngoại thành đã xuống đường giành chính quyền thắng lợi. Ngày 02/09/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn Độc lập, công bố trước toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Hà Nội được vinh dự chọn làm thủ đô của cả nước trong kỷ nguyên mới.

- Hà Nội dưới chế độ mới.

Bước vào xây dựng cuộc sống tự do, dân chủ chỉ hơn một trăm năm, nhân dân Thủ đô lại phải đương đầu với một cuộc xâm lược mới của thực dân Pháp. Đêm 19/12/1946 theo lời kêu gọi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc toàn quốc kháng chiến. Cuộc kháng chiến đã thắng lợi sau 9 năm trường kỳ chiến đấu. Ngày 10/10/1954, cả Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng thủ đô.

Hòa bình lập lại, Hà Nội khẩn trương bước vào công cuộc khôi phục và xây dựng kinh tế. Sau kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 – 1965), Thủ đô đã trở thành trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế quan trọng trong cả nước. Các khu công nghiệp Thượng Đình, Minh Khai và hàng chục xí nghiệp được xây dựng, đi vào sản xuất. Hà Nội đã đổi thay toàn diện về công nghiệp, thương nghiệp, giáo dục.

Giữa năm 1966, Mỹ leo thang chiến tranh ra tận Thủ đô, Hà Nội chuyển sang thời kỳ vừa sản xuất vừa chiến đấu. Sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra (03/1968) và nhân dân ta đang khẩn trương khắc phục hậu quả của cuộc cuộc chiến tranh phá hoại, tháng 04/1972 Hà Nội lại trở thành mục tiêu đánh phá lần thứ hai của Mỹ. Cuối năm đó chỉ trong vòng 12 ngày đêm (18-29/12/1972), 4 vạn tấn bom (với sức công phá lớn bằng hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945) đã trút xuống địa bàn Hà Nội. Thể hiện bản lĩnh của “Thủ đô của phẩm giá con người”, quân và dân Hà Nội đã lập nên trân “Điện Biên Phủ trên không”: 23 chiếc pháo đài bay B52, 2 chiếc F111 và 5 máy bay khác của Mỹ đã tan tác trên bầu trời Thủ đô, góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris (1/1973), rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước. Đúng một năm chín tháng sau, ngày 30/09/1974 tại Tổng hành dinh đóng trong thành cổ Hà Nội, Bộ Thống soái tối cao của cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước duyệt kế hoạch chiến lược giải phóng miền nam. Với sự chi viện hết lòng và toàn diện của quân dân Hà Nội và miền bắc, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 trên toàn miền nam, mở đầu bằng cuộc tiến công Buôn Ma Thuật (Tây Nguyên) đã kết thúc bằng sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/04/1975).

Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bắc – Nam thống nhất mới. Tháng 04/1976, Hà Nội được Quốc hội chung của cả nước quyết định là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới toàn diện do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra, từ cuối năm 1986, Thủ đô bước vào một giai đoạn mới đầy thử thách lẫn vận hội của việc chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường. Kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới, vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, nền kinh tế Hà Nội đã vượt qua thời kỳ suy thoái, liên tục tăng trưởng ở tất cả các thành phần….. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Năm 1999, Hà Nội đã được tổ chức văn hóa – giáo dục – khoa học của Liên hợp quốc (Unessco) trao tặng danh hiệu vẻ vang “thành phố vì hòa bình” và lấy làm nơi phát động “năm quốc tế hòa bình – 2000”

Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, Hà Nội tiếp tục đạt được những thành tựu mới. Đẩy mạnh cuộc đổi mới, nhân dân Hà Nội đang vững vàng từng bước, xây dựng Thủ đô trở thành “trung tâm đầu não về chính trị, về văn hóa và khoa học – kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark