30/11/2012 | 15:42:00

Hội đình trên sông

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ở làng chài người dân cả cuộc đời, bao thế hệ nối tiếp nhau sinh sống, vật lộn trên sông nước để lao động, chiến đấu và tồn tại. Trong điều kiện thực tế ấy dân chài đã sáng tạo, xây dựng cho mình những sản phẩm văn hóa mang đặc tính văn hóa sông nước.

Đình trên sông của làng chài mà chúng tôi được biết không nhiều, chưa được phổ biến rộng khắp ở cư dân sông nước, mới chỉ tồn tại ở một số làng chài trên sông Hồng, sông Đáy. Như đình trên sông vùng Việt Trì, Hát Môn, Vạn Dâu, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng.

Nhưng tiêu biểu hơn là đình trên sông làng chài Vạn Vĩ, xã Trung Châu huyện Đan Pượng. Có lẽ do phải vật lộn với sóng gió, sông nước mà dân chài xưa đã đặt tên làng chài của mình là Vạn Vĩ. Vạn là sóng, mạnh. Vĩ là đại, lớn. Vạn Vĩ là sống lâu, sống lớn. Vạn Vĩ xưa có một địa bàn khá rộng trên vùng sông Hồng thuộc Đan Phượng. Gồm các xóm chài Yên Dâng (gần cầu Phung) Vạn Chài nay là Đại Thần, Vạn Vĩ.

Làng chài thường tụ cư trên một vùng sông nhất định với những con thuyền nhà tương đối ổn định, còn các thuyền nhỏ thường lưu động trên sông để đánh cá theo mùa, theo luồng cá và hướng nước. Những thuyền nhỏ, nhỡ là thuyền đánh cá và thông thương.

Nỗi niềm khôn nguôi của dân chài là “sống không có chỗ ở, chết không có chỗ chôn.” Bởi vậy làng chài nào cũng phải kết nghĩa với những làng người Việt trên đất để khi chết có chỗ chôn, xem đó là làng là quê hương thứ hai của mình, hàng năm lên vùng đất ấy cúng và tạ ơn.

Làng Vạn Vĩ từ lâu đã kết nghĩa với làng Lại Tự Châu là làng thứ hai của mình. Nhân dân Lại Tự Châu với nhân dân làng Vạn Vĩ trở nên gắn bó thân thương đằm thắm tình cộng đồng, tình làng xóm.

Những ngày lễ tết, hội của làng Lại Tự Châu là dân Vạn Vĩ (Vạn Chài) đem hương hoa đến cúng lễ. Đặc biệt, Vạn Vĩ còn khiêng kiệu đến để tham gia rước hội.

Tục thờ thần Hà Bá

Hầu hết các làng chài trên sông Hồng cũng như làng chài Vạn Vĩ đều có tục lễ thờ thần Hà Bá linh thần. Lạc Long Quân (Lạc Long Vương), thần Linh Thông, thần Linh Ứng, thần Ngư Phụ tiên sư,…

Hội Vạn Vĩ tổ chức vào ngày 9 tháng ba âm lịch hàng năm. Kể từ ngày 20-22 tháng 2 âm lịch tiến hành lễ xuống lưới, từ 23-25 dong thuyền đi đánh cá. Trong thời gian này mọi ngư dân đều phải để lại con cá lớn nhất trong ngày để chọn cúng Hà Bá linh thần.

Có khi phải đến ngày trước hội mới đánh bắt được cá to. Gia đình nào có cá to nhất làng được chọn làm vật cúng, thì gia đình đó, dân chài năm đó được ấm no hạnh phúc. Gia đình đó được vinh dự nhất làng chài.

Ngoài tục tế lễ các Hà Bá linh thần, Lạc Long Quân (thủy quan), Linh Thông thần, Linh Ứng thần, Ngư Phụ tiên sư thần, thì cũng như nhiều làng khác Vạn Vĩ và Đại Thần còn thờ cúng thần có công đức với dân với nước, như Võ Duệ (Trung Ngãi Đại Vương).

Đình trên sông

Đình được xây dựng trên chiếc thuyền rồng rộng lớn nhất vùng. Thuyền đình được tạo dáng theo hình rồng bay, rồng phục, dài 12m, rộng 5m, cao 3m50 chia thành ba khoang. Khoang 1 (phí đầu rồng) là đình. Khoang 2 là đại bái. Khoang 3 để hương án

Đình gồm 4 cột gỗ, 4 xà lớn, 4 xà nhỏ đỡ 8 mái uốn cong, mái trên nhỏ hơn mái dưới. Mái đình không có ngói mà làm bằng phên ép, lá cọ, hoặc nứa khô. Cũng có trường hợp mái phên ép ở giữa uốn thành một mái, 4 phía là những tấm ván gỗ liên kết nhau tạo thành 3 mặt cửa đình (mặt tiền, hữu tả). Đình được neo giữa dòng sông.

Sân đình gồm từ 3 đến 5 thuyền hoặc nhiều hơn ghép lại với nhau, muốn rộng thì ghép nhiều thuyền. Không gian hội làng chài thường tập hợp 21-23 thuyền lớn. Hội rước có khoảng 7-8 can thuyền chính (ba thuyền ghép lại thành một can).

4 can để kiệu và tế lễ.

Can thuyền đình xếp thành hàng dọc:

Can I gồm 3 thuyền. Thuyền 1 có đình, thuyền 2 có giá hương, thuyền 3 có hương án.

Can II liên kết theo hàng ngang với các kiệu sơn son thếp vàng. Thuyền 1 để kiệu bát cống rước giá văn, cờ, quạt, trống, chiêng. Thuyền 2 để kiệu bát cống (kiệu rước Hà Bá linh thần) để rước 5 bát hương (5 vị thần). Thuyền 3 để kiệu bát cống, cờ quạt trống chiêng.

Can III liên kết theo hàng ngang. Thuyền 1 đông xướng và phường bát âm. Thuyền 2: hương án, chủ tế, trống tế. Thuyền 3: tây xướng

Can IV bố trí theo hàng dọc. Thuyền 1 và 3 để chấp kích, bát bửu, trùy đồng, cờ và 3 phướn. Thuyền 2 là thuyền đuốc cờ thần và bình nước

Can V xếp theo hàng ngang. Thuyền 1 và 3 có cờ, đuốc. Thuyền 2 hát ả đào.

Can VI cũng theo hàng ngang. Thuyền 1 và 3 đặt trống nhạc và nơi của chức sắc. Thuyền 2 múa sư tử, múa rồng

Can VII theo hàng ngang. Thuyền 1 và 3 của quan viên, Thuyền 2 là quan khách

Các thuyền khác đến dự hội đều quây thành vòng tròn ở giữa sông Hồng hướng vào thuyền đình và các can thuyền.

Thuyền đình trên sông cứ 10 năm lại được làm mới. Trước và sau khi làm lại thuyền đình đều phải tiến hành các thủ tục theo nghi lễ cổ truyền

Lễ hội

Trên các thuyền đều cắm cờ, phướn, đèn hoa, đuốc đốt sáng rực cả mặt sông, mỗi thuyền như một lâu đài, đèn hoa óng ánh sắc màu, nhuộm không gian như huyền thoại thủy tiên.

Theo luật tục cổ truyền mỗi giáp có một thuyền riêng trên thuyền để hương án và các vật tế, một cờ thần (cờ đuôi nheo) hai cờ vuông, các cờ có đường viền ngũ sắc, đường ngoài theo hình răng cưa và những bó đuốc lớn (đuốc thần).

Cờ thần lớn nhất của hội là cờ đuôi nheo dài 12m8 cờ làm bằng vải tơ tằm màu ngà, màu trắng có lẽ tượng trưng cho màu nước, xung quanh có đường viền ngũ sắc, phía ngoài là đường viền hình răng cưa và có các dải lụa màu dài khoảng 14m.

Trên lá cờ có các hình quân sĩ, bảy con nhạn, voi, rồng, thuyền rồng, chim, cá…

Cột cờ làm bằng thân cây gỗ hoặc tre, trên đầu cột có con cá bằng gỗ - biểu tượng của nghề ngư nghiệp gắn với nước và có thể cả mặt trăng nữa. Đế cột cờ là mui rùa - biểu hiện của sự vững chắc.

Ngoài cờ đuôi nheo còn có một số ít cờ thần (cờ vuông). Tất cả đầu cột cờ đề có hình cá bằng gỗ.

Hội lớn thường có 3 kiệu bát cống, 6 quạt đại, 6 tán, 3 bộ bát bửu đơn hoặc kép, 2 phủ việt, 2 trùy đồng.

Không kể cờ đại theo qui định, còn có hai bộ cờ ngũ phương, hai bộ cờ ngũ hành, 10 cờ đuôi nheo, 10 cờ vuông

Hai bên bờ sông có cờ đèn, hoa, đuốc, và nhân dân khắp vùng đến xem hội rước.

Hội làng bắt đầu từ đêm 9/3 âm lịch đến hết ngày 10/3 âm lịch. Hội lớn kéo dài tới 7 ngày.

Mở đầu cho hội trống, chiêng, bát âm, múa sư tử, rồi tiến hành nghi lễ. Các vật phẩm để cúng tế gồm có hoa, hương, trà, đăng, quả, thực. Ngoài ra nhất thiết phải có con cá to nhất đặt trên mâm vải điều để cúng Hà Bá linh thần (thủy thần) rồi từ đó mới tiến hành nghi thức khác.

Lễ hội gồm có hai phần. Phần tế: chủ tế đứng giữa hướng vào bài vị. Phía sau hai bên là 2 người bồi bái, tiếp theo là 8 người đứng thành 2 hàng hành hương, hành tửu (mỗi bên 3 người đứng dâng đài ruợu, một người Đông xướng, một người Tây xướng)

Phần khởi lễ: bắt đầu từ nửa đêm gọi là tế Phụng Linh, đến sáng là tế Yên vị: đọc những công đức của thành hoàng làng và cầu mong Hà Bá linh thần phù hộ cho dân chài mọi điều tốt lành, hạnh phúc ấm no, quanh năm được mùa cá…

Hội rước khởi đầu bằng pháo nổ ầm trời, trống chiêng rền vang cả một vùng. Thuyền cờ thần (đuôi nheo) đi đầu, trống chiêng, nhiều đuốc nhỏ và 3 bó đuốc lớn sát chụm vào nhau tạo thành bó đuốc lớn gọi là cây Đình Liệu.

Tiếp đến là các thuyền 2,3 của can I và theo thứ tự thuyền 1,2,3 của các can II, III, IV, V, VI, VII. Các thuyền của nhân dân trong vùng đến dự hội, xem hội đều đi theo hai bên các thuyền hội. Ba thuyền có kiệu hát cồng đều do thanh niên đứng trên thuyền khiêng kiệu. Những người chèo thuyền đều mặc trang phục như những người chấp kích.

Trên các thuyền hội được mọi người chú ý là cảnh múa sư tử rất đẹp, rất hấp dẫn. Tiếp đến là cảnh múa tiên, hát ca trù. Thuyền rước kéo dài như những rừng cờ, rừng hoa, rừng đuốc lấp lánh trên dòng sông Hồng, thật là một cảnh ngoạn mục và độc đáo của hội rước làng chày.

Đám rước đến khúc sông sâu đã chọn trước, thì đoàn thuyền rước nối đuôi nhau lượn tròn để tiến hành thủ tục nghi lễ múc nước, sau đó bình nước được rước về đình trên sông.

Khi đám rước trở về đình sông cũng là lúc ánh bình minh trải những tia nắng ban mai trên mặt nước sông Hồng long lanh. Đến đây hội rước trên sông tiến hành nghi thức lễ yên vị.

Tiếp đến là các trò chơi trên sông như đua thuyền rồng, bơi chải, diễn chèo, múa sư tử, hát ca trù… cả khúc sông Hồng tưng bừng rộn vang trong ngày hội của dân chài.

Đình hội rước trên sông của dân chài Vạn Vĩ nói riêng, vùng sông Hồng Đan Phượng nói chung là di sản văn hóa độc đáo, hiếm và khác biệt với những vùng văn hóa khác. Nó góp vào nền văn hóa cộng đồng người Việt những tinh hoa sáng tạo trong tổng thể văn hóa Việt Nam./.

(Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark