29/11/2012 | 14:32:00

"Thiết bút thư sinh" giữa Hà Thành

Ít ai biết được rằng, những dòng chữ Hán cổ ở các bài thơ, các tập Kinh dịch.. trên thân quả chuông trong các đền, chùa ở Hà Nội hay các tỉnh thành...hầu hết đều được khắc thủ công. Người dùng bút sắt viết chữ lên chuông, ông Nguyễn Đăng Hiển được biết đến với nghệ danh "Thiết bút thư sinh".

Viết chữ trên chuông hay trên các chất liệu khác cơ bản là giống nhau vì cùng viết theo thể loại thư pháp. Có nghĩa là cũng có thể viết thảo, sau đó mới dùng kĩ năng để thể hiện được cái thần của bút. Nhưng khác ở chỗ là những ông đồ viết bằng bút lông với các nét mềm mại như rồng bay phượng múa thì khắc chữ trên chuông, ông đồ Hiển phải dùng sức của bàn tay, sự tính toán của đầu óc sao cho các chữ vừa khớp với kích cỡ của chuông.

Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống dạy học, lớn lên ông Hiển theo học trường Sư phạm Ngọai ngữ, sau đó được tiếp xúc với chữ Hán nên dần dần chữ Hán ăn sâu vào máu thịt, trở thành niềm đam mê không dứt. Ông cũng may mắn được học nghề chạm khắc từ bố vợ nên đến với nghề cũng là cái duyên tình cờ.

"Thời buổi này thù lao khắc chữ không đủ sống nhưng tôi làm trong nhà chùa thì cũng như đi tu, thấy lòng thanh thản là vui rồi". Ông Hiển tâm sự.

Để hoàn thành một tác phẩm trên chuông phải mất khá nhiều thời gian và công sức. Trước hết, người thợ phải biết trên chuông sẽ được viết bài kinh hay những câu thơ phú nào? bao nhiêu chữ... để sắp xếp bố cục chữ cân đối trên mặt chuông.

Sau đó chia các ô cho đều và ngay ngắn rồi mới có thể chạm chữ. "Múa bút" trên các chất liệu khác, nếu không ưng ý có thể bỏ đi viết lại nhưng không thể làm việc đó trên một quả chuông, đó là điều không thể. Chính vì quả chuông được lưu lại mãi mãi và có giá trị lâu dài nên khi chạm chữ đòi hỏi người thợ phải có độ tập trung cao và thể lực tốt.

Vì thành thạo chữ Hán và có kinh nghiệm chạm chữ nên trung bình một ngày ông Hiển khắc được khoảng 200 chữ. Do đặc thù của công việc, nên ông luôn luôn phải thay đổi tư thế và cách thức làm việc sao cho thoải mái mà đạt hiệu quả nhất.

Ông Hiển luôn tâm niệm: "Chạm chữ lên chuông cũng như học chữ thánh hiền, dạy cho ta cốt cách, lẽ sống ở đời. Phải kiên tâm thì mới có thể thành công".

Ở ông toát lên vẻ thư thái của những nhà nho học qua phong cách nói chuyện điềm đạm, sâu lắng. Luôn tâm niệm, nghề chọn người chứ người không chọn nghề, ông tự rèn luyện mình bằng chính công việc chạm chữ. Không thể vội vàng, phải nhẫn nại, kiên trì để làm sao thể hiện được thần thái của chữ rõ ràng nhất.

Bây giờ ông không nhận chuông về nhà mà thường đến chùa làm. Ở nhà ông mở lớp dạy chữ Hán đã được vài ba năm, học chữ rèn người, chữ Hán rèn nhân cách con người về sự hướng thiện lẫn nhân văn.

Đâu phải anh thợ chỉ suốt ngày biết đến búa đục, được mời đi chạm chữ ở khắp các vùng miền, ông được tiếp xúc với nhiều người làm phong phú thêm vốn sống, học hỏi thêm vốn từ Hán của mình.

Thời nay, người hiểu biết chữ Hán cổ cũng không ít, biết chạm chữ lên chuông cũng không phải là thiếu. Nên muốn làm để chữ nghĩa thực sự có hồn, đúng nghĩa thì phải biết cả hai,đây cũng là lý do vì sao " Thiết bút thư sinh" chưa có "đệ tử chân truyền".

Chưa từng có ý nghĩ từ bỏ nghiệp bút sắt, quyết định đó không phải là ngẫu hứng mà đã được trải nghiệm gần trọn đời ông bằng những niềm vui, niềm đam mê xen lẫn không ít nhọc nhằn. " Còn sức khỏe là tôi còn chạm chữ trên chuông" Ông Hiển nói.

Hy vọng, những giá trị nhân văn sâu sắc từ người thợ khắc chữ trên chuông cũng sẽ như những tiếng chuông còn vang mãi với đời.


 

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark