28/11/2012 | 09:48:00

Tiếng Hà thành - Nét đẹp nguồn cội cần gìn giữ

Tiếng Hà thành chính là hồn vía làm nên truyền thống của một vùng đất ngàn năm văn hiến. Đó là báu vật chúng ta phải bảo tồn, gìn giữ.

Ngôn ngữ là tiêu chí nhận diện của một dân tộc, ngôn ngữ cũng là biểu trưng văn hóa của một vùng đất. Tiếng Hà thành chính là hồn vía làm nên truyền thống của một vùng đất ngàn năm văn hiến và đó là điều chúng ta phải bảo tồn, gìn giữ.

Sau ngày 1/8/2008, cùng với quy mô diện tích tăng lên gần gấp 4 (3.344 km2), dân số của Hà Nội cũng đã vượt ngưỡng 6 triệu người (trên 6,2 triệu người), Hà Nội trở thành một trong số những thành phố lớn trên thế giới. Vấn đề đặt ra là, với sự mở rộng khá lớn như vậy, liệu có còn một “phương ngữ Hà Nội” - tiếng Hà Nội đã tồn tại cả ngàn năm nay nữa hay không? Nói thế có vẻ lo xa, bởi tất nhiên là vẫn còn. Nhưng nếu không lưu tâm, sự pha trộn không đúng hướng rất có thể sẽ làm nhạt nhoà bản sắc văn hoá một vùng đất.

Nhiều người cho rằng, mặc dù có sự hợp nhất “liên tỉnh” nhưng đó chỉ là mặt pháp lí còn các cộng đồng cư dân vẫn ở và sinh sống theo vùng chứ không hề có sự xáo trộn nào. Bởi vẫn còn đó Hà Nội (với nội thành và ngoại thành cũ), TP Hà Đông, TX Sơn Tây và các vùng nông thôn quen thuộc. Đất nơi nào thì vẫn lề thói và tiếng nói nơi ấy. Chắc chẳng thay đổi gì!

Thực tế không hẳn thế. Với cơ cấu mới theo các quy hoạch về cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp và các dịch vụ khác, cư dân Hà Nội chắc chắn sẽ có sự xáo trộn. Với “hộ khẩu Hà Nội”, người Hà Tây và một số vùng thuộc Vĩnh Phúc, Hoà Bình cũ được phép chuyển di và làm ăn sinh sống hợp pháp tại những nơi trước kia họ chỉ được coi là “khách vãng lai”. Chủ quyền, hộ tịch đã khác. Như vậy, sẽ xảy ra sự điều chuyển theo lực hút cơ học và theo quy luật, trung tâm thủ đô sẽ là tâm điểm cho các “vệ tinh” kéo về.

Cư dân đi trước, ngôn ngữ và lề thói tập tục đi theo liền. Sự hoà nhập dân cư là khởi nguồn cho những thay đổi về tập tục, lối sống, ngôn ngữ và văn hoá. Âu cũng là lẽ thường tình.

Tiếng Hà Nội, một phương ngữ nhánh của phương ngữ Bắc Bộ sẽ ít nhiều có sự tác động và biến động của sự kiện này. Nhưng nó thay đổi đến đâu lại phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó có các nhân tố chủ quan. Điều ta quan tâm là, bản sắc tiếng Kẻ Chợ - trong đó có ngôn ngữ, một nhân tố quan trọng làm nên nét thanh lịch của người Tràng An - có bị mai một hoặc biến đổi nhiều không?

Tiếng Hà Nội ngàn xưa có nhiều cái hay: đủ 6 thanh (không dấu, huyền, ngã, hỏi, sắc, nặng), phát âm nhẹ nhàng, chỉ thiếu 3 âm quặt lưỡi là “r” (ví dụ “rào” trong “mưa rào”); “tr” (ví dụ “trâu” trong “con trâu”) và “s” (ví dụ “sắt” trong “sắt đá”), nhưng quan trọng là lời lẽ chỉn chu, thái độ lễ phép cùng với dáng điệu cử chỉ duyên dáng. Đó là cái riêng biệt mà ta thường gọi là lối nói, lối xưng, gọi lịch sự, nhã nhặn có thể nhận thấy ở hầu hết các gia đình nền nếp gia giáo xứ Hà thành từ xưa đến nay.

Dĩ nhiên, tiếng nói các vùng mới nhập vào Hà Nội cũng phản ánh đặc thù của những vùng dân cư khá đặc sắc và chứa đựng nhiều nét đẹp mới mà người Thủ đô sẽ được thừa hưởng. Đó là sự thống nhất trong đa dạng. Tuy nhiên, đường nét văn hoá và ngôn ngữ “ba sáu phố phường” kia vẫn là nét chủ đạo cần bảo lưu.

Vậy thì trong thời kỳ mới của Thủ đô mở rộng, thiết tưởng chúng ta cũng phải lưu ý tới việc bảo tồn và phát huy tiếng nói sao cho thanh lịch đúng cốt cách Tràng An. Người kinh kì nói gì cũng hay. Thế nào là hay thì chúng ta cần phải bàn kĩ. Song chắc chắn một điều, ngôn ngữ Thăng Long ngàn năm vẫn còn hiển hiện, tường minh trong lời ăn tiếng nói hàng ngày trong mọi cộng đồng cư dân Thủ đô.

Ngôn ngữ là tiêu chí nhận diện của một dân tộc, ngôn ngữ cũng là biểu trưng văn hoá của một vùng đất. Chim khôn tiếng hót rảnh rang/ Người khôn tiếng nói dịu dàng dễ nghe. Thật không có gì kệch cỡm (và không có gì buồn) bằng một cô gái trẻ trung mĩ miều, ăn mặc chải chuốt mà giọng nói kiêu kì hay điệu đà như diễn kịch. Không ai có thể tự nhiên mà nói hay được (Có khó mới có sang). Đó là một kĩ năng phải tập luyện, rèn giũa và học hỏi. Cô gái xinh đẹp nọ chỉ có thể lên ngôi hoa hậu nếu vượt qua vòng thi cuối cùng với cách nói năng, đối đáp giỏi,...

Sự đổi thay của ngôn ngữ thường âm thầm, chậm chạp, rất khó nhận biết. Nhưng khi đã biến đổi thì ngôn từ có giá trị bảo lưu rất lâu. Tiếng Hà thành chính là hồn vía làm nên truyền thống của một vùng đất ngàn năm văn hiến. Đó là của “gia bảo” của chúng ta. Ta phải biết nâng niu, gìn giữ và phát triển “báu vật” thiêng liêng này.

Với hơn 6 triệu dân, Hà Nội đã tăng hơn 2 lần dân số, một vấn đề không nhỏ với các nhà quản lí đô thị về mặt hành chính, an ninh, dân sinh đô thị... Nhưng có một vấn đề ta đừng quên giữ gìn, bảo vệ - đó là lời ăn tiếng nói của người Hà Nội đã có và vẫn còn nguyên vẹn./.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark