28/11/2012 | 16:06:00

Hệ thống chợ trên đất Thăng Long xưa

Nói đến đô thị, người ta hình dung ra cảnh bán, mua tấp nập với những chợ búa đông đúc (“Búa” tức là “Bộ” – “Bộ Đầu” một tên cổ Hán, có nghĩa là Bến. Chợ trên đất Thăng Long xưa gần bến sông nên có từ ghép “Búa” – chợ búa).

Chỉ tính riêng nội thành từ thế kỷ 17-18 đã có vài chục chợ, trong đó có nhiều chợ nổi tiếng, từng đi vào văn học dân gian như: “Bán mít chợ Đông, bán hồng chợ Tây/ Bán mây chợ Huyện/ Bán quyến chợ Đào…”.

Chợ Đồng Xuân

Chợ Đông (tức chợ Cầu Đông, khu vực giáp Ngõ Gạch, Hàng Đường), chợ Tây (khu vực bến xe Kim Mã), chợ Huyện (khu vực Nhà Thờ Lớn), chợ Đào (chính là phố Hàng Đào). Rồi đến các chợ Cửa Nam (ngã tư Cửa Nam), chợ Đình Ngang, chợ Ông Nước (Ô Đống Mác), chợ Mới (Hàng Chiếu), chợ Đông Thành (Hàng Vải – Hàng Gà), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), chợ Yên Thái (Bưởi)… Đứng đầu các chợ này cả về địa thế lẫn tiếng tăm là chợ Đồng Xuân. Có câu: “Vui nhất là chợ Đồng Xuân/ Kẻ buôn, người bán xa, gần thảnh thơi…”.

Ngoài chợ, Hà Nội còn có 36 phố phường tập trung sản xuất và bán một mặt hàng

Ngoài các chợ trên, đô thành Hà Nội còn có ba mươi sáu phố phường tập trung sản xuất và bán một mặt hàng. Chẳng hạn: “Hàng Thùng, Hàng Bút, Hàng Tre/ Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà…”.

Ngoài chợ, phố nghề còn có khá đông chợ lưu động, không tên (chợ cóc ngày nay), đó là những người buôn bán rong, vặt vãnh… Họ tụ họp bán hàng ở tất cả mọi nơi có người qua lại. Người bán hàng không cần lều che, ghế ngồi. Hàng hóa để trong một vuông vải hay cái thúng, cái rổ, cái mẹt… thậm chí bày ngay trên mặt đất, nền gạch…

Chợ thường được lập lên ở những nơi giao thông thuận tiện và họp luân phiên định kỳ.

Chợ thường được lập nên ở những nơi công cộng, ở các cửa ô, cửa thành, bến sông, bờ kênh… nơi thuận tiện giao thông đi lại, để trao đổi mua bán. Thời gian họp chợ, văn bản chính thức đầu tiên của Nhà nước phong kiến ghi trong sách “Hồng Đức thiên chính thư” đã nêu ra nguyên tắc: chợ họp xen kẽ và luân phiên định kỳ, tránh trùng nhau, nhưng không ghi rõ thời gian cách nhau giữa hai phiên chợ bao nhiêu ngày. Cuối thế kỷ XIX, mới có ý kiến cho rằng, chợ trên đất Thăng Long – Hà Nội cứ 5 hoặc 6 ngày họp một phiên (trừ ngày Hội hoặc Tết có thể mở thêm phiên). Chợ họp từ 7 giờ sáng đến 2 hoặc 5 giờ chiều. Các mặt hàng buôn bán ở chợ rất phong phú, hấp dẫn, giá rẻ như: gạo, cá (cá tươi. cá mắm, cá khô), thịt lợn, thịt trâu, thịt bò (có cả thịt chó, thịt mèo…), rau tươi, quả chín, tơ lụa, đồ trang sức, kim hồn, đồ đòng, đồ sứ, giày dép, quần áo, cày cuốc, các loại vải vóc thông dụng mà người dân quen gọi là hàng tấm, các loại thuốc chữa bệnh thông thường (thuốc men, thuốc bắc), giấy viết các loại… Những mặt hàng này đều do làng, xã quanh kinh thành trồng cấy, sản xuất đem vào thành đổi chác, bán mua. Trong số này có gạo tẻ nhiều nhất, không những đủ cung cấp cho Thăng Long mà còn có khả năng bán cho nhiều nơi trong vùng…

Chợ ở nông thôn đặt dưới quyền kiểm soát của địa phương nơi đặt chợ. Ở nội thành thuộc quyền quản lý của Nhà nước…

Nhằm bảo đảm an ninh – trật tự cho chợ búa, luật pháp Nhà nước ngăn cấm việc người trông coi cho dân buôn bán làm sai quy định như buôn gian, bán dối, nhũng nhiễu, đầu cơ tích trữ. Người làm sai (kể cả viên chức Nhà nước) đều bị trừng trị nghiêm khắc từ đánh trượng, bêu danh ở chợ, phạt tiền, nghiêm trọng có thể bị xử tội theo Luật Hình sự…

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark