29/11/2012 | 14:30:00

Nơi đào tạo nhân tài thành Thăng Long xưa

Vùng Bưởi nổi tiếng với nghề làm giấy dó cung cấp cho thành Thăng Long xưa. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng nơi đây còn là một vùng đất, nơi có những ngôi trường cổ đã từng đào tạo ra nguồn nhân tài làm vang danh cho vùng kinh thành Thăng Long.

Làng cổ Bái Ân là một ngôi làng được vua Lý Thái Tổ đặt tên cho khi nhà vua đi khảo sát ra vùng Bưởi năm 1011. Nơi đây sau này trở thành một phường của kinh thành Thăng Long nay thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Sau khi vua Lý Thái Tổ đi khảo sát vùng Bưởi thấy vùng này phong cảnh đẹp, đường thủy có sông Thiên Phù, sông Tô Lịch chảy vòng quanh, đường bộ đi vào kinh thành rất thuận tiện nên đã để cho một vị trong tôn thất có tài học nhưng không muốn làm quan là Lý Công Ẩn ra cư trú mở trường dạy học. Nghe danh tiếng của người thày giáo tài cao học rộng và có đức độ, con cháu các tôn thất và quan lại đến học khá đông.

Trong số các học trò có Ngô Tuấn, người làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, Gia Lâm – Hà Nội), con của Sùng Tiết Tướng Ngô An Ngữ. Về sau, ông theo gia đình sang ngụ ở phường Thái Hòa (ở gần nhà máy Bia đường Hoàng Hoa Thám ngày nay) đến theo học thầy Lý Công Ẩn ở trường Bái Ân từ năm 7 tuổi đến năm 20 tuổi tức từ năm 1025 đến năm 1038. Năm 1069 vua Lý Thánh Tông đi đánh Champa để yên mặt phía nam. Ông được cử làm tướng tiên phong, lập công lớn, vua phong Phụ quốc Thái úy, tước Khai quốc công và ban cho họ Lý do đó Ngô Tuấn được đổi tên là Lý Thường Kiệt. Sử cũ chép: “Hàng ngày ông hầu cận bên vua, hiến việc tốt, can việc xấu, giúp vua hết mọi cách…”.

Ông trở thành một trong những vị tướng tài của nước Đại Việt, người có công đầu đánh thắng quân Tống xâm lược giữa thế kỷ 11. Bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” nổi tiếng trên dòng sông Như Nguyệt đã khích lệ tinh thần chiến đấu của quân sĩ và làm hoang mang tinh thần quân thù. Chính điều này thể hiện được tài cả văn lẫn võ của vị tướng tài Lý Thường Kiệt. Một vị danh tướng có đức có tài đất Thăng Long được vang danh chính là nhờ công kèm cặp từ thủa nhỏ trong ngôi trường giáo dục của thầy giáo Lý Công Ẩn.

Cũng ở vùng Bái Ân vào thế kỷ cuối thế kỷ 17 có Nguyễn Đình Hoàn ra bờ Hồ Tây chăn trâu có duyên gặp được một vị thày đồ có tâm. Thấy cậu học trò nhỏ thông minh, hiếu học nhưng nhà nghèo nên vị thày đồ đó tình nguyện ở lại dạy cho Nguyễn Đình Hoàn học và chu cấp tiền cho gia đình người học trò nghèo đó bớt khó khăn. Cảm phục đức độ của người thầy giáo vô danh đó, Nguyễn Đình Hoàn chăm chỉ học hành rồi đỗ đạt. Ông còn mở lớp dạy, trong số những học trò của Nguyễn Đình Hoàn có Nguyễn Công Cơ người làng Xuân Tảo (Xuân Đỉnh ngày nay). Cả hai thầy trò cùng làm quan dưới thời vua Lê Dụ Tông và nổi tiếng là “thanh bần” (nghèo mà trong sạch).

Đến thời kỳ Pháp thuộc, một ngôi trường Bưởi được nhiều người biết tới như một cách thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân Hà Nội. Trường Bưởi có tên gọi chính thức là Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ) do người Pháp lập ra vào đầu thế kỷ 20 nhằm đào tạo nguồn nhân lực tay sai cho bộ máy cai trị của chúng tại Bắc Kỳ. Tuy nhiên do trường được xây dựng trên đất làng Thụy Khuê (thời Hậu Lê là nơi đặt điện Thụy Chương) ở vùng Kẻ Bưởi ven Hồ Tây nên người dân vẫn gọi là trường Bưởi. Tên trường này là do các học sinh có tinh thần phản kháng lại người Pháp dùng khi đề cập đến trường nhằm không gọi cái tên chính thức do người Pháp đặt.

Sau khi đất nước giành được chính quyền, năm 1945 trường được đổi tên thành Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An – tên của một người thầy giáo đức độ tài năng của vùng đất Thăng Long xưa và cái tên này vẫn được giữ cho tới ngày nay. Nằm ở làng Thụy Khuê, gần Hồ Tây xanh mát, trường Bưởi – Chu Văn An là một trong những trường có tiếng ở Đông Dương xưa và Việt Nam nay. Đây là nơi đào tạo ra các thế hệ trí thức có tinh thần yêu nước nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam như Phạm Văn Đồng, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khắc Viện…cùng với những thầy giáo nổi tiếng như Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn…

Vùng Bưởi trở thành một vùng đất nuôi dưỡng nguồn nhân tài qua nhiều thế hệ của Thăng Long – Hà Nội. Bên cạnh trung tâm đào tạo tri thức của kinh thành trong khu Quốc Tử Giám thì vùng Bưởi với nhiều trường học của các danh sĩ đã góp phần không nhỏ trong nền giáo dục nhân tài cho nước nhà.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark